Khi giám định viên kêu oan

27/04/2010
Trong tố tụng, sự chênh lệch tỷ lệ phần trăm giữa các lần giám định, làm nhiều người từ ngạc nhiên đến thắc mắc, có khi ngay cả cơ quan tố tụng cũng không hiểu nổi. Đây là vấn đề mà mọi người rất quan tâm, dư luận chú ý. Nhưng tiếc rằng đại đa số đều cho rằng tỷ lệ phần trăm ấy khác nhau là do giám định viên có vấn đề, nói trắng ra là tiêu cực. Nói thế thì thật là oan cho giám định viên!

Thiếu, làm liều

Thật bất ngờ khi những lời kêu oan đầy khẩn thiết lại được phát ra từ chính người đứng đầu Viện Pháp y quốc gia - TS Vũ Dương. Bởi, theo ông, sự oan sai thì nơi nào cũng có, việc gì cũng có, nhưng ít ai nghĩ đến giám định viên pháp y cũng là những người luôn bị vương vào tình cảnh oan trái. Đặc biệt, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả giám định luôn khác biệt nhau ở các lần giám định đó là sự quá cũ, quá lạc hậu của bản tỷ lệ phần trăm xác định mức độ tổn hại sức khỏe đang được áp dụng hiện nay. Đúng ra mà nói, bản tỷ lệ này được liên Bộ Y tế - Lao động ban hành từ năm 1995 là để dành sử dụng cho trường hợp thương binh, mất sức lao động... Thế nhưng, đã từ lâu nó lại được áp vào sử dụng cho cả giám định pháp y nên nhiều khi giám định viên không biết đằng nào mà áp dụng vì không có đủ các mục tổn thương.

Vậy nên, ông Dương cho biết, trong những lần kiểm tra tuyến, Viện Pháp y quốc gia đã phát hiện ra một kiểu tính tỷ lệ phần trăm trong vụ án hiếp dâm có thể nói là độc nhất vô nhị trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam: lấy số tuổi của nạn nhân cộng với 10% để cho ra tỷ lệ tổn hại sức khỏe. Có nghĩa là một bé gái 3 tuổi bị xâm hại tình dục sẽ ít tổn hại hơn một bà lão 60 tuổi cũng bị như thế. Người thi hành cắt nghĩa rất đơn giản vì tra không có quy định không biết tính kiểu gì. “Túng làm liều”, câu này có lẽ đúng trong trường hợp trên và buồn hơn khi biết chuyện cười ra nước mắt này lại xảy ra ngay ở chính Hà Nội chứ không đâu xa.

Nhận thức sai lệch là nguyên nhân

Tham dự buổi làm việc giữa đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện Pháp y quốc gia và các Bộ Y tế, Tư pháp diễn ra chiều ngày 22/4 (đây là lần đầu tiên cơ quan của QH tiến hành khảo sát lĩnh vực pháp y), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính đã thẳng thắn đưa ra nhận định, sở dĩ hoạt động giám định tư pháp nói chung và giám định pháp y nói riêng đang trở thành một trong những “điểm nghẽn” của công cuộc cải cách tư pháp là do vấn đề nhận thức. Theo ông Chính, sự nhận thức hiện nay của tất cả các cấp lãnh đạo, ban ngành về tầm quan trọng của hoạt động giám định tư pháp đều chưa xứng tầm, chưa đến ngưỡng. Cũng bởi vậy nên Pháp lệnh giám định tư pháp cũng đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp nữa và sự không phù hợp này xuất phát từ chính quan điểm xây dựng luật. Và do vậy, nên mới có câu chuyện một bản tỷ lệ tổn hại sức khỏe dùng cho tai nạn lao động lại được áp dụng cho cả pháp y trong một quãng thời gian dài đến vậy, mà chẳng ai quan tâm, đoái hoài.

Trong vai trò của mình, Bộ Tư pháp đã hết sức nỗ lực cho sự phát triển của giám định tư pháp vì đó là một khía cạnh quan trọng của bổ trợ tư pháp. Bằng chứng là Đề án nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp, Quyết định 74 về chế độ bồi dưỡng giám định viên, Quyết định 02 về phụ cấp trách nhiệm đã được Bộ Tư pháp hoàn thành. Thế nhưng, câu chuyện không chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp của một bộ, một ngành mà đòi hỏi phải có sự chung sức - ông Chính khẳng định. Có như vậy pháp y mới không phải kêu oan!

Xuân Hoa