Ngày 27 tháng 02 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 270/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước” thuộc Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ từ năm 2008 đến năm 2012.
Theo đó, mục tiêu của Đề án là đến hết năm 2012 đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ được nâng cao tính chuyên nghiệp, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn pháp lý, kỹ năng và nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cụ thể: đến năm 2012, bố trí được cán bộ chuyên trách làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại 100% tổ chức pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 70% tổ chức pháp chế của Sở, Ban, ngành cấp tỉnh và doanh nghiệp nhà nước, 80% cơ quan báo, đài ở Trung ương và 70% cơ quan báo, đài địa phương có phóng viên, biên tập viên chuyên trách về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; củng cố, kiện toàn 60% tổ hoà giải ở cơ sở và 50% Ban công tác Mặt trận địa phương; bồi dưỡng chuyên môn pháp lý cho 100% người quản lý công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và báo cáo viên, tuyên truyền viên; bồi dưỡng 100% giáo viên dạy môn pháp luật trong hệ thống Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, các trường chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, trường nghiệp vụ của các Bộ, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang.
Đề án tập trung vào 6 nội dung chính:
- Một là, rà soát, phân loại, đánh giá, củng cố đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo nhóm đối tượng cụ thể để có biện pháp đào tạo, bồi dưỡng thích hợp.
- Hai là, phối hợp thực hiện các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật với các chương trình giáo dục lý luận chính trị của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội; hợp tác với các tổ chức tôn giáo, các chức sắc tôn giáo để phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào theo đạo.
- Ba là, thường xuyên biên soạn, phát hành các tài liệu nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật dưới các hình thức phù hợp, dễ hiểu.
- Bốn là, xây dựng, hoàn thiện chế độ, chính sách đối với những người tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hoàn thiện cơ chế về tài chính, đáp ứng đầy đủ hơn cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Năm là, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực sau khi đào tạo, bồi dưỡng để tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực trong thời gian tiếp theo.
- Sáu là, quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo, bồi dưỡng.
Các giải pháp thực hiện:
Để thực hiện các nội dung nêu trên, Đề án đưa ra 7 giải pháp thực hiện như sau:
- Củng cố, đánh giá lại nguồn nhân lực hiện có của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ Trung ương đến cơ sở.
- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn lý luận chính trị, chuyên môn pháp lý và nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Xây dựng, hoàn thiện nguồn tài liệu nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Xây dựng chính sách pháp luật đối với nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Xây dựng hệ tiêu chí đối với nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết. Hàng năm tổ chức kiểm tra theo định kỳ, đánh giá những kết quả, chuyển biến từ hoạt động thực hiện Đề án đối với kết quả, chất lượng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Từng giai đoạn tiến hành sơ kết, tổng kết về kết quả đào tạo, bồi dưỡng và rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Nguyễn Thị Quế