Đối thoại với doanh nghiệp TP. Đà Nẵng về pháp luật quyền sở hữu và Chỉ số A9, A10

19/08/2019
Đối thoại với doanh nghiệp TP. Đà Nẵng về pháp luật quyền sở hữu và Chỉ số A9, A10
Trên cơ sở kế hoạch hoạt động năm 2019 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (viết tắt là Chương trình 585), ngày 16/8, tại TP. Đà Nẵng, Ban Quản lý Chương trình 585 phối hợp với Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế) tổ chức 02 Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp với các chủ đề: lấy ý kiến đánh giá về những vướng mắc, bất cập của pháp luật về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản; các giải pháp nâng cao chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và chỉ số phá sản doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực thi pháp luật. TS. Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình 585 chủ trì 02 Hội nghị này.
Tại Hội nghị đối thoại thứ nhất, các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã trao đổi về những vướng mắc, bất cập của pháp luật về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản đối với các quy định pháp luật cụ thể và các vụ việc cụ thể trên địa bàn TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa thiên Huế nhất là các vụ việc về tài sản công, đất đai... trên địa bàn thành phố trong thời gian qua (bà Phan Thù Dương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tham dự hội nghị này).
Đại diện Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng cho biết, trong thời gian qua Sở Tư pháp đã nhận được nhiều văn bản ngăn chặn do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp đối với các tài sản, quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố, Sở Tư pháp đã đăng nhập thông tin ngăn chặn, thông tin chấm dứt ngăn chặn vào phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu công chức để công chứng viên tra cứu trước khi thực hiện hoặc không thực hiện quyết định công chứng hợp đồng, giao dịch nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp có liên quan đến tài sản và quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, qua thực tiễn quản lý nhà nước của Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng cho thấy, việc ngăn chặn, chấm dứt ngăn chặn quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc khó khăn trong đó có hình thức văn bản ngăn chặn, chấm dứt ngăn chặn; vướng mắc, bất cập trong việc ngăn chặn tài sản của cơ quan điều tra; việc phối hợp gửi thông báo thụ lý vụ án…Trên cơ sở các vướng mắc, bất cập thực tiễn thực hiện, tại Hội nghị đối thoại, Sở Tư pháp đã đưa ra các giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến việc ngăn chặn, chấm dứt việc ngăn chặn tài sản; tăng cường phối hợp của các cơ quan; nâng cao nhận thức của các cá nhân, cơ quan, tổ chức…
Tại Hội nghị đối thoại, Ông Lê Đình Phong – Phó Giám đốc Trung tâm Đăng ký giao dịch tài sản tại TP. Đà Nẵng đã đánh giá thực trạng thi hành pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự để từ đó trao đổi những vướng mắc, bất cập, khó khăn và đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản.
Luật sư Nguyễn Hưng Quang – Trưởng Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự trao đổi về thực tiễn về đảm bảo quyền tài sản từ đó đưa ra các khuyến nghị hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng các quy định về đăng ký bất động sản được thay đổi theo hướng công nhận quyền tài sản đối với tài sản được hình thành trong tương lai, tài sản được đầu tư trên đất khu công nghiệp, bất động sản du lịch, bất động sản được mua có thời hạn… để giải quyết các nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Hội nghị thứ hai với chủ đề đối thoại với doanh nghiệp về các giải pháp nâng cao chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và chỉ số phá sản doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực thi pháp luật đã thu hút sự tham gia sự tham gia của các chuyên gia, Luật sư, đại diện các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố nhằm đánh giá sự thuận lợi của môi trường kinh doanh của Việt Nam trong tổng số 190 nền kinh tế theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB).
Đại diện Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng đã trao đổi về kết quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự trên địa bàn toàn thành phố trong thời gian qua, nhất là thi hành các bản án liên quan đến các doanh nghiệp và phá sản doanh nghiệp theo các bản án của tòa án. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2019, ngành thi hành án dân sự thành phố đã thụ lý thi hành 12.145 vụ việc, trong đó án phá sản là 11 vụ việc, trọng tài 8 vụ việc trong tổng số 12.145 tổng các vụ việc nêu trên. Để thực hiện thi hành án các vụ việc phá sản, đại diện Cục Thi hành án dân sự thành phố đề nghị có hướng dẫn, chỉ đạo đối với thi hành án các vụ việc phá sản doanh nghiệp; có cơ chế hữu hiệu nâng cao trách nhiệm của những người tham gia thủ tục phá sản…
Tại Hội nghị đối thoại, ông Nguyễn Hưng Quang – Chủ tịch Trung tâm Hòa giải thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC) cho rằng, để nâng cao chỉ số về bảo đảm thực thi pháp luật hợp đồng và giải quyết phá sản tại Việt Nam thì cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản 2014 để nâng cao chất lượng quy định về giải quyết phá sản; sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản 2016 để khắc phục những bất cập đề định giá tài sản, đấu giá tài sản trong quá trình thi hành án; sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự 2014 để khắc phục bất hợp lý, chưa rõ ràng, chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn và khác nhau trong các nội dung liên quan giữa Luật Thi hành án dân sự và Luật Phá sản.
Các công việc cụ thể, trước mắt là ban hành và hướng dẫn định mức chi phí cho hoạt động giải quyết phá sản ngoài thù lao của Quản tài viên, Bộ Tư pháp cần tăng cường các hoạt động về đào tạo nghiệp vụ phá sản cho các thẩm phán, Quản tài viên, Chấp hành viên và Luật sư; quan tâm về hợp tác quốc tế và chia sẻ nghiệp vụ đối với những vụ án “phá sản xuyên biên giới”…
Phát biểu kết luận từng Hội nghị đối thoại, TS. Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình 585 đã đánh giá cao các ý kiến trao đổi tại các Hội nghị đối thoại, qua đó các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã đánh giá được những vướng mắc, bất cập của pháp luật về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản; làm rõ các giải pháp nâng cao chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và chỉ số phá sản doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực thi pháp luật. Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế) đã thu thập được nhiều ý kiến góp ý cụ thể nhằm hoàn thiện thể chế đảm bảo quyền tài sản theo các Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như nâng cao các chỉ số A9 (giải quyết tranh chấp hợp đồng) và chỉ số A10 (phá sản doanh nghiệp) theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao  năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 nhằm xây dựng môi trường kinh doanh, đầu tư minh bạch tại Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước./.
Trần Minh Sơn - Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp