Ngày 29/10/2021, Bộ Tư pháp (được sự hỗ trợ của UNDP Việt Nam) đã tổ chức Tập huấn và Hội thảo tham vấn “Các giải pháp thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam”. Tập huấn và Hội thảo tham vấn do ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp và bà Đặng Thị Huyền, đại diện UNDP Việt Nam chủ trì.
Tập huấn và Hội thảo tham vấn được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội, với sự tham dự của đại diện một số Bộ, ngành, Hiệp hội, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cá nhân có quan tâm như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Hội Người Khuyết tật Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Luật Hà Nội ... Đồng thời, Tập huấn và Hội thảo tham vấn có sự tham dự trực tuyến của một số Đại sứ quán, Lãnh sự quán như Thụy Điển, Anh, Thụy Sỹ; đại điện các cơ quan nhà nước và một số doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội tại Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Đà Nẵng bằng hình thức trực tuyến.
Tập huấn về thực hành kinh doanh có trách nhiệm dược tổ chức vào buổi sáng, các đại biểu được nghe TS. Đinh Lê Hải Hà – Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân và PGS.TS. Nguyễn Bá Bình – Trưởng Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày các bài tham luận về Giới thiệu về kinh doanh có trách nhiệm và các văn bản quốc tế về vấn đề này; Giới thiệu hướng dẫn của Liên hợp quốc về thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm (UNGP) và Giới thiệu khung pháp lý của Việt Nam về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Trong phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu đã tham gia Hội thảo tham vấn về “Các giải pháp thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm”, đại diện Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã giới thiệu về “Đề án Ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam”; đại diện UNDP Việt Nam cũng đã giới thiệu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Chương trình hành động quốc gia về kinh doanh có trách nhiệm. Sau đó, các đại biểu đã nghe các bài tham luận đánh giá về thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam tiếp cận dưới góc độ quyền của người lao động, bảo vệ môi trường, quyền của các nhóm yếu thế của đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Đồng thời, các đại biểu đã trao đổi về một số vấn đề liên quan như hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về bảo vệ quyền của người lao động; thực tiễn giải quyết một số vụ việc trong vi phạm quy định của pháp luật về môi trường; ưu đãi của Nhà nước đối với những doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm... Các đại biểu đều cho rằng bên cạnh việc nâng cao nhận thức, năng lực về thực hành kinh doanh có trách nhiệm thì việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thì hành pháp luật đóng vai trò hết sức quan trọng.
Kết thúc Tập huấn và Hội thảo tham vấn, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp trân trọng cảm ơn sự tham gia của các đại biểu tham dự và nhấn mạnh sự cần thiết trong việc tổ chức Tập huấn và Hội thảo tham vấn nhằm một mặt nâng cao năng lực và nhận thức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam; mặt khác, các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự trực tuyến cũng như trực tiếp sẽ giúp cơ quan chủ trì xây dựng Đề án và các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan có thêm thông tin đánh giá toàn diện thực tiễn thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm và xây dựng Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ vào năm 2023 bảo đảm chất lượng, hiệu quả.