Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc tại tỉnh Lâm Đồng: Nâng tầm vị thế tư pháp từ cơ sở

08/12/2008
Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc tại tỉnh Lâm Đồng: Nâng tầm vị thế tư pháp từ cơ sở
Chiều ngày 7/12/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Tư pháp có buổi làm việc với Lãnh đạo Sở Tư pháp và Lãnh đạo Thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng. Dịp này, Bộ trưởng cũng đã trao quyết định bổ nhiệm Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh cho ông Nguyễn Văn Hiển, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại hai Phó trưởng Thi hành án dân sự tỉnh đối với ông Nguyễn Hữu Tài và ông Tôn Tích Bình.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường bày tỏ vui mừng khi thấy công tác tư pháp và thi hành án dân sự của Lâm Đồng vẫn tiếp tục phát huy những truyền thống sẵn có và có những tiến bộ trên nhiều mặt. Theo Bộ trưởng, có được đội ngũ cán bộ lãnh đạo và cán bộ tư pháp như hôm nay cho thấy bộ máy Lãnh đạo Sở và Thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng cơ bản kiện toàn.

Năm 2020 phủ sóng công chứng

Theo ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, năm 2008, ngành tư pháp Lâm Đồng đã hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch và có thể tự hào về mình. Có những việc hoàn thành xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và đóng góp vào phong trào chung của ngành. Song, vẫn còn đó một vài lo ngại về công chứng, chứng thực.

Sau khi nghe Lãnh đạo Sở Tư  pháp và Thi hành án dân sự tỉnh trình bày, Bộ trưởng Hà Hùng Cường, cho rằng những kiến nghị, vướng mắc với Bộ không nhiều. Về công tác tư pháp, Bộ trưởng cho biết: Thời gian qua, lãnh đạo Bộ đã giúp Quốc hội, Đảng và Chính phủ trả lại đúng tên cho nghề công chứng của đất nước và thực hiện một cuộc cải cách lớn trong việc tách bạch thế nào là công chứng - thế nào là chứng thực? Cạnh đó, một chủ trương lớn đã được thực hiện, đó là phân cấp mạnh công tác chứng thực cho cấp xã và cấp huyện. “Dù bước đầu chúng ta có lúng túng nhưng đến hôm nay đã cơ bản đi vào nề nếp. Cụ thể, một phường của Bảo Lộc, cán bộ tư pháp có tháng phải làm trên 1.300 vụ việc (chứng thực, giao dịch). Điều đó cho thấy, cơ bản đáp ứng được nhu cầu và tạo thuận lợi cho người dân. Một câu chuyện của Bí thư huyện uỷ Đức Trọng về công chứng: Nếu hai phòng công chứng mà cứ mãi ở trên Đà Lạt thì người dân Đức Trọng phải hao tốn rất nhiều tiền của (đi hơn 120 km) mới có thể chứng thực được việc mình cần. Do vậy, việc chứng thực đưa về xã – phường nếu làm tốt hơn nữa thì chắc rằng tính tiết kiệm sẽ hiệu quả vô cùng” – Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh, mọi giao dịch mang tính chất hợp đồng về bất động sản (đất đai, nhà cửa, công trình xây dựng, cây lâu năm...) cần trả lại cho đúng việc của công chứng – đó chính là tinh thần của Luật Công chứng – tinh thần đó phải mang giải thích lại những quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, những thông tư liên ngành do chính Bộ Tư pháp ban hành. Vì sau khi Luật Công chứng ra đời thì nó phải khác. Tôi tin rằng Lâm Đồng cũng vậy, bởi hai phòng công chứng của tỉnh vẫn tiếp tục hoạt động, dù số việc ít đi nhưng đó là điều mừng. Vì người dân không còn phải chờ đợi nữa. Cái nổi cộm trong hoạt động của ngành vừa qua là để chương trình cải cách hành chính của Chính phủ cho là có làm phiền dân. Thậm chí từ sự phiền hà đó dẫn đến tiêu cực.

Bộ trưởng yêu cầu Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2020, phủ sóng trên toàn địa bàn về công chứng. Một mặt để tạo sự đúng đắn trong thực hiện nghề nghiệp mà chỉ có công chứng viên mới có thể làm được việc đó. Còn cán bộ, công chức ở các phường – thị xã thì rất khó làm được công việc của một công chứng viên. Bởi, hợp đồng giao dịch là trách nhiệm làm việc của công chứng. Làm như thế nào để chất lượng phải bảo đảm, từ đó bảo đảm sự an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, kinh tế của người dân, của doanh nghiệp. Như thế mới có thể hạn chế, ngăn ngừa những yếu tố có thể gây mất ổn định. Sự mất ổn định đó không phải xảy ra hôm nay, mà vài ba năm sau mới phát sinh thì rất nguy hiểm.

Hoàn thiện mình với thể chế mới

Được biết, kết quả thi hành án dân sự của Lâm Đồng toàn năm 2008, cả về việc và về tiền đã có những chuyển biến lớn so với 2007. Còn so với chỉ tiêu, kế hoạch chung của Bộ thì con số của Lâm Đồng đạt được là rất cao, đáng tự hào. Cụ thể, khi tiếp xúc với lãnh đạo huyện Đức Trọng cho thấy đây cũng là một điểm sáng của thi hành án. Bên cạnh đó, ngày 1/7/2009 tới đây, Luật và Nghị quyết Quốc hội về thi hành án dân sự sẽ có hiệu lực. Theo đó, một thể chế về thi hành án dân sự của đất nước có rất nhiều điểm mới sẽ được ra đời. Do vậy, từ nay đến thời điểm đó Bộ còn rất nhiều việc cần phải làm. Chúng tôi vừa bàn một kế hoạch khá toàn diện để chuẩn bị thực hiện - Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết.

Tới đây, tại Hội nghị ngành các việc cụ thể sẽ quán triệt thêm cho các Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng thi hành án dân sự các tỉnh. Điều mừng ngành thi hành án có một thể chế mới, xứng tầm với nhiệm vụ chính trị được giao. Nhưng lo ở chỗ, sau khi tách khỏi Sở Tư pháp ra thì thi hành án dân sự sẽ đảm đương công việc ra sao; có tranh thủ được cấp uỷ và chính quyền như hôm nay? Có phục vụ người dân tốt hơn không? Công tác thi hành án dân sự của đất nước có chuyển biến một cách căn bản như thể ý đồ của Chính phủ đã trình trước Quốc hội? Đó là những câu hỏi đang để nghỏ trả lời!

Bộ trưởng mong tất cả các đồng chí lãnh đạo thi hành án dân sự của tỉnh và thành phố cũng như của các huyện khi Luật mới có hiệu lực sẽ tiếp tục có được sự tin tưởng đó của cấp ủy và chính quyền để có thể kiện toàn cơ quan thi hành án dân sự ở trên địa bàn tỉnh, xứng tầm với bộ máy mới, vị thế mới khi Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực. Giữa năm 2008, Thủ tướng cũng đã có Chỉ thị 21: Không những kiện toàn bộ máy sớm mà cố gắng đến năm 2010 cơ bản hoàn thành về trụ sở cho các cơ quan thi hành án dân sự. Về kho vật chứng - điều quan trọng đối với dân, với tài sản của người dân, còn đối với thi hành án là tài sản xung công quỹ của Nhà nước thì cố gắng năm 2015 phải hoàn tất.

Về công tác cán bộ tư pháp Bộ trưởng yêu cầu Ban giám đốc Sở quan tâm đào tạo cán bộ không những một bằng đại học, mà là hai bằng, thậm chí luân chuyển. Bởi, chưa bao giờ Chính phủ đòi hỏi Bộ Tư pháp nhiều như bây giờ, nhất là trong việc thực thi pháp luật.

Phong Trần