Đoàn kiểm tra Bộ Tư pháp kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Đồng Tháp và Kiên Giang

07/11/2008
Đoàn kiểm tra Bộ Tư pháp kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Đồng Tháp và Kiên Giang
Kết thúc chương trình làm việc tại một số tỉnh ĐBSCL, hôm qua ngày 6 tháng 11, đoàn của Bộ Tư Pháp do Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính dẫn đầu có phiên làm việc với Phòng Tư pháp và Thi hành án dân sự huyện Châu Thành, Sở Tư pháp và Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang. Tháp tùng Thứ trưởng còn có Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Nguyễn Đình Tạp, đồng chí Nguyễn Khái Hưng – Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự... Đến dự còn có đồng chí Bùi Ngọc Sương- Phó Bí thư tỉnh uỷ- Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang và các ban ngành khác.

    Đoàn đã nghe báo cáo về tình hình tư pháp và thi hành án trên địa bàn tỉnh. Kiên Giang là tỉnh có số lượng án mỗi năm khá lớn, tuy nhiên do sự cố gắng nỗ lực làm tốt mọi nhiệm vụ của tất cả các cán bộ nhân viên thi hành án nên đã giải quyết về căn bản số vụ việc với 13.135 vụ, đạt trên 84% (tăng hơn năm 2007 là 5%). Về giá trị trên 300 giá trị đạt 68% (tăng hơn 2007 là 2%). Đặc biệt có một số huyện trên địa bàn làm rất tốt công việc này như huyện An Biên đạt 98% về số việc, Thị xã Tiên đạt 93%, huyện Vĩnh Thuận 91%...

     Sở Tư pháp đã phối hợp với các sở ngành, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Chỉ tính riêng hình thức tuyên truyền miệng, năm qua đã tổ chức được gần 15 ngàn cuộc, với gần 1,1 triệu lượt người tham dự. Tư pháp tỉnh đã xây dựng được 142/142 xã phường trong toàn tỉnh có tủ sách pháp luật, trên 800 tủ sách pháp luật trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trường học.  Các tổ hoà giải cũng hoạt động rất tích cực với gần 1.300 vụ hoà giải thành công đạt tỷ lệ trên 70%.

    Để công tác phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai thực hiện tốt, Sở Tư pháp tăng cường xây dựng củng cố và mở rộng đội ngũ báo cáo viên với trên 320 người, tuyên truyền viên pháp luật với trên 2.000 người. Là tỉnh có lượng đồng bào dân tộc Khơ- Me khá lớn, nên việc đưa chương trình giáo dục pháp luật đến với đồng bào được đặc biệt quan tâm.

    Cũng như một số tỉnh ĐBSCL khác, thì Kiên Giang là một trong những tỉnh có số lượng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài khá lớn. Năm qua, Tư pháp tỉnh đã giải quyết cho gần 500 trường hợp hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Theo bà Nguyễn Hồng Cúc - Giám đốc Sở Tư pháp thì việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài là một khó khăn vì nó phát sinh nhiều vấn đề. Tuy nhiên Sở cũng đã cố gắng để giải quyết tốt và tỷ lệ hôn nhân với người nước ngoài ngày một tăng hơn.

   Những vấn đề còn khó khăn vướng mắc ở cơ sở được các đơn vị kiến nghị với Bộ như về việc định giá, bán đầu giá tài sản để thi hành án rất khó khăn, có những vụ tiến hành 2 lần hạ giá những vẫn không bán được. Những vấn đề liên quan tới cơ sở vật chất, nguồn tài chính được đồng chí Nguyễn Đình Tạp - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Tư Pháp lý giải và ghi nhận.

     Qua chuyến kiểm tra về công tác tư pháp và thi hành án ở các địa phương tại ĐBSCL, nhìn chung các tỉnh có nhiều cố gắng trong giải quyết số án tồn đọng cả về vụ lẫn giá trị. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, thành lập tổ hoà giải được chú trọng... Tuy nhiên cũng phát sinh nhiều vấn đề cần khắc phục hơn là số án phức tạp kéo dài còn khá lớn như ở Đồng Tháp. Việc thực hiện biên chế với chấp hành viên ở một số nơi còn chậm và chưa phù hợp. Các chế độ cho cán bộ, nhân viên ngành tư pháp ở địa phương còn hạn chế...

Ngọc Quý, phóng viên báo Pháp Luật Việt Nam