Sáng 23/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Toạ đàm Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện trách nhiệm hình sự của các đối tượng liên quan tới trí tuệ nhân tạo (AI).
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính cho biết, robot và trí tuệ nhân tạo ngày nay không chỉ ứng dụng trong ngành sản xuất công nghiệp nặng như trước mà đang tham gia vào đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người. Tuy nhiên, thực tiễn cũng xảy ra những vấn đề thách thức đối với pháp luật – đó là các tình huống robot gây ra tai hoạ nghiêm trọng như làm chết người, làm con người bị thương hoặc huỷ hoại tài sản.
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, đây là vấn đề mới nên quan điểm của các quốc gia, các chuyên gia còn khác nhau, thậm chí vẫn còn trong dự thảo, trong các tài liệu nghiên cứu về trách nhiệm hình sự cũng như khung pháp lý đối với trí tuệ nhân tạo. Do đó, để tránh tình trạng có khoảng trống pháp lý hoặc sự can thiệp chậm của pháp luật, việc Việt Nam chủ động nghiên cứu vấn đề trách nhiệm pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo là rất cấp bách.
Tại Toạ đàm, PGS.TS Cao Thị Oanh, Trường Đại học Luật Hà Nội nhận định, vấn đề trách nhiệm pháp lý liên quan đến tội phạm mà AI phạm phải có thể là thách thức lớn nhất mà luật hình sự từng phải đối mặt, và có thể không có một giải pháp dễ dàng để đề xuất. Bà Oanh nêu ý kiến, đối với người sản xuất, người lập trình, cần quy định trong luật nghĩa vụ chỉ tạo ra những loại AI phức tạp, siêu AI với cơ chế kiểm soát, chế ngự và thậm chí là huỷ hoại chúng khi cần thiết. Nhóm hành vi này chủ yếu là những hành vi vô ý trong việc AI gây thiệt hại.
Do đó, quy định cụ thể của luật hình sự về các hành vi thiếu trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến việc sản xuất, chế tạo, giám sát AI kết hợp với lý luận về tội phạm hiện hành mới đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự của các chủ thể đó. Bà Oanh cho rằng, lý luận về tội phạm và hình phạt cần tiếp tục được sử dụng để quy định bổ sung các tội phạm gắn với nghĩa vụ hành động của các tác nhân liên quan nhằm ngăn chặn các nguy cơ gây thiệt hại của AI.
Ths. Lê Văn Thành, đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính Tư pháp, Bộ Công an đã nêu thực trạng pháp luật Việt Nam về trách nhiệm hình sự của đối tượng liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Qua đó, ông Thành đề xuất nên coi sản phẩm trí tuệ nhân tạo là một loại đối tượng đặc biệt cần phải kiểm soát và quản lý chặt chẽ bởi pháp luật. Đối với những đối tượng sản xuất và sử dụng sản phẩm trí tuệ nhân tạo để thực hiện hành vi phạm tội, nên bổ sung trong Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định riêng biệt để điều chỉnh về trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng này.
Phương Mai