Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương họp phiên thứ 12

09/09/2005
Ngày 8-9 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương đã họp phiên thứ 12. Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương chủ trì phiên họp.

Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, việc xây dựng và củng cố đội ngũ luật sư, kết quả thực hiện bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong tố tụng hình sự gây ra và báo cáo về việc áp dụng và thi hành án tử hình là những nội dung chính của phiên họp.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu nêu ra một số kiến nghị nhằm củng cố và phát triển đội ngũ luật sư, xây dựng và ban hành Luật Luật sư trong đó mở rộng phạm vi hành nghề của Tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam theo hướng cho phép luật sư Việt Nam làm việc cho tổ chức luật sư nước ngoài được tham gia tố tụng trước Tòa án Việt Nam, nâng cao hiệu quả hoạt động tham gia tố tụng của luật sư, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, nâng cao kỷ luật hành nghề, tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư, nâng cao vai trò tự quản của tổ chức xã hội-nghề nghiệp luật sư.
Theo ông Trương Vĩnh Trọng, Bí thư T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, một số nhiệm vụ cấp bách của cải cách tư pháp cần thực hiện từ nay đến cuối năm gồm: Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan và các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu để kiến nghị với Quốc hội, UBTV Quốc hội và Chính phủ tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp nhằm nâng cao chất lượng của luật, pháp lệnh theo hướng các quy định của luật, pháp lệnh phải cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tư pháp trong việc áp dụng pháp luật.
Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tổ chức họp cho ý kiến đối với các dự án Bộ luật thi hành án, Luật chống tham nhũng, Luật Công an nhân dân sẽ được trình Quốc hội thảo luận, thông qua hoặc cho ý kiến vào Kỳ họp QH cuối năm 2005.
Tiếp tục hoàn thiện phương thức hoạt động của các cơ quan tư pháp nâng cao chất lượng đội ngũ điều tra viên, thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên; nghiên cứu xác định lại số lượng, tiêu chuẩn của Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao...
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo CCTPT.Ư báo cáo Ban Bí thư T.Ư Ðảng cho phép công bố và tuyên truyền những nội dung cơ bản của Nghị quyết 49-NQ/T.Ư trước khi tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết; đồng thời đôn đốc, kiểm tra các cơ quan tư pháp trung ương trong việc thực hiện các nhiệm vụ cấp bách từ nay đến cuối năm và cân nhắc việc đưa vào chương trình Hội nghị việc báo cáo kết quả thực hiện một số đề án lớn có tác dụng tích cực trong triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/T.Ư. Chủ tịch nước nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra đối với công cuộc cải cách tư pháp là đi từng bước vững chắc, bước sau kế thừa bước trước để ngày càng tiến tới mục tiêu chung.
Theo Chủ tịch nước Trần Ðức Lương, để phát triển đội ngũ luật sư, trước hết cần hoàn thiện thể chế về luật sư. Khi xây dựng Luật về luật sư và các văn bản pháp luật tố tụng có liên quan đến luật sư, cần chú ý đến công tác ban hành những văn bản hướng dẫn thực hiện để luật đi vào cuộc sống, để luật sư thật sự có điều kiện tác nghiệp theo đúng pháp luật. Nhà nước cần có chính sách cụ thể hỗ trợ ban đầu, khuyến khích phát triển nghề luật sư bằng cách phát triển thị trường dịch vụ pháp lý, cải tiến phương thức đào tạo, hỗ trợ hành nghề... Bên cạnh đó, cần lưu ý phát triển chi bộ đảng trong các đoàn luật sư và có chính sách phát triển luật sư ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trước yêu cầu hiện nay về việc tăng cường cả về số lượng cũng như chất lượng không chỉ đội ngũ luật sư mà cả đội ngũ cán bộ pháp lý được giao các chức danh tư pháp trong hệ thống tư pháp nhà nước, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương cho rằng, cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để tạo sự chuyển biến, sát hợp thực tế.
Chủ tịch nước Trần Ðức Lương biểu dương những cố gắng của các cơ quan tư pháp trong thực hiện bồi thường cho người bị oan theo tinh thần Nghị quyết 388. Chủ tịch Trần Ðức Lương nói: Việc làm này không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, mà còn khôi phục lòng tin của nhân dân đối với công lý, với các cơ quan bảo vệ pháp luật; đồng thời nâng cao trách nhiệm, năng lực của đội ngũ cán bộ tư pháp, giảm thiểu tình trạng oan sai trong tố tụng hình sự. Ðiều cốt yếu là làm sao thực hiện được yêu cầu của Ðảng, của Nhà nước cũng như nguyện vọng nhân dân, bảo đảm phán quyết tư pháp công minh, chính trực, công bằng và tránh oan sai. Nếu có oan sai thì phải nhận trách nhiệm đầy đủ với nhân dân, với xã hội.
Ðối với việc áp dụng và thi hành án tử hình, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan tư pháp cần tổng kết để có hướng dẫn vận dụng các khung hình phạt đối với các tội danh có án tử hình theo hướng càng ít án tử hình càng tốt. Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ Công an sớm hoàn thành Ðề án đổi mới cách thức thi hành án tử hình trong năm 2005.
Cũng tại phiên họp, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương lưu ý, hiện nay Quốc hội và dư luận trong Ðảng, trong nhân dân rất quan tâm tới chống tham nhũng. Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan tư pháp hệ thống lại các vụ án tham nhũng trong những năm qua, xem xét cách xử lý các vụ án đã đạt yêu cầu chưa để nghiên cứu sâu về chuyên đề này.

Theo Website báo Nhân dân (http://www.nhandan.org.vn)