Cục Bổ trợ tư pháp

29/06/2023

Theo quy định tại Quyết định số 1221/QĐ-BTP ngày 29 tháng 6 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức như sau:
I. Vị trí và chức năng
1. Cục Bổ trợ tư pháp là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về lĩnh vực bổ trợ tư pháp, bao gồm: luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, quản tài viên, thừa phát lại, hòa giải thương mại theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
2. Cục Bổ trợ tư pháp (sau đây gọi là Cục) là đơn vị có tư cách pháp nhân, có trụ sở tại thành phố Hà Nội, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật. 
II. Nhiệm vụ và quyền hạn
Cục có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Xây dựng, trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch, đề án, chính sách, chương trình, kế hoạch và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, quản tài viên, thừa phát lại, hòa giải thương mại để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; tham gia xây dựng, thẩm định, góp ý các dự án, dự thảo văn bản theo phân công của Lãnh đạo Bộ hoặc theo yêu cầu của các đơn vị thuộc Bộ, đơn vị thuộc các Bộ, ngành khác có liên quan.
2. Xây dựng, trình Bộ trưởng kế hoạch công tác dài hạn, 05 năm và hàng năm của Cục; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 05 năm và hàng năm của ngành Tư pháp.
3. Tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án, văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục.
4. Xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản cá biệt, văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật về luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, quản tài viên, thừa phát lại, hòa giải thương mại theo quy định pháp luật.  
5. Rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
6. Theo dõi tình hình thi hành pháp luật, chủ trương, chính sách, trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục.
7. Thực hiện các biện pháp chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước; hướng dẫn nghiệp vụ; theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Cục theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
8. Nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực luật sư, tư vấn pháp luật:
a) Tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ trình Bộ trưởng quyết định việc cấp, thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy phép hành nghề tại Việt Nam đối với luật sư nước ngoài, gia hạn Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam đối với luật sư nước ngoài, giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài và giấy phép thành lập chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam; 
b) Tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ trình Bộ trưởng quyết định việc công nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp; tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ thành lập cơ sở đào tạo nghề luật sư để trình Bộ trưởng quyết định cấp Giấy phép thành lập cơ sở đào tạo nghề luật sư; hướng dẫn và giám sát việc tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.
9. Nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực công chứng: Tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ trình Bộ trưởng quyết định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm công chứng viên. 
10. Nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực giám định tư pháp:
a) Tập hợp, lập và đăng tải danh sách chung về người giám định tư pháp và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
b) Tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ trình Bộ trưởng cho ý kiến về thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý lĩnh vực chuyên môn và địa phương.
11. Nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực đấu giá tài sản: Tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ trình Bộ trưởng cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá; hướng dẫn, kiểm tra việc cấp Thẻ đấu giá viên.
12. Nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực trọng tài thương mại:
a) Tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ trình Bộ trưởng cấp, thu hồi Giấy phép thành lập của Trung tâm Trọng tài, Giấy phép thành lập của Chi nhánh, Văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; 
b) Thẩm định dự thảo Điều lệ của Trung tâm Trọng tài để trình Bộ trưởng phê chuẩn.
13. Nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực quản tài viên:
a) Tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ trình Bộ trưởng cấp, thu hồi, cấp lại Chứng chỉ hành nghề quản tài viên;  
b) Lập, công bố và quản lý danh sách quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong phạm vi cả nước. 
14. Nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực thừa phát lại: Tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ trình Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm thừa phát lại.
15. Nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về hòa giải thương mại:
a) Tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ trình Bộ trưởng cấp, cấp lại, thu hồi, thay đổi nội dung Giấy phép thành lập của Trung tâm hòa giải thương mại, quyết định bổ sung hoạt động hòa giải thương mại cho Trung tâm trọng tài; cấp, cấp lại, thu hồi Giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam;
b) Công bố danh sách hòa giải viên thương mại, danh sách tổ chức hòa giải thương mại trên toàn quốc.
16. Theo dõi, quản lý hoạt động của Liên đoàn luật sư Việt Nam, Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, các đoàn luật sư, các hội công chứng viên và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
17. Tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục; quản lý, vận hành, cập nhật nội dung Trang thông tin bổ trợ tư pháp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; xây dựng, quản lý, vận hành, cập nhật, nâng cấp các hệ thống thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu, cổng thông tin điện tử phục vụ hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
18. Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
19. Thực hiện sơ kết, tổng kết, chế độ báo cáo, thống kê trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
20. Thực hiện hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ. 
21. Thực hiện truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật; tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
22. Thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; công tác văn thư, lưu trữ, bảo vệ bí mật nhà nước và an toàn an ninh mạng; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xử lý vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
23. Thực hiện chế độ tài chính, kế toán; quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định pháp luật và của Bộ. 
24. Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng và quản lý đội ngũ công chức của đơn vị theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
25. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
III. Cơ cấu tổ chức và biên chế
1. Cơ cấu tổ chức của Cục gồm:
a) Lãnh đạo Cục:
Lãnh đạo Cục gồm có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng. Số lượng Phó Cục trưởng thực hiện theo quy định của pháp luật và của Bộ. 
Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục.
Các Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng quản lý, điều hành hoạt động của Cục; được Cục trưởng phân công trực tiếp quản lý, chỉ đạo một số lĩnh vực, nhiệm vụ công tác; chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về những lĩnh vực công tác được phân công.
b) Các tổ chức thuộc Cục, gồm:
- Văn phòng Cục;
- Phòng Quản lý luật sư, tư vấn pháp luật;
- Phòng Quản lý công chứng, thừa phát lại;
- Phòng Quản lý đấu giá tài sản, trọng tài, hòa giải thương mại; 
- Phòng Thanh tra bổ trợ tư pháp và quản lý giám định tư pháp.
Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức thuộc Cục do Bộ trưởng quyết định trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác giữa các tổ chức thuộc Cục do Cục trưởng quy định.
2. Biên chế công chức của Cục thuộc biên chế công chức của Bộ Tư pháp, do Bộ trưởng quyết định phân bổ trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
- Địa chỉ: 60 Trần Phú – Ba Đình – Hà Nội
- Điện thoại: 024.62739509
- Fax: 024.62739504
- Thư điện tử: bttp@moj.gov.vn



​​