Cục Con nuôi tham gia Hội thảo và Khảo sát quy định pháp luật về công tác xã hội tại Ninh Bình

25/11/2022
Cục Con nuôi tham gia Hội thảo và Khảo sát quy định pháp luật về công tác xã hội tại Ninh Bình
Thực hiện Quyết định số 418/QĐ-BTP ngày 24/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình công tác xã hội của Bộ Tư pháp giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 1899/QĐ-BTP ngày 22/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Đoàn khảo sát về tình hình thi hành các quy định của pháp luật về phát triển công tác xã hội tại tỉnh Ninh Bình, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Rà soát, đánh giá tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp của văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội trong hệ thống tư pháp và hệ thống pháp luật có liên quan – Thực tiễn thực hiện và một số kiến nghị, đề xuất” và Đoàn khảo sát việc thi hành các quy định của pháp luật về phát triển công tác xã hội tại tỉnh Ninh Bình vào ngày 16-17/11/2022. Tham gia Hội thảo và Đoàn khảo sát có đại diện của Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Cục Con nuôi, Vụ Pháp luật hành chính - hình sự), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế dưới sự chủ trì của ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp.
Hội thảo đã nghe các tham luận của các Bộ, ngành liên quan ở trung ương và địa phương, trong đó có tham luận của Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp. Các tham luận tại hội thảo tập trung vào việc đánh giá tình hình, thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về phát triển công tác xã hội từ đó đưa ra kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện thể chế đối với lĩnh vực này. Hội thảo cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định về công tác xã hội. Ở nước ta, công tác xã hội mới được hình thành và phát triển trong những năm gần đây, các quy định pháp luật liên quan đến công tác xã hội hiện nằm tản mát trong nhiều lĩnh vực khác nhau, do vậy yêu cầu hoàn thiện thể chế về công tác xã hội mang tính cấp thiết. Công tác xã hội có liên quan mật thiết với lĩnh vực nuôi con nuôi, đặc biệt khi Cục Con nuôi đang xây dựng và triển khai Mô hình hỗ trợ nuôi con nuôi theo Quyết định số 23/QĐ-TTg, ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030. Theo đó tại điểm d khoản 2 Điều 2 của Quyết định này giao Bộ Tư pháp “xây dựng, hướng dẫn, thực hiện và phát triển mô hình về cung cấp dịch vụ nuôi con nuôi”. Các dịch vụ hỗ trợ nuôi con nuôi bao gồm cả dịch vụ pháp lý và công tác xã hội. Việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý-xã hội, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc nhận con nuôi cũng như đánh giá hoàn cảnh gia đình của người nhận con nuôi nhằm xác định sự phù hợp giữa người nhận con nuôi và trẻ em được nhận làm con nuôi đòi hỏi phải có nghiệp vụ về công tác xã hội. Trong khi đó, công chức tư pháp tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi lại không có chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực này. Tại Hội thảo, Đại diện Cục Con nuôi đã trình bày tham luận trong đó đề cập các quy định có liên quan đến công tác xã hội trong Luật Nuôi con nuôi, thực tiễn thực hiện và một số đề xuất, kiến nghị. Yêu cầu đặt ra là cần thể chế hóa sự tham gia của công tác xã hội vào một số công đoạn trong quá trình giải quyết nuôi con nuôi.


Sau hội thảo, Đoàn đã khảo sát tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình với sự tham gia của Sở Tư pháp, Sở Y tế và Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội. Đoàn công tác đã nghe các cơ quan ở địa phương báo cáo về việc thi hành các quy định của pháp luật về phát triển công tác xã hội tại tỉnh Ninh Bình, ghi nhận những khó khăn, bất cập trong thực tiễn và các kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, chế độ với cơ sở bảo trợ xã hội, người làm công tác xã hội và đối tượng bảo trợ xã hội. Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Ninh Bình đang chăm sóc, nuôi dưỡng 83 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có 16 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đa số các trẻ em tại Trung tâm đều bệnh tật và khuyết tật nặng không đủ điều kiện cho làm con nuôi. Hiện tại, Ninh Bình là một trong số các địa phương chưa tham gia giải quyết cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.
Sau hơn 10 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi, trên toàn quốc đã giải quyết trên 30.000 trường hợp nuôi con nuôi trong nước và con nuôi nước ngoài. Vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, đảm bảo việc nhận con nuôi thành công cũng như tiệm cận chuẩn mực quốc tế cần thiết phải có sự tham gia của công tác xã hội trong lĩnh vực nuôi con nuôi. Cục Con nuôi đã và đang phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế nắm bắt tình hình thực tiễn để xây dựng và triển khai Mô hình hỗ trợ nuôi con nuôi theo Quyết định số 23/QĐ-TTg, ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác, Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030, Bộ Tư pháp có trách nhiệm “kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về phát triển công tác xã hội thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ” “nghiên cứu, xây dựng ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền để phát triển công tác xã hội”. Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo và khảo sát thực tế ở một số địa phương nhằm hoạch định chính sách về công tác xã hội có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn./.