Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật

29/06/2023

Theo quy định tại Quyết định số 1158/QĐ - BTP ngày 27 tháng 6 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức như sau:
I. Vị trí và chức năng
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, công tác pháp chế theo quy định của pháp luật; đề xuất định hướng lớn trong công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật.
II. Nhiệm vụ và quyền hạn
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (sau đây gọi là Vụ) có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Xây dựng, trình Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch công tác dài hạn, 05 năm, hàng năm của Vụ; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển dài hạn, 05 năm và hàng năm của ngành Tư pháp.
2. Nghiên cứu, đề xuất các vấn đề mang tính chiến lược và các dự án, giải pháp trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ. 
3. Chủ trì hoặc tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định đề nghị xây dựng và các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ và các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác do Lãnh đạo Bộ giao.
4. Tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án, văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ.
5. Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Vụ, đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc mang tính hệ thống, liên ngành trong thi hành pháp luật thuộc phạm vi chức năng của Vụ; giúp Lãnh đạo Bộ chuẩn bị ý kiến pháp lý nhằm tháo gỡ các vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tiễn áp dụng pháp luật liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ.
6. Rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
7. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, tập huấn và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ. 
8. Về công tác xây dựng pháp luật:
a) Tham mưu, giúp Bộ trưởng trong công tác xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh bao gồm:
- Lập đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và các vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ để Bộ trưởng trình Chính phủ;
- Dự kiến phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp soạn thảo để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc việc soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do Chính phủ trình;
- Chuẩn bị ý kiến của Chính phủ đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và dự án luật, pháp lệnh không do Chính phủ trình, kiến nghị về luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều đơn vị xây dựng pháp luật hoặc nhiều đơn vị thuộc Bộ theo sự phân công của Lãnh đạo Bộ;
- Phân công các đơn vị thuộc Bộ tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;
- Phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng dự kiến chương trình công tác hàng năm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng chương trình xây dựng pháp luật dài hạn và hàng năm của Bộ;
- Lập danh mục văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; thông báo cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về danh mục các nội dung giao cho địa phương quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp xây dựng báo cáo để Bộ trưởng trình Chính phủ về tình hình tiến độ soạn thảo, chất lượng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh;
- Tham gia ý kiến, tham gia thẩm định đối với thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do bộ, ngành chủ trì lập, soạn thảo theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
b) Xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh chung các vấn đề về xây dựng chính sách, đánh giá tác động của chính sách, thẩm định chính sách; soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; công tác pháp chế theo quy định của pháp luật; nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật và các vấn đề có liên quan khác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, ngành Tư pháp;
c) Chủ trì thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị thuộc Bộ chủ trì lập đề nghị, soạn thảo; dự thảo thông tư liên tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp ban hành theo quy định pháp luật; đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Bộ theo sự phân công của Lãnh đạo Bộ; 
d) Tham mưu, giúp Bộ trưởng trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật; 
đ) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của Bộ trưởng; 
e) Tham mưu, giúp Bộ trưởng hướng dẫn nghiệp vụ, theo dõi hoạt động lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật;
g) Tham mưu, giúp Bộ trưởng theo dõi việc thi hành Luật Thủ đô theo quy định pháp luật; 
h) Tham mưu, giúp Bộ trưởng có ý kiến bằng văn bản về đề nghị áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo quy định của pháp luật; đề nghị áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
9. Về công tác pháp chế:
a) Tham mưu, giúp Bộ trưởng trong công tác hoàn thiện pháp luật về công tác pháp chế; theo dõi, tổng hợp tình hình về tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng của tổ chức pháp chế các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước theo quy định;
b) Phối hợp thực hiện công tác pháp chế ở các cơ quan nhà nước, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước trong việc thực hiện công tác pháp chế theo quy định pháp luật. 
10. Làm đầu mối giúp Bộ trưởng quản lý, theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ về phát triển bền vững của Bộ Tư pháp; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về phát triển bền vững được Bộ trưởng giao theo quy định pháp luật và của Bộ. 
11. Tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp theo quy định pháp luật.
12. Thực hiện công tác kiểm tra; tham gia thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
13. Thực hiện sơ kết, tổng kết, chế độ báo cáo, thống kê thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật.
14. Thực hiện hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
15. Thực hiện truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật; tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ; ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý trong việc cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ.
16. Thực hiện công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp; công tác văn thư, lưu trữ, bảo vệ bí mật nhà nước và an toàn an ninh mạng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
17. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ; quản lý, vận hành, cập nhật Trang thông tin điện tử xây dựng pháp luật trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp theo quy định pháp luật.
18. Thực hiện chế độ tài chính, kế toán; quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định pháp luật và của Bộ.
19. Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng và quản lý đội ngũ công chức của Vụ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
20. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
III. Cơ cấu tổ chức và biên chế
1. Cơ cấu tổ chức
a) Lãnh đạo Vụ:
Lãnh đạo Vụ gồm Vụ trưởng và các Phó Vụ trưởng. Số lượng Phó Vụ trưởng thực hiện theo quy định của pháp luật và của Bộ.
Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của Vụ.
Các Phó Vụ trưởng giúp Vụ trưởng quản lý, điều hành hoạt động của Vụ; được Vụ trưởng phân công trực tiếp quản lý, chỉ đạo một số lĩnh vực, nhiệm vụ công tác; chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và trước pháp luật về những lĩnh vực công tác được phân công.
b) Các tổ chức thuộc Vụ:
- Phòng Chính sách pháp luật;
- Phòng Công tác xây dựng pháp luật;
- Phòng Công tác pháp chế;
- Phòng Đánh giá tác động thủ tục hành chính và Tổng hợp.
Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức thuộc Vụ do Bộ trưởng quyết định trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác giữa các tổ chức thuộc Vụ do Vụ trưởng quy định.
2. Biên chế công chức của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật thuộc biên chế công chức của Bộ Tư pháp, do Bộ trưởng quyết định phân bổ trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ. 
* Thông tin liên hệ
- Địa chỉ: 60 Trần Phú – Ba Đình – Hà Nội
- Điện thoại: 04.62739391
- Thư điện tử: plc@moj.gov.vn
- Lãnh đạo:



​​