Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt các Đề án chi tiết thuộc Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 (chương trình 212), trong đó có đề án thứ 4 “Phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn” (Đề án 4).
Nhằm đánh giá, tổng kết giai đoạn đầu thực hiện Đề án này, ngày 6/12/2008, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện giai đoạn 1 của Đề án với sự tham dự của đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Công an, UBND, TAND, Công an…một số địa phương và đại diện các Sở tư pháp các tỉnh, thành phía Bắc. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Ngay sau khi được thành lập, Ban điều hành Đề án đã triển khai kế hoạch khảo sát, đánh giá thực trạng năng lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan và cán bộ tư pháp địa phương, làm cơ sở xây dựng các tài liệu pháp luật, tài liệu nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho các đối tượng của Đề án.
Để rút ra những bài học kinh nghiệm, là cơ sở cho việc triển khai, nhân rộng trong toàn quốc, giai đoạn 1 của Đề án còn tập trung vào việc chỉ đạo điểm tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân tại 30 xã, phường, thị trấn; Thí điểm tổ chức tập huấn nghiệp vụ PBGDPL cho cán bộ tư pháp và công an cấp xã tại một số tỉnh; Thí điểm lồng ghép PBGDPL thông qua phiên toà xét xử lưu động; Thí điểm thực hiện tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí lồng ghép phổ biến, tuyên truyền pháp luật …
Đánh giá sơ bộ bước đầu sau hai năm thực hiện đề án 4 cho thấy, UBND các xã, phường, thị trấn làm điểm đã định kỳ xây dựng được kế hoạch PBGDPL trên địa bàn; cấp uỷ và chính quyền đã quan tâm hơn đến công tác PBGDPL; đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật; hoà giải viên được củng cố, kiện toàn; đầu mối tổ chức các hoạt động PBGDPL của cán bộ tư pháp cấp xã được nâng lên...Việc lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật qua phiên toà xét xử lưu động có tác động sâu sắc đến ý thức chấp hành pháp luật của người dân ở cơ sở, thông qua người thật, việc thật, người dân hiểu rõ hơn, sâu hơn các quy định của pháp luật và vì vậy có ý nghĩa rất lớn trong việc răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm xảy ra tại địa bàn. Hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật và Trung tâm Trợ giúp pháp lý không chỉ giúp người dân tìm hiểu pháp luật và giải đáp các thắc mắc về pháp luật của họ mà còn góp phần giúp chính quyền địa phương trong giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ sở.
Số liệu tổng hợp cho thấy, đã có 18 tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo Đề án 4. Hầu hết các tỉnh, thành phố còn lại đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình 212, giao Sở Tư pháp làm cơ quan thường trực thực hiện Chương trình và có 100% các tỉnh, thành đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tại địa phương.
Các địa phương đã chú trọng tổ chức bồi dưỡng, tập huấn lý luận chính trị, kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ tư pháp, công an cấp xã theo sự chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất của Bộ Tư pháp về nội dung, chương trình, tài liệu tập huấn; Hướng dẫn cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn, công an xã làm tốt vai trò tham mưu cho chính quyền xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Toà án trong phạm vi thẩm quyền; Tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động; phiên toà xét xử lưu động; Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan tư pháp và các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn trong việc PBGDPL cho cán bộ, nhân dân ở cơ sở…
Ghi nhận một số kết quả nêu trên, Hội nghị sơ kết cũng đã thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại trong 2 năm triển khai đề án vừa qua. Ngay ở cấp trung ương thì tiến độ triển khai một số công việc chưa đạt yêu cầu, việc hướng dẫn, chỉ đạo của Ban điều hành Đề án ở Trung ương đối với địa phương chưa kịp thời và chưa toàn diện; Một số nội dung chủ yếu của Đề án chưa được hướng dẫn cụ thể…Từ đó, nhiều địa phương lúng túng trong triển khai thực hiện. Đặc biệt nhiều địa phương còn triển khai chậm; Công việc trọng tâm của Đề án chưa được thực hiện; Việc tập huấn cho cán bộ tư pháp cấp xã hiệu quả chưa cao và tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ PBGDPL chưa phù hợp…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền khẳng định, nội dung chính của Đề án đã được thực hiện khá thành công: hoạt động chỉ đạo điểm được hướng dẫn, triển khai sát với thực tế nhằm tìm ra các mô hình, phương pháp phù hợp, hiệu quả để phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong PBGDPL ở xã, phường, thị trấn, làm cơ sở cho việc triển khai, nhân rộng trong toàn quốc sau khi kết thúc chỉ đạo điểm vào năm 2008… Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện Đề án trong giai đoạn 2 còn đứng trước yêu cầu đổi mới về cơ bản, cần được tiếp tục nhận thức sâu sắc để thực hiện tốt trong thời gian tới. Phải bám sát và phục vụ có hiệu quả việc thực hiện các chương trình của Chính phủ, của các cấp, các ngành về phát triển kinh tế - xã hội và về PBGDPL…
Tiếp theo Hội nghị này, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức sơ kết việc thực hiện Đề án 4 ở các tỉnh, thành phía Nam tại Lâm Đồng.
Hữu Tuấn