Như tin đã đưa, trong hai ngày 08 và 09/12/2008, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở, khu vực các tỉnh phía Nam.
Kỹ năng hòa giải
Tổ trưởng Tổ hòa giải bản Tây Hưng, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho rằng, để làm tốt công việc mà người dân tín nhiệm, giao phó, trước hết mình phải là người có uy tín, luôn ý thức được lời ăn tiếng nói và cả việc làm, phải là tấm gương sáng mà bà con nhìn vào đó để học hỏi... Là Tổ trưởng Tổ hòa giải bản, ông và các thành viên trong tổ luôn phát huy thế mạnh của mình như: Vận động quần chúng, nắm bắt kịp thời, đầy đủ, chính xác từng chi tiết của vụ việc khiếu kiện và cả tâm lý của đối tượng để kiên trì vận động, thuyết phục các bên. Bên cạnh đó, còn phải phân tích vụ việc có tình, có lý dựa trên tinh thần “tình làng, nghĩa xóm”, anh em thân tộc...
Theo ông Trần Thanh Long, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, công tác hòa giải cơ sở đóng góp rất lớn vào việc ngăn chặn, loại bỏ các tập tục lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số. Khi chưa có Pháp lệnh Hòa giải cơ sở, hoạt động giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn chủ yếu theo phong tục, tập quán, “luật tục” lạc hậu, hà khắc như: cho hai bên tranh chấp lặn xuống nước, bên nào lên trước là bên đó sai. Nhiều người vì danh dự, uy tín trước cộng đồng nên gắng lặn đến chết dưới nước... Điều đáng mừng là hiện nay việc giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân tộc thiểu số đã được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo “hương ước” và những phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào. Ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc bộc bạch: “Làm công tác hòa giải mà đi sâu vào lý lẽ thì các bên đều đưa ra lý của mình, dù lý đó là cùn, dẫn đến khó giải quyết được mâu thuẫn, tranh chấp. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ nên dùng tình cảm để thuyết phục thì các lý lẽ, mâu thuẫn mới có thể dịu đi. Các bên không cần thắng thua, mà ở đó chỉ còn sự chia sẻ, nhường nhịn để đạt được sự hòa thuận trong cuộc sống...
Nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng: “Hòa giải với tinh thần lấy dân làm gốc, tiếp nối phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và sức mạnh đoàn kết dân tộc, thực sự trở thành phong trào quần chúng rộng lớn, góp phần củng cố trật tự xã hội, giữ vững sự bền vững của cộng đồng, tăng sự đồng thuận xã hội trong thời kỳ đổi mới để phát triển đất nước”. Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở là dịp để các “nhà hòa giải” gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, việc làm cần thiết đối với những người làm công tác hòa giải là thảo luận trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, cầu thị về những vấn đề mà hội nghị đề cập đến. Mục đích cuối cùng hướng tới là nhằm tìm ra các giải pháp toàn diện và cơ bản để đưa công tác hòa giải cơ sở tiếp tục phát triển cao hơn, có chiều sâu hơn và chất lượng hơn so với thời kỳ mới bắt đầu cách đây 10 năm. Đây cũng là dịp để những người làm công tác hòa giải cơ sở có được cái nhìn toàn diện trong thực tiễn về công tác hòa giải cơ sở. Từ đó, cung cấp nhiều luận cứ quan trọng cho việc thực hiện thể chế về hòa giải cơ sở.
Bộ trưởng nhấn mạnh, hội nghị tổng kết nếu làm được tốt thì đây là những “tài liệu” quan trọng để tổng kết thực tiễn. Có như thế, mới tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, cho Đảng sớm hình thành Luật Hòa giải ở cơ sở và Luật Phổ biến giáo dục pháp luật trong thời gian sắp tới. Để làm được điều này, cần đánh giá những nỗ lực, sáng tạo trong việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở nhằm làm rõ hơn nữa hiệu quả kinh tế - xã hội một cách thiết thực mà công tác hòa giải mang lại trong 10 năm qua. Bên cạnh đó, hội nghị cần nêu ra những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, những mô hình tốt, cách làm hay, những vướng mắc về thể chế và cơ chế để đề xuất các chính sách và biện pháp mới phù hợp và hiệu quả hơn. Bộ trưởng nói: Cần nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, nhất là những yếu kém do nguyên nhân chủ quan. Đồng thời, phân tích những yếu tố khách quan tác động không tốt đến hiệu quả chất lượng. Bộ trưởng đề nghị, những người tham gia hội nghị cần thảo luận, trao đổi và xác định mục tiêu, định hướng, tìm giải pháp chủ yếu nhất cho công tác hòa giải một cách hiệu quả nhất, không mang tính hình thức...
Phong Trần
Theo ông Nguyễn Tất Viễn, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư Pháp, nhìn chung công tác hòa giải có những đóng góp to lớn cho xã hội. Tuy nhiên, theo báo cáo tổng kết, số vụ việc không hòa giải thành vẫn còn nhiều, khoảng 500.000 vụ. Bên cạnh đó, Tổ hòa giải ở một số nơi hoạt động chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ hoặc bị hành chính hóa, xem đó như cách phân xử buộc các bên phải tuân theo. Điều này làm mất đi ý nghĩa, bản chất tự nguyện, tự thỏa thuận của hoạt động hòa giải. Chưa hết, thực tế vẫn còn tình trạng tổ chức hòa giải, hòa giải viên không nắm vững quy định của pháp luật về hòa giải. Thậm chí tiến hành thực hiện hòa giải những vụ việc mà theo quy định của pháp luật không được hòa giải như các hành vi vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý về mặt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. |