Chuẩn bị ý kiến của Chính phủ đối với dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

13/08/2019
Chuẩn bị ý kiến của Chính phủ đối với dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc chuẩn bị ý kiến của Chính phủ đối với dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, ngày 12/8/2019, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp góp ý dự án Luật này. Tham dự cuộc họp có đại diện của các Bộ, ngành liên quan (gồm: Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an và Ủy ban Dân tộc), Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp (Hội luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Trung tâm trọng tài quốc tế bên cạnh phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cùng các đơn vị thuộc Bộ. Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế theo ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã có ý kiến bám sát vào nội dung dự án Luật, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo là Tòa án nhân dân tối cao cần cân nhắc nội dung của một số vấn đề còn vướng mắc nổi lên trong dự thảo Luật. Cụ thể, dự thảo cần làm rõ về mô hình của hoạt động hòa giải tại Tòa án là mô hình hòa giải trong tố tụng hay ngoài tố tụng; đây là vấn đề quan trọng, cốt lõi, liên quan đến nhiều nội dung khác của dự thảo Luật như cơ chế bổ nhiệm hòa giải viên, đối thoại viên; trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải; giá trị của hoạt động hòa giải… Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đã có ý kiến về tính thống nhất, đồng bộ giữa dự thảo Luật với các Luật có liên quan, như Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tổ chức tòa án nhân dân…; đồng thời yêu cầu dự thảo Luật cần làm rõ mối quan hệ giữa mô hình hòa giải này và các mô hình hòa giải khác đang tồn tại trên thực tiễn như hòa giải trong lao động, hòa giải thương mại, hòa giải trong lĩnh vực đất đai… để tránh tiến hành hòa giải nhiều lần trong cùng một vụ việc. Các nội dung khác của dự thảo Luật cũng được đề cập, trao đổi như: việc thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng và Chính phủ về hòa giải; vấn đề thu phí hòa giải; thời hạn hòa giải; bảo đảm bí mật thông tin trong hòa giải; cơ chế bảo vệ hòa giải viên, đối thoại viên; vai trò của đối thoại viên; tác động của dự án Luật đối với thời gian giải quyết tranh chấp, chi phí giải quyết tranh chấp trong bối cảnh Chính phủ và các cơ quan liên quan đang nỗ lực cắt giảmthời gian, chi phí như vậy nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Tú phát biểu Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, chuyển hóa vào dự thảo ý kiến của Chính phủ đối với dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gửi Tòa án nhân dân tối cao, nhất là: các vấn đề mô hình hòa giải tại Tòa án; tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; và tác động đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành, cơ quan chưa có ý kiến góp ý chính thức gửi lại sớm để Bộ Tư pháp kịp thời tổng hợp, trình Chính phủ cho ý kiến để Bộ trưởng Bộ Tư pháp (thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ) ký văn bản gửi Tòa án nhân dân tối cao đúng tiến độ.
Vụ PL dân sự - kinh tế