Ngày 8/12/2015, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký Quyết định số 20/2015/L-CTN công bố Bộ luật Dân sự đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015 với nhiều quy định mới quan trọng như thiết lập luật chung cho cả hệ thống luật tư, ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và phục vụ hội nhập quốc tế.
Trên tinh thần đó, trong khuôn khổ Kế hoạch năm 2015 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 của Bộ Tư pháp, ngày 18/12/2015, tại Hà Nội, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam và Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp tổ chức “Tọa đàm một số nội dung mới của Bộ luật Dân sự (sửa đổi) liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”. Đến tham dự và chỉ đạo Tọa đàm, có TS. Nguyễn Thanh Tú – Q. Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp; PGS-TS. Dương Đăng Huệ - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp và Luật gia Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cùng hơn 100 đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành, các doanh nghiệp và báo đài đưa tin về Tọa đàm.
Tại Tọa đàm có sự trình bày của các diễn giả như Ths. Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp; TS. Bùi Thị Minh Hằng, TS. Nguyễn Am Hiểu – Khoa luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico; Ths. Nguyễn Chi Lan, Phó Cục trưởng Cục đăng ký quốc gia giao dịch có đảm bảo, Bộ Tư pháp… Tọa đàm đã trao đổi về các điểm mới của Bộ luật Dân sự (sửa đổi) liên quan đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, tại Tọa đàm, các chuyên gia đến từ Cục đăng ký quốc gia giao dịch có đảm bảo, Bộ Tư pháp, Đại học Quốc gia Hà Nội, Công ty Luật Basico… cũng trao đổi sâu về các vấn đề liên quan đến pháp luật hợp đồng liên quan đến doanh nghiệp trong Bộ luật dân sự (sửa đổi), vấn đề lãi suất tiền vay, đăng ký giao dịch bảo đảm… được quy định mới trong Bộ luật dân sự (sửa đổi) năm 2015 vừa được Quốc hội thông qua. Qua Tọa đàm, Ban Tổ chức cũng đã thu được rất nhiều ý kiến trao đổi sâu sắc tại tạo đàm nhằm góp phần giúp các doanh nghiệp hiểu kỹ và sâu hơn các quy định trong Bộ luật dân sự (sửa đổi) liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đưa pháp luật đi vào cuộc sống và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực thi Bộ luật dân sự mới một cách hiệu quả nhất.
ThS.NCS. Trần Minh Sơn, Bộ Tư pháp
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay cho thấy, Bộ luật dân sự giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện quyền tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Vai trò này được thể hiện ở những điểm cơ bản mới sau đây của Bộ luật dân sự sửa đổi:
Thứ nhất, Bộ luật Dân sự tăng cường nền tảng kinh tế (nền tảng vật chất) cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể là:
- Bộ luật Dân sự hoàn thiện chế định quyền sở hữu, đồng thời ghi nhận thêm các quyền tài sản khác của doanh nghiệp.
- Bộ luật Dân sự ghi nhận sự bình đẳng giữa các chủ sở hữu tài sản.
- Bộ luật Dân sự ghi nhận sự không hạn chế về số lượng và giá trị của tài sản thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân.
Thứ hai, Bộ luật Dân sự tăng cường cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền tự do hợp đồng.
Tự do hợp đồng là một trong những bộ phận cơ bản cấu thành nội dung tự do kinh doanh ở bất cứ đâu, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, không có tự do hợp đồng thì về cơ bản sẽ không có tự do kinh doanh. Nhận thức được mối quan hệ này, nhà lập pháp Việt Nam đã dành một sự quan tâm đặc biệt trong quá trình xây dựng phần thứ ba của Bộ luật Dân sự (Nghĩa vụ và hợp đồng). Sau đây là những quy định mới có ý nghĩa rất to lớn cho việc bảo đảm thực hiện quyền tự do hợp đồng ở nước ta:
- Bộ luật Dân sự ghi nhận nguyên tắc, theo đó, việc giao kết hợp đồng với ai và với nội dung gì (quyền tự do thỏa thuận) là quyền của doanh nghiệp; không ai, kể cả cơ quan nhà nước, có thể can thiệp, trừ những trường hợp đặc biệt được quy định bởi luật (khoản 2, Điều 2; khoản 2, Điều 3).
- Bộ luật Dân sự ghi nhận một cách đầy đủ, rõ ràng, thống nhất các điều kiện để được đơn phương chấm dứt hợp đồng, đặc biệt là đã bổ sung điều kiện: “bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng”.
- Bộ luật Dân sự đưa ra nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành, qua đó đảm bảo thái độ tôn trọng hơn của Nhà nước đối với quyền tự do thỏa thuận của các bên trong giao kết, thực hiện các hợp đồng trong một số lĩnh vực kinh doanh đặc thù.
- Bộ luật Dân sự đã có quy định mới để hạn chế các trường hợp hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu do vi phạm hình thức.
- Bộ luật Dân sự có nhiều quy định giúp các chủ thể quan hệ pháp luật dân sự nói chung và các doanh nghiệp nói riêng được dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc giao kết, thực hiện hợp đồng.
Thứ ba, Bộ luật Dân sự tăng cường cơ chế bảo vệ quyền dân sự.
Một trong những điểm mới mang tính bước ngoặt trong Hiến pháp 2013 là sự đề cao quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp đã ghi nhận những quyền cơ bản, đồng thời xác định những cơ chế chủ yếu để bảo đảm thực hiện các quyền này, còn các đạo luật khác, trong đó có Bộ luật Dân sự, phải tìm ra và ghi nhận các cơ chế đặc thù để góp phần bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, pháp nhân, trong đó có doanh nghiệp.
Sau đây là một số quy định mới nhằm tạo cơ sở pháp lý tốt hơn cho việc bảo vệ quyền dân sự của tổ chức, cá nhân, trong đó có doanh nghiệp:
- Giữa quyền tự do kinh doanh và cơ chế bảo vệ quyền tự do kinh doanh có mối quan hệ mật thiết với nhau.
- Bộ luật Dân sự 2015 đã ghi nhận cơ chế mới trong việc bảo vệ quyền dân sự, theo đó, trong nhiều trường hợp, các quyết định hành chính còn có thể được xem xét lại theo thủ tục tư pháp tại tòa án.
- Bộ luật Dân sự 2015 bảo vệ sự công bằng, chống lại sự bất công trong các giao dịch dân sự, qua đó góp phần thúc đẩy thực hiện quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.