Luật Thanh tra (sửa đổi): Có “bỏ rơi” chế định thanh tra nhân dân?

27/04/2010
Dự thảo mới nhất của Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ không điều chỉnh về thanh tra nhân dân. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, liệu có phải hoạt động giám sát của nhân dân sẽ bị bỏ ngỏ!

Chế định thanh tra nhân dân - dành cho luật khác

Tại buổi góp ý cho Luật Thanh tra do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức mới đây,Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ Đỗ Gia Thư phân tích, Luật sửa đổi sẽ không quy định về thanh tra nhân dân bởi hoạt động của thanh tra nhân dân có tính chất, đặc điểm khác so với hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước. Mặc dù không điều chỉnh nhưng để có căn cứ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của thanh tra nhân dân khi chưa có văn bản pháp luật khác thay thế, dự thảo Luật hiện quy định: “Tổ chức và hoạt động của thanh tra nhân dân được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra ngày 15/6/2004”.

Ủng hộ phương án trên của dự thảo, Phó Chánh thanh tra TP. Hà Nội Nguyễn An Huy khẳng định, trong khi chờ đợi một văn bản pháp luật khác điều chỉnh thanh tra nhân dân, việc duy trì trong Luật sửa đổi là hoàn toàn chấp nhận được. Tuy nhiên, về lâu dài phải nghiên cứu xây dựng Luật Giám sát nhân dân. Đây là đòi hỏi thiết thực của cuộc sống khi mà Ban Thanh tra nhân dân hiện nay hầu như không phát huy được vai trò, tác dụng của mình. Ngược lại, có ý kiến lo ngại, Luật Thanh tra 2004 sẽ chấm dứt “sự sống” khi Luật sửa đổi chính thức có hiệu lực mà một phần của Luật 2004 vẫn tồn tại thì có phải kỹ thuật soạn thảo văn bản có vấn đề hay không?

Thành lập thanh tra tổng cục hay không?

Cũng theo dự thảo Luật Thanh tra, sẽ thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, chi cục thuộc sở ở một số Tổng cục, Cục, Chi cục trên cơ sở quyết định của Thủ tướng. Ông Thư thừa nhận một số hạn chế khi có thêm các cơ quan thanh tra này như chồng chéo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan thanh tra trong một ngành, lĩnh vực; gây khó khăn nhất định cho công tác chỉ đạo, điều hành thống nhất của lãnh đạo các bộ, ngành… Tuy nhiên, ông Thư lại nhấn mạnh, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, thanh tra chi cục thuộc sở sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm, bảo đảm trật tự kỷ cương trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, nhất là những lĩnh vực gây nhiều bức xúc bao gồm y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, xây dựng, trật tự đô thị…

Có một số ý kiến lại không tán thành, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Xuân Phúc nhấn mạnh, không cần thiết phải ấn định thành lập các cơ quan thanh tra trên trong Luật. Vì nếu có luật định dễ dẫn đến việc lập tràn lan, làm tăng biên chế và cồng kềnh thêm bộ máy nhà nước. Đồng tình, GS. Lê Minh Tâm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam cũng đề nghị, nên tính toán kỹ việc thành lập các cơ quan thanh tra này, đặc biệt là thanh tra chi cục. Ông Tâm lý giải, đã là thanh tra thì phải gắn với quyền lực mà quyền lực phải hội tụ được sức mạnh về nhân lực, năng lực… trong khi đó bộ máy các chi cục đa phần là chưa đủ “lớn”.

Thục Quyên