Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội: Tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

10/05/2010
Ngày 7/5, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe các báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010.

Phê bình chất lượng công tác dự báo

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2009, trong 25 chỉ tiêu Quốc hội thông qua, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đã đề ra. Đáng chú ý một số chỉ tiêu đạt kết quả cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội như: tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,32%; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 42,7% GDP; chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2009 so với tháng 12/2008 tăng 6,52%, thấp hơn so với số báo cáo Quốc hội là 7% và thấp hơn đáng kể so với kế hoạch ...

Tuy nhiên, Chính phủ thẳng thắn: Trong tổng số 25 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua, có 8 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 thấp nhất trong 10 năm gần đây, kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định. Thu ngân sách nhà nước tăng khá cao, nhưng do nhu cầu tăng chi để ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội nên bội chi ngân sách nhà nước còn ở mức cao 6,9% so với GDP. Dư nợ Chính phủ đang có xu hướng tăng nhanh.

Thay mặt Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền cho rằng bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện phát triển KTXH 2009, thì đáng lo ngại nhất vẫn là các cân đối vĩ mô chưa được cải thiện nhiều, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Trong 8 chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch chủ yếu tập trung ở lĩnh vực xã hội, trong đó đào tạo nguồn nhân lực có 2 chỉ tiêu và môi trường có 4 chỉ tiêu.

Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế phê bình chất lượng công tác dự báo và thống kê báo cáo. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng tính từ thời điểm báo cáo Quốc hội đến hết năm tài chính, chênh lệch giữa số liệu ước thực hiện và số liệu thực hiện quá lớn, đặc biệt là thu ngân sách nhà nước cao hơn số ước tính thực hiện đã báo cáo Quốc hội tới 51.690 tỷ đồng, tương đương gần 3% GDP, gần bằng một nửa số bội chi ngân sách của năm 2009; mức thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể năm 2009 là 8,8 tỷ USD, trong khi báo cáo tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội là 1,9 tỷ USD. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc quyết định xử lý bù đắp bội chi và thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước, đến công tác lập kế hoạch cho năm sau và lên các cân đối tổng hợp khác.

Chung nhận xét với Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Kso Phước cho rằng công tác điều tra thống kê hàng tháng, quý, năm còn yếu kém, sai số giữa ước đoán và thực tế quá lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc hoạch định chiến lược. Ông Kso Phước ví dụ: chỉ qua giám sát tại cơ sở về con số về giảm nghèo tại 1 địa phương nhưng kết quả ở cấp tỉnh, huyện, xã lại rất khác nhau.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng tán thành: đã nói quá nhiều về dự báo nhưng khi ban hành chính sách hình như chưa tính hết, nhiều văn bản ban hành ra làm tăng nguồn chi rất lớn. Ví dụ như chủ trương tăng tiền đền bù đất cho nông dân, một số chủ tịch tỉnh rất lúng túng vì nếu làm theo chỉ đạo của Chính phủ  thì chủ dự án sẽ “bỏ chạy” do chi phí cho việc này tăng gấp mấy lần.

Không nên thắt quá chặt chính sách tiền tệ

Trong khi Chính phủ tỏ ra lạc quan với tốc độc tăng trưởng kinh tế đạt 5,83% thì Ủy ban Kinh tế lại tỏ ra lo ngại: chỉ số giá tiêu dùng những tháng đầu năm tăng cao, doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó khăn, cùng với đó là lãi suất VND tăng rất cao (lãi suất vay ngân hàng trong quý I/2010 đã lên tới 17-18%/năm, cá biệt lên tới 19-20%/năm) đã gây trở ngại lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế trong những quý tiếp theo. Chất lượng tăng trưởng kinh tế là một mục tiêu phát triển trong năm 2010 vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Đáng lưu ý nhất - theo Ủy ban Kinh tế - là việc thắt chặt chính sách tiền tệ như trong thời gian qua có phần quá mạnh đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Tổng dư nợ tín dụng trong năm 2009 tăng 37,53% (bình quân 3,13%/tháng), trong đó tín dụng bằng VNĐ tăng khoảng 43%, nhưng quý I/2010 chỉ tăng 3,52%, trong đó dư nợ tín dụng bằng VNĐ tăng 0,57% so với tháng 12/2009. Tốc độ sụt giảm quá nhanh của mức tăng tổng dư nợ tín dụng làm cho các doanh nghiệp khó tiếp cận đủ vốn để duy trì sản xuất và thanh khoản của nền kinh tế trở nên khó khăn. Tổng phương tiện thanh toán tăng thấp chính là nguyên nhân làm tín dụng tăng thấp và làm lãi suất tăng cao không bình thường.

Nhiều thường vụ đồng tình với nhận xét nói trên và cho rằng nhiệm vụ trọng tâm của điều hành kinh tế năm 2010 là thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt; có các biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Thu Hằng

Về tình hình thực hiện thu chi ngân sách: tính đến 15/4/2010, tổng thu đạt gần 30% dự toán năm, tổng chi đạt hơn 25%, bội chi ngân sách ở mức xấp xỉ 15.500 tỷ đồng, bằng 12,6% dự toán. Theo Uỷ ban Tài chính ngân sách, việc điều hành ngân sách và đảm bảo an ninh tài chính trong 2010 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do thông qua điều chỉnh mức tăng bội chi đột biến lên trên 5% GDP, cùng với việc tăng phát hành trái phiếu chính phủ đã đẩy dư nợ Chính phủ tăng cao, dự kiến chiếm 44,6% vào cuối năm.