Đại diện Bộ Tư pháp trao đổi kinh nghiệm triển khai hoạt động đo lường Chỉ số SIPAS tại Hội thảo tăng cường năng lực công chức chuyên trách cải cách hành chính

Tin tức

Đại diện Bộ Tư pháp trao đổi kinh nghiệm triển khai hoạt động đo lường Chỉ số SIPAS tại Hội thảo tăng cường năng lực công chức chuyên trách cải cách hành chính

Trong hai ngày 16 và 17/12/2014, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội thảo tăng cường năng lực công chức chuyên trách cải cách hành chính. Đồng chí Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng vụ Cải cách hành chính chủ trì hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ. Đồng chí Nguyễn Xuân Tùng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp tham dự và trình bày tham luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Tùng đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động đo lường Chỉ số SIPAS của Bộ Tư pháp. Theo đó, ngay sau khi tiếp nhận hướng dẫn của Bộ Nội vụ trong việc triển khai Phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, Bộ Tư pháp đã khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính thuộc Bộ Tư pháp giai đoạn 2014 – 2020 (Quyết định số 1577/QĐ-BTP ngày 07/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp). Đây là Kế hoạch mang tính chất định hướng cho toàn bộ hoạt động đo lường Chỉ số SIPAS của Bộ Tư pháp, với lộ trình và giai đoạn cụ thể:

- Năm 2014 là năm bản lề của việc triển khai Phương pháp đo lường sự hài lòng, có tính chất chuẩn bị các điều kiện và nguồn lực cần thiết cho việc tiến hành đo lường, khảo sát, xác định Chỉ số SIPAS của Bộ Tư pháp trong các năm tiếp theo.

- Năm 2015, 2016 được xác định là giai đoạn đầu của kế hoạch triển khai thực hiện Phương pháp đo lường sự hài lòng tại Bộ Tư pháp, theo đó trọng tâm của giai đoạn tập trung vào việc đo lường, xác định Chỉ số SIPAS trên một vài dịch vụ công tiêu biểu của Bộ, nhằm mục đích: (1) có nhận định mang tính định lượng ban đầu về sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính thuộc Bộ Tư pháp; (2) rút kinh nghiệm trong việc đo lường, xác định Chỉ số SIPAS để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao hơn trong giai đoạn sau. Cùng với lộ trình của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp sẽ tiến hành sơ kết việc triển khai áp dụng Phương pháp đo lường sự hài lòng.

- Giai đoạn sau của kế hoạch (từ năm 2016 đến năm 2020) bên cạnh việc tiến hành đo lường, khảo sát Chỉ số SIPAS, Bộ Tư pháp sẽ chuyển trọng tâm sang việc nghiên cứu các điểm số thành phần thu thập được từ Chỉ số SIPAS đối với các dịch vụ tiến hành khảo sát, nhận diện những tồn tại, hạn chế trong quá trình cung ứng dịch vụ công của các đơn vị thuộc Bộ, từ đó đề ra giải pháp tăng cường, nâng cao chất lượng dịch vụ công của Bộ. Đây cũng là mục đích tiên quyết của việc đo lường, xác định Chỉ số SIPAS đã được xác định tại Quyết định số 1383/QĐ-BNV ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án xây dựng Phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước: “xây dựng Phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước. Thông qua đó, các cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung cấp dịch vụ của mình nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức”.

Đối với việc lựa chọn dịch vụ công để tiến hành khảo sát, đo lường Chỉ số SIPAS, đồng chí Nguyễn Xuân Tùng cho biết: Từ giữa tháng 5/2014, Văn phòng Bộ đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ rà soát, lập danh mục các dịch vụ hành chính công giao cho đơn vị thuộc Bộ hoặc trực thuộc Bộ chủ trì thực hiện. Kết quả cho thấy, hiện tại Bộ có khoảng 27 nhóm dịch vụ hành chính công trên 05 lĩnh vực lớn, thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp: nuôi con nuôi, đăng ký giao dịch bảo đảm, bổ trợ tư pháp, lý lịch tư pháp, hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp. Các dịch vụ công của Bộ Tư pháp được giao cho các đơn vị thuộc Bộ chủ trì thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị đều đã được triển khai trên thực tế; tất cả các dịch vụ công trực tuyến của Bộ đều được cung cấp trực tuyến ở mức độ I, II và III, hầu hết ở mức độ II, đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

Ngoài các cơ sở lựa chọn dịch vụ công được quy định và hướng dẫn tại Quyết định số 1383/QĐ-BNV ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Công văn số 1159/BNV-CCHC ngày 10/4/2014 của Bộ Nội vụ hướng dẫn triển khai Phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, dịch vụ công được lựa chọn để đo lường Chỉ số SIPAS cần có số lượng lớn người dân, tổ chức tham gia sử dụng dịch vụ (từ 100 lượt giải quyết/năm trở lên); không nên tiến hành khảo sát đối với các dịch vụ mang tính đặc thù, cá biệt, không hướng tới đông đảo người dân, tổ chức. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp dự kiến tổ chức khảo sát, xác định và công bố Chỉ số SIPAS hàng năm. Từ năm 2016, Bộ Tư pháp sẽ tiến hành khảo sát đối với 2 dịch vụ công/năm để xác định Chỉ số SIPAS. Điều này đảm bảo yêu cầu kết quả đánh giá khách quan, trung thực của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; đảm bảo mục tiêu khảo sát đa dạng, lựa chọn những dịch vụ công đang được triển khai tốt để nghiên cứu, phổ biến, áp dụng trong toàn Ngành, bên cạnh đó tiến hành khảo sát đối với những dịch vụ công chưa thực sự hiệu quả để xác định “điểm nghẽn” nhằm tháo gỡ, tìm giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả cung ứng đối với dịch vụ công đó. Theo chu kỳ 2 - 3 năm, Bộ Tư pháp tổ chức đo lường, xác định Chỉ số SIPAS đối với các dịch vụ công đã được đo lường, khảo sát trước đó để có cơ sở đánh giá thực tế mức độ cải thiện chất lượng phục vụ và cung cấp dịch vụ của các đơn vị thuộc Bộ, biểu dương, khen ngợi các đơn vị đã có giải pháp thay đổi, cải tiến chất lượng phục vụ, đồng thời quán triệt, đôn đốc, theo dõi sát các dịch vụ công vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong năm 2015, Bộ Tư pháp dự kiến tiến hành đo lường đối với dịch vụ cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm do Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm chủ trì thực hiện.

Đồng chí Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tư pháp. Việc Bộ Tư pháp là một trong những đơn vị cấp Bộ đầu tiên triển khai thực hiện việc đo lường, xác định Chỉ số SIPAS là một điểm sáng, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo Bộ đối với công tác cải cách hành chính. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức lớn đối với đội ngũ cán bộ, công chức đầu mối làm công tác cải cách hành chính của Bộ Tư pháp. Đồng chí Phạm Minh Hùng khẳng định Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục theo sát, tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp trong quá trình triển khai đo lường Chỉ số SIPAS, thể hiện quyết tâm của 02 Bộ, ngành trong việc chuyển hướng tư duy sang nền hành chính phục vụ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân./.

* Chỉ số SIPAS (Satisfaction Index of Public Administration Services) - Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, tìm hiểu thêm về Chỉ số SIPAS tại: http://www.moj.gov.vn/cchc/tintuc/Lists/TinTuc/View_Detail.aspx?ItemID=437