Chỉ số cải cách hành chính được xác định là công cụ quản lý mới trong triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, khắc phục được tính chủ quan, định tính, một chiều trong việc theo dõi, đánh giá cải cách hành chính; bảo đảm việc theo dõi, đánh giá một cách khoa học, hệ thống, định lượng và dựa trên kết quả, huy động sự tham gia của các tổ chức trong bộ máy nhà nước, của người dân và doanh nghiệp vào quá trình đánh giá kết quả, tác động của cải cách hành chính một cách thực chất, khách quan hơn, tạo cơ sở để gắn kết quả cải cách hành chính với công tác thi đua, khen thưởng, giúp cho có được tiêu chí rõ ràng, định lượng để khen đúng những đơn vị đạt được kết quả cao trong cải cách hành chính và giúp các đơn vị còn hạn chế có khả năng tự nhìn nhận, đánh giá quá trình triển khai cải cách hành chính của mình để có giải pháp nhằm cải thiện tình hình trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, qua thực tế 02 năm triển khai thực hiện cũng đặt ra một số vấn đề cần thiết phải đề xuất việc sửa đổi, bổ sung toàn diện PAR INDEX nói chung và đặc biệt là lĩnh vực cải cách thể chế trong PAR INDEX nói riêng – điều này là hoàn toàn phù hợp với trọng tâm cải cách hành chính của Chính phủ đã được nêu ra tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP cũng như đòi hỏi của thực tiễn hiện nay.
Tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 30c/NQ-CP đã xác định mục tiêu của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 với trọng tâm là: “Cải cách thể chế, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công”.
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định “Thực tế cho thấy, việc thúc đẩy nhanh, hiệu quả hay cản trở, làm chậm đi quá trình phát triển đất nước, trước hết cũng từ thể chế, pháp luật. Vì vậy thể chế, pháp luật giữ vị trí hết sức quan trọng trong việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; đồng thời, qua việc xây dựng và thực thi thể chế, pháp luật sẽ huy động tốt nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quyền dân chủ, quyền công dân…”.
Giai đoạn tới đây, trong điều kiện triển khai thi hành Hiến pháp mới thì yêu cầu cấp thiết là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, tạo sự ổn định, bền vững; đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; đánh giá hệ thống pháp luật hiện hành về sự phù hợp và không còn phù hợp của nó với yêu cầu xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo năm 2015 cần “Chú trọng cải cách thể chế nhằm cải thiện chỉ số về thể chế, đồng thời công bố công khai các chỉ số cải cách hành chính”.
Đối với PAR INDEX cấp Bộ, trong 7 lĩnh vực, 31 tiêu chí và 89 tiêu chí thành phần (7 lĩnh vực gồm: (1) Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính - 16 điểm; (2) Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ - 16.5 điểm; (3) Cải cách thủ tục hành chính - 14 điểm; (4) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước - 12.5 điểm; (5) Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức - 16.5 điểm; (6) Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập 10.5 điểm; (7) Hiện đại hóa hành chính - 14 điểm) thì hiện nay lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ có 6 tiêu chí và 17 tiêu chí thành phần, tỷ lệ số điểm của lĩnh vực trong tổng số điểm chấm chiếm 16.5%. Cụ thể là với 6 tiêu chí chấm:
- Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
- Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
- Kiểm tra việc thực hiện VBQPPL do bộ, ngành khác và địa phương ban hành có liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của bộ.
- Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
- Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
- Chất lượng thể chế, cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Đối với PAR INDEX cấp tỉnh, trong 8 lĩnh vực, 8 chỉ số thành phần, 34 tiêu chí và 104 tiêu chí thành phần (8 lĩnh vực gồm: (1) Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính - 14 điểm; (2) Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh - 10 điểm; (3) Cải cách thủ tục hành chính – 10 điểm; (4) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước - 12.5 điểm; (5) Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức - 14.5 điểm; (6) Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập - 13 điểm; (7) Hiện đại hóa hành chính - 12.5 điểm và (8) Thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông - 13.5 điểm) thì hiện nay lĩnh vực Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh có 3 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần, tỷ lệ số điểm của lĩnh vực trong tổng số điểm chấm chiếm 10%. Cụ thể là với 3 tiêu chí chấm:
- Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh.
- Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
- Tổ chức và kiểm tra việc thực hiện văn bản QPPL tại tỉnh.
Như trên, có thể thấy rằng, với thực tế cơ cấu điểm như hiện nay có thể thấy rằng tổng số điểm cho lĩnh vực cải cách thể chế trong mối tương quan chung với tổng số điểm ở cấp bộ và cấp tỉnh của PAR INDEX còn chưa thực sự phù hợp với mục tiêu và trọng tâm cải cách hành chính của Chính phủ đã đề ra từ năm 2011, cần phải được tăng thêm số điểm để khẳng định và bám sát trọng tâm hàng đầu của cải cách hành chính trong thời gian tới.
Về mặt cụ thể, cần nghiên cứu, sửa đổi ở một số tiêu chí, tiêu chí thành phần chưa phù hợp từ thực tiễn thấy được qua 02 năm triển khai vừa qua, mặt khác, cũng cần bổ sung các tiêu chí, tiêu chí thành phần mới để đảm bảo sự thống nhất với chỉ đạo chung của Chính phủ về vị trí, vai trò và định hướng cho công tác cải cách thể chế trong thời gian tới, nhất là trong xu hướng hiện nay là chuyển dần hướng trọng tâm từ xây dựng thể chế sang nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật (cả hoạt động tổ chức thi hành ở cấp bộ và cấp tỉnh); đồng thời, chỉ đạo sát sao, quyết liệt hơn công tác soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có biện pháp đảm bảo các cơ quan được giao hoàn thành đúng tiến độ và nâng cao chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật./.