Hội nghị tổng kết được Bộ Tư pháp tổ chức sáng qua (4/12/2008) tại Ninh Bình. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền đề nghị các đại biểu đi sâu đánh giá đúng những nỗ lực, cố gắng, những sáng tạo, trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở, tủ sách pháp luật; Nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm. Từ đó, tập trung thảo luận về mục tiêu, định hướng và những giải pháp chủ yếu cho công này trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội đã có nhiều thay đổi trong 10 năm qua…
Tính đến tháng 6/2008, trên toàn quốc có 120.462 Tổ hoà giải/128.425 thôn, tổ dân phố với 623.157 hoà giải viên. Số lượng Tổ hoà giải và hoà giải viên đã tăng khoảng 1,5 lần so với trước khi có Pháp lệnh về hoà giải đã làm cho công tác tổ chức và hoạt động hoà giải trên toàn quốc có nhiều chuyển biến tích cực. Hoà giải ở cơ sở với việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ, đã góp phần vào việc giữ gìn tình đoàn kết, tương thân, tương ái, gắn bó trong nội bộ quần chúng nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân tại cộng đồng, tạo nên sự đồng thuận, ổn định, thúc kinh tế - xã hội phát triển…Hàng triệu mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích trong nhân dân được các hoà giải viên kịp thời, kiên trì hoà giải một cách khách quan, công minh, thấu tình, đạt lý, góp phần giải quyết tận gốc các mâu thuẫn, tranh chấp đó. Tính từ năm 1999 đến năm 2008, tổng số vụ việc hoà giải thành là hơn 3 triệu vụ (đạt tỷ lệ 80,3%)
Trong hàng triệu vụ việc trên, có không ít gia đình đã được hàn gắn những rạn nứt về tình cảm; vun đắp, thắp sáng tình yêu thương, sự hoà thuận trong từng gia đình, làng xóm; số lượng lớn vụ việc không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước, tiết kiệm công sức, tiền bạc của nhân dân và ngân sách nhà nước; Góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Một giá trị nhân văn cao cả mà công tác hoà giải mang lại là niềm vui, niềm hạnh phúc của mọi người, mọi nhà trong tình cảm gia đình, xóm giềng hết sức gần gũi và thiêng liêng…
Tuy nhiên, ở một số nơi, cấp uỷ, chính quyền chưa thực sự nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của công tác hoà giải đối với đời sống xã hội nên thiếu quan tâm. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cơ quan tư pháp trong quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hoà giải ở địa phương. Bản thân cơ quan tư pháp các cấp ở nhiều nơi chưa thực sự chủ động, làm tốt vai trò tham mưu của mình nên một số nơi, công tác quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động hoà giải chưa sâu sát, tổ chức Tổ hoà giải không được quan tâm kiện toàn, hoạt động bị thả nổi, hiệu quả thấp…Chính vì vậy, Tổ hoà giải ở một số nơi hoạt động còn mang tính hình thức, chiếu lệ hoặc bị hành chính hoá. Vẫn còn tình trạng tổ chức hoà giải, hoà giải viên không nắm vững quy định của pháp luật về hoà giải, tiến hành thực hiện hoà giải những vụ việc mà theo quy định của pháp luật không được hoà giải…
Ngoài những đánh giá, phân tích những kết quả, hiệu quả kinh tế, xã hội thiết thực mà công tác hoà giải và việc xây dựng tủ sách mang lại trong 10 năm qua, nhiều tham luận tại Hội nghị đã nêu được nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, những mô hình tốt, những cách làm hay, những vướng mắc về thể chế phát sinh từ cơ sở. Điển hình như, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc các cấp đã vận động các thành viên, hội viên tham gia công tác hoà giải gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, khuyến khích Thanh tra nhân dân tham gia vào công tác hoà giải; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có chương trình phối hợp để xây dựng tủ sách pháp luật, ô sách pháp luật tại các đồn biên phòng…
Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở cũng như nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện được ban hành đã lâu. Trong khi đó, nền kinh tế xã hội nước ta có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, đời sống vật chất- tinh thần của nhân dân có nhiều thay đổi… Chính vì vậy, một những nội dung rất quan trọng mà Hội nghị đã tập trung thảo luận một cách sôi nổi là xác định được mục tiêu, định hướng và những giải pháp chủ yếu cho công tác hoà giải ở cơ sở và xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn trong giai đoạn mới như. Công tác hoà giải cần đặt trong bối cảnh, tình hình mới, với cách nhìn mới và tư duy mới, giải pháp mới như: Tính chuyên nghiệp của một bộ phận hoà giải viên sẽ ở mức độ nào? Kiến thức pháp lý của hộ cần thiết đến đâu? Mối tương quan giữa hoà giải ở cơ sở với hoà giải trong tố tụng dân sự, hoà giải trong tranh chấp lao động, trong hoạt động của trọng tài kinh tế như thế nào? Chế độ, chính sách của hoà giải viên cần bổ sung, sửa đổi như thế nào? Hay như “Tủ sách pháp luật” không chỉ dừng lại ở việc phục vụ cho cán bộ, công chức cấp xã, mà đã hướng đến phục vụ đối tượng rộng hơn. Vậy, địa điểm đặt tủ sách, hình thức khai thác và sử dụng như thế nào? Việc luân chuyển sách pháp luật giữa các điểm bưu điện văn hoá xã với thư viện xã, tủ sách pháp luật ra sao để nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như làm phong phú về chủng loại, sát hợp với nội dung theo yêu cầu của nhân dân?
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền nhấn mạnh một số công việc cần triển khai trong thời gian tới là: Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về công tác hoà giải ở cơ sở, trong đó có việc xây dựng dự án Luật Hoà giải ; Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong các quy định hiện hành về hoà giải cơ sở; Xây dựng cơ chế phối hợp giữa ngành Tư pháp với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể có liên quan trong thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở; Tiếp tục củng cố tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, bảo đảm 100% thôn, tổ dân phố trong cả nước có tổ chức hoà giải, hoà giải thành trung bình trong cả nước đạt 85%...Chú ý đến chế độ đãi ngộ đối với hoà giải viên, đặc biệt có hình thức khen thưởng kịp thời, tôn vinh đội ngũ những người làm công tác hoà giải ở cơ sở.
Về xây dựng tủ sách pháp luật, cần xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xác định một cơ chế linh hoạt cho việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn theo các mô hình hợp lý; Phát huy tính năng động, sáng tạo của các địa phương trong việc xây dựng, khai thác tủ sách; nâng cao chất lượng hoạt động của các Tủ sách pháp luật. Nghiên cứu từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào khai thác văn bản quy phạm pháp luật và hình thành mô hình “Tủ sách pháp luật điện tử” ở cơ sở…
Thứ trưởng đánh giá cao sự đóng góp trí tuệ, lòng nhiệt tình và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tư pháp các cấp cũng như lực lượng đông đảo nhân dân và một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật phản ánh sự năng động, nhạy bén của một số địa phương, cơ sở và thể hiện sự vào cuộc của toàn xã hội đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và công tác tủ sách pháp luật, hoà giải cơ sở nói riêng.
Nhân dịp đánh giá công tác 10 năm qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã có quyết định tặng Bằng khen cho nhiều tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác hoà giải ở cơ sở và xây dựng tủ sách pháp luật . Bằng khen và các phần thưởng đã được Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền và ông Nguyễn Duy Lãm- Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng ngành Tư pháp- trao tặng tại Hội nghị này. Cũng nhân dịp này, Bộ Tư pháp còn tổ chức Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 Đề án “Phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân xã, phường, thị trấn” thuộc Chương trình 212 của Chính phủ nhằm đánh giá những kết quả bước đầu cũng như những khó khăn trong việc triển khai Đề án này để có những giải pháp phù hợp trong thời gian tới.
Hữu Tuấn
Các bài viết có liên quan: