Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị CBCC và tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TƯ

21/01/2009
Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị CBCC và tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TƯ
Ngày 20/1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị cán bộ công chức (CBCC) năm 2009 và tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TƯ (ngày 18/2/1998) của Bộ Chính trị (khoá VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở.

Hội nghị CBCC cơ quan Bộ là hoạt động hàng năm của Bộ Tư pháp để thực hiện QCDC. Thông qua các hoạt động này, tập thể CBCC Bộ Tư pháp đánh giá kết quả thực hiện công việc, đề ra các biện pháp từng bước cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của CBCC. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Lãnh đạo Bộ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và đề xuất, kiến nghị của CBCC.

Năm 2008, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp phải thực hiện một số lượng lớn công việc trong các lĩnh vực công tác: xây dựng, thẩm định, kiểm tra và rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; thi hành án dân sự; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; trợ giúp pháp lý; đăng ký giao dịch bảo đảm; xây dựng Ngành; hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật; đào tạo luật; đào tạo nghề; nghiên cứu khoa học pháp lý... Kết quả công tác năm 2008 của cơ quan Bộ đã được đánh giá khá toàn diện và cụ thể tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2009 của Ngành.

Song song với việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao, việc thực hiện QCDC trong tổ chức và hoạt động của Bộ Tư pháp cũng được thực hiện nghiêm túc, tạo ra không khí dân chủ, đoàn kết trong cơ quan, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Các phương thức dân chủ trong hoạt động đã tác động đến ý thức và trách nhiệm của từng CBCC của Bộ trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đưa ra được những kiến nghị, đề xuất thực hiện dân chủ trong đời sống xã hội.

Dù vẫn còn một số hạn chế, nhưng những kết quả hoạt động của cơ quan Bộ Tư pháp và việc thực hiện QCDC đã góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý, nâng cao trách nhiệm của đơn vị, cá nhân thực thi công vụ, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân, góp phần quan trọng vào sự đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành của Bộ, xây dựng đội ngũ CBCC trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị, đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước và bảo đảm quyền làm chủ của CBCC và nhân dân./.

H.Giang