Việt Nam: Đích đến của công chứng là hoạt động theo một loại hình Văn phòng công chứng
Tại buổi Tọa đàm, bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết hiện nay ở Việt Nam vẫn còn tồn tại song song hai mô hình công chứng: Phòng công chứng nhà nước (131 Phòng công chứng) và Văn phòng công chứng tư nhân (hơn 600 Văn phòng công chứng). Khi có chính sách về xã hội hóa công chứng, thì yêu cầu đặt ra là phải chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng. Theo quy định của Luật công chứng, về nguyên tắc Phòng công chứng được giao lại cho Công chứng viên đang hoạt động tại Phòng công chứng đó, tuy nhiên đối với những Phòng công chứng có “giá trị lớn” (thương hiệu, uy tín…) phải được đem ra đấu giá. Việt Nam hiện đang thiếu kinh nghiệm về việc đấu giá này, kinh nghiệm về pháp luật công chứng cũng như vấn đề chuyển đổi mô hình công chứng của An-giê-ri sẽ là những thông tin tham khảo quý báu. Bà Đỗ Hoàng Yến mong muốn buổi Tọa đàm sẽ thảo luận sâu về vấn đề này và các vấn đề có liên quan.
Cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Bộ Tư pháp dành cho Đoàn Bộ Tư pháp An-giê-ri, Ông Akal Makhlouf, Chủ tịch Hội đồng Công chứng quốc gia An-giê-ri khẳng định mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai nước, đồng thời cho biết, Đoàn Bộ Tư pháp An-giê-ri đã có buổi làm việc và trao đổi kinh nghiệm về hiện đại hóa, tin học hóa các hoạt động tư pháp với Cục Công nghệ thông tin và Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp. Trong buổi làm việc này, Đoàn sẵn sàng chia sẻ và trao đổi các thông tin cũng như kinh nghiệm của An-giê-ri trong hoạt động công chứng.
An-giê-ri: Loại hình công chứng là Phòng công chứng công (của Nhà nước), Công chứng viên làm trong đó là Công chứng viên tư
Lý giải về mô hình công chứng này, ông Akal Makhlouf cho biết trước đây, An-giê-ri tồn tại Phòng công chứng của người Pháp và Phòng công chứng của Angieri dành cho người bản địa. Sự tồn tại song song của hai mô hình này kéo dài cho đến khi An-giê-ri dành được độc lập vào năm 1962. Sau khi dành được độc lập thì xu hướng chính trị của An-giê-ri là xã hội chủ nghĩa, do vậy, Nhà nước đã quốc hữu hóa các Văn phòng công chứng tư thành Phòng công chứng nhà nước. Các Công chứng viên trở thành công chức của Bộ Tư pháp An-giê-ri. Các Phòng công chứng công gắn liền với Tòa án cho đến năm 1980. Khi An-giê-ri chuyển sang nền kinh tế thị trường, hoạt động công chứng công và công chứng viên của Nhà nước không còn phù hợp.
An-giê-ri đã thực hiện tư nhân hóa lĩnh vực công chứng, công chứng viên vừa là nhân viên tư pháp vừa là công lại vừa là người hành nghề tự do trong lĩnh vực công chứng. Hiện nay, mô hình công chứng của An-giê-ri là Phòng công chứng công – tức là của Nhà nước, nhưng những Công chứng viên làm trong Phòng công chứng công đó lại là Công chứng viên tư...
Ông cũng chia sẻ thêm, cuối những năm 80, An-giê-ri có 124 Công chứng viên, cho đến nay đã có 1,800 công chứng viên (trên 40 triệu dân). Những Công chứng viên cũ của nhà nước thời đó có hai lựa chọn: làm công chức nhà nước nhưng được giao thực hiện việc khác hoặc làm Công chứng viên tư. Và theo đó, những cộng sự của họ cũng được lựa chọn như họ, còn chức danh Công chứng viên nhà nước thì không còn tồn tại. Cho đến năm 2006 thì Angieri có Luật về công chứng và có 4 Nghị định để hướng dẫn thi hành Luật này.
Tại buổi Tọa đàm, nhiều vấn đề liên quan đã được đặt ra để trao đổi, thảo luận như: việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng ở An-giê-ri (lộ trình, thời gian chuyển đổi, kết quả đạt được và tồn tại trong việc chuyển đổi, cách thức chuyển đổi); Cách xác định quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng; Tiêu chí xác định Phòng công chứng có “giá trị lớn” để quyết định việc đưa ra đấu giá Phòng công chứng; Phương án giải quyết chế độ, chính sách đối với công chứng viên, viên chức, người lao động của Phòng công chứng được chuyển đổi; Phương thức xử lý tài sản của Phòng công chứng chuyển đổi; Khó khăn, vướng mắc và các nội dung khác liên quan đến việc chuyển đổi Phòng công chứng…
Hoàng Vy Anh