Tham gia buổi tọa đàm, về phía Bộ Tư pháp An-giê-ri có: ông Akal Makhlouf, Chủ tịch Hội đồng Công chứng quốc gia, làm trưởng đoàn; bà Taib Rahmani Linda, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin; đại diện Đại sứ quán An-giê-ri tại Việt Nam và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp An-giê-ri .
Về phía Bộ Tư pháp Việt Nam có: ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin; ông Nguyễn Hữu Huyên, Phó vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế; ông Tạ Thành Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, cùng một số cán bộ Cục Công nghệ thông tin và Vụ Hợp tác quốc tế.
Thực hiện Thỏa thuận hợp tác tư pháp, pháp luật và Kế hoạch hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp Việt Nam và An-giê-ri năm 2014-2015, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc lần này tại Bộ Tư pháp Việt Nam, Đoàn Bộ Tư pháp An-giê-ri đã có buổi Tọa đàm với Bộ Tư pháp Việt Nam về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật. Đây cũng là một trong những nội dung của hoạt động hợp tác trong lĩnh vực hiện đại hóa công tác tư pháp giữa hai Bộ. Tại buổi Tọa đàm, hai Bên đã trao đổi, thảo luận và thông tin cho nhau về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, thi hành pháp luật và đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công cho người dân.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Chí Dũng đã thông tin về một số Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) nổi bật mà Bộ Tư pháp đang giúp Chính phủ quản lý như: CSDLQG về pháp luật, CSDLQG về thủ tục hành chính… Theo đó, CSDLQG về pháp luật tạo điều kiện minh bạch hóa hệ thống pháp luật để người dân có thể tiếp cận và tra cứu miễn phí các thông tin về pháp luật; CSDLQG về thủ tục hành chính tạo điều kiện minh bạch hóa các dịch vụ công mà Việt Nam cung cấp cho người dân. Ông Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm về động sản (trừ tàu bay, tàu biển), đã cung cấp các dịch vụ công mức độ 4…
Phía nước bạn cũng cho biết, An-giê-ri cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật, trong đó có: nâng cao dịch vụ công để cung cấp cho người dân; đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân; thực hiện Chính phủ điện tử một cách cụ thể. Thông qua CSDLQG tập trung, An-giê-ri tối ưu hóa các dịch vụ công từ xa, đặc biệt trong lĩnh vực lý lịch tư pháp và quốc tịch. Hiện nay, việc cấp Giấy chứng nhận quốc tịch và phiếu lý lịch tư pháp đã hoàn toàn thông qua internet với chữ ký điện tử, người dân không cần phải đến cơ quan tư pháp để thực hiện với điều kiện họ phải đăng ký để sử dụng trên CSDL này.
Cũng như An-giê-ri, lĩnh vực đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp và xác thực quốc tịch ở Việt Nam cũng sử dụng chữ ký điện tử, tuy nhiên đó chỉ là một trong các phương thức lựa chọn của người dân, bởi ở Việt Nam còn có những vùng kinh tế khó khăn, do vậy người dân vẫn phải sử dụng các phương pháp thủ công truyền thống mà không thể lựa chọn phương thức trực tuyến.
Trong buổi Tọa đàm, hai bên cũng đã thông tin và trao đổi nhiều các vấn đề quan trọng khác liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật.
Hoàng Vy Anh