Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, bà Kanpandji Morhange, chuyên gia BĐGTS đồng chủ trì tọa đàm. Tham dự tọa đàm còn có đại diện: Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; Văn phòng Chính phủ, một số bộ, ngành có liên quan; một số Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc TW; một số Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản khu vực phía bắc (từ Quảng Trị trở ra).
BĐGTS ở Việt Nam ra đời muộn, nhưng phát triển nhanh
Tại buổi tọa đàm, ông M.Benoit Briquet, Tùy viên, Phụ trách hợp tác pháp luật, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết, BĐGTS ở Pháp có từ rất lâu, ở Việt Nam thì còn tương đối mới, theo đó năm 1997 mới có quy định của pháp luật về BĐGTS. Đấu giá viên (ĐGV) ở Pháp chỉ phụ trách BĐGTS là động sản và tài sản hữu hình, còn bất động sản thuộc về trách nhiệm của công chứng viên, trong khi ở Việt Nam thì ĐGV được thực hiện bán đấu giá cả hai loại tài sản này. Mặc dù ra đời muộn, nhưng ông M.Benoit Briquet khẳng định, BĐGTS ở Việt Nam đang phát triển mạnh với số lượng ĐGV là 1,500 người, trong khi ở Pháp chỉ có 410 ĐGV.
Đồng tình với ông M.Benoit Briquet, bà Kanpandji Morhange cho biết lịch sử BĐGTS của Pháp có từ lâu đời và rất phát triển, hiện đang đứng thứ 4 trên thế giới về BĐGTS có tính nghệ thuật. Bà cũng cho biết thêm nhiều thông tin về bán đấu giá tư pháp, bán đấu giá tự nguyện; trách nhiệm, thù lao của ĐGV…tại Pháp.
Doanh nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực không được thực hiện BĐGTS
Chia sẻ băn khoăn về doanh nghiệp BĐGTS, ông Nguyễn Văn Mạnh, đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đặt câu hỏi: BĐGTS được thực hiện thông qua công ty thương mại (công ty trách nhiệm hữu hạn), vậy tại sao dự thảo Luật chỉ quy định doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được thực hiện? Trước đây, Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản cho phép doanh nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực được thực hiện BĐGTS, lý do nào dự thảo Luật bán đấu tài sản quy định doanh nghiệp đấu giá chỉ được hoạt động trong một lĩnh vực này? Ông Mạnh cũng cho rằng, dự thảo Luật nên quy định cụ thể về thời gian giao tài sản sau khi thực hiện xong BĐGTS chứ không nên để văn bản dưới luật quy định.
Bàn về vấn đề doanh nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực không được thực hiện BĐGTS, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp cho biết, hiện nay, chỉ có 190 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thực hiện BĐGTS, nhưng trên thực tế, có hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, thậm chí có những doanh nghiệp không liên quan đến BĐGTS, trong giấy phép cũng được kinh doanh về BĐGTS. Quy định như trên nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp, đồng thời cũng tránh tình trạng doanh nghiệp “hoạt động ma”.
Liệu có phải là “luật khung” nếu dự thảo Luật định khung hai hình thức BĐGTS?
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay có nhiều phương thức đấu giá ngoài hai phương thức trả giá lên và đặt giá xuống. Ông dẫn chứng, tại Mỹ, BĐGTS áp dụng cả phương thức đấu giá tuyệt đối. Nếu dự thảo Luật chỉ quy định BĐGTS với hai phương thức trên “thì có phải là luật khung không?”, nếu không phải là quy định khung thì trong tương lai sẽ “lại phải sửa đổi, bổ sung luật, cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành”.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai cho biết, tại Việt Nam, đây là hai phương thức đang được thực hiện trên thực tế và cũng là phương thức BĐGTS phổ biến nhất trên thế giới. Luật không quy định phương thức khác để tránh việc “Luật quy định trái với thực tế”. Đồng thời, bà cũng khẳng định, nếu những phương thức khác có một trình tự cụ thể, rõ ràng, dễ áp dụng trong thực tiễn tại Việt Nam, thì các đại biểu tiếp tục thảo luận, cho ý kiến để Bộ Tư pháp nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật.
Buổi chiều, các đại biểu tiếp tục trao đổi, thảo luận về trình tự, thủ tục BĐGTS, đồng thời nghe bình luận của chuyên gia Pháp về dự thảo Luật bán đấu giá tài sản của Việt Nam.
Hoàng Vy Anh