Hoạt động báo chí và truyền thông ở EU: Tự do dưới sự điều tiết của Nhà nước

06/05/2010
“Nguyên tắc tự do báo chí từ lâu đã được đề cao như một nét văn hóa truyền thống của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), song không vì vậy mà vai trò điều tiết của nhà nước đối với hoạt động báo chí và truyền thông bị thủ tiêu”. Đó là những nhận xét sơ bộ của Đoàn khảo sát liên ngành do Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên dẫn đầu về hoạt động báo chí và truyền thông ở Pháp, Bỉ và Hà Lan vào tháng 10/2009.

Pháp: Nhà báo không bị phạt tù

Nhà nước hỗ trợ phát triển các loại hình báo chí

Trước sự phát triển của công nghệ, lĩnh vực báo chí và truyền thông ở Pháp cũng gặp không ít những khó khăn như sự cạnh tranh gay gắt của báo điện tử đối với báo viết, yêu cầu đổi mới hệ thống phát thanh cho phù hợp với các công cụ hỗ trợ mới như điện thoại di động hoặc internet...

Từ năm 1880 đến nay, Luật Báo chí của Pháp đã trải qua 12 lần sửa đổi, bổ sung song về cơ bản nội dung không thay đổi đáng kể, chủ yếu để thích ứng với các loại hình báo chí mới, làm rõ trách nhiệm của nhà báo... Hiện Pháp đang tiếp tục dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí.

Chính phủ Pháp đã có nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển các loại hình báo chí như hỗ trợ khoảng 20 triệu euro/năm để phát triển báo điện tử; thành lập Quỹ hỗ trợ phân phối báo chí đến tận tay người dân với mức vốn lên đến 30 triệu euro; hỗ trợ 50% ngân sách cho dự án cấp phát miễn phí nhật báo cho thanh thiếu niên 1 tuần/lần; hỗ trợ tài chính cho hoạt động của Đài Phát thanh quốc tế của Pháp (RFI)... Để đảm bảo sự độc lập trong hoạt động, RFI không được phép nhận tài trợ của các doanh nghiệp để sản xuất các chương trình.

Thậm chí từ năm 2011, các kênh truyền hình Nhà nước sẽ được bao cấp hoàn toàn. Trên thực tế, hiện các kênh truyền hình Nhà nước đa phần bị lỗ và Nhà nước phải cấp ngân sách hỗ trợ. Năm 2008, Nhà nước đã phải bù lỗ đến 70% cho kênh truyền hình Nhà nước (bằng nhiều hình thức, trong đó có hình thức giảm thuế VAT).

Tách các kênh thương mại ra khỏi truyền hình nhà nước

Luật mới về các phương tiện nghe nhìn được ban hành năm 2009 với một số điểm mới đáng chú ý: cấm quảng cáo sau 20h trên các kênh truyền hình... Đặc biệt, với mục tiêu bảo tồn các giá trị văn hóa của Pháp và EU, luật này còn qui định tách hẳn các kênh thương mại ra khỏi truyền hình nhà nước. Theo đó, từ năm 2011, mọi loại kênh truyền hình quốc gia của Nhà nước không được phép phát sóng các chương trình quảng cáo.

Đài truyền hình quốc gia Pháp (FT) đáng giá, việc cấm quảng cáo này là “sự lựa chọn sáng suốt của Chính phủ” vì rõ ràng mục đích cuối cùng của truyền hình không phải là lợi nhuận, khán giả không phải người tiêu dùng mà là công dân. Do đó, truyền hình Nhà nước “phải góp phần giáo dục ý thức công dân với việc đề cao trách nhiệm xã hội, không chạy theo lợi nhuận”.

EU có luật về khống chế thời lượng quảng cáo đan xen vào các phim. Tuy nhiên qui định này chỉ có giá trị bắt buộc đối với các kênh truyền hình nhà nước. Pháp cũng có qui định về cấm quảng cáo đan xen vào một số chương trình nhất định (như dự báo thời tiết...).

Nguyên tắc chung ở Pháp là cấm mọi hành vi quảng cáo gian dối. Người cung cấp thông tin quảng cáo gian dối sẽ bị xử lý, còn các kênh truyền hình có thể bị xử lý về trách nhiệm trong khâu kiểm duyệt thông tin (chế tài do Hội đồng quốc gia về quảng cáo áp dụng). Nếu thông tin đã được Hội đồng này cho phép lưu hành thì các kênh truyền hình được loại trừ nghĩa vụ.

Riêng quảng cáo thuốc ở Pháp được điều tiết rất chặt chẽ: phải là thuốc đã chính thức được lưu hành và phải được phép của cơ quan quản lý quốc gia về thuốc trước khi quảng cáo.

Pháp cũng thông qua Luật về bảo vệ quyền tác giả và chương trình truyền thông vào đầu năm 2009 nhằm chống lại các hành vi vi phạm bản quyền, kiểm soát hạn mức chương trình phát sóng (quota) trong đó phải đảm bảo thời lượng phát sóng tối thiểu 60% chương trình do EU sản xuất với tối thiểu 40% là chương trình do Pháp sản xuất; có chương trình cho các đối tượng đặc biệt như người khiếm thị, khiếm thính...

Chỉ Tòa án có quyền can thiệp lĩnh vực báo viết

Theo pháp luật Pháp, Tòa án là cơ quan giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực báo chí. Các vụ việc được giải quyết trước tòa thường là thông tin sai sự thật; xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; phân biệt chủng tộc; kích động hằn thù dân tộc.

Đối với tranh chấp trong lĩnh vực báo chí, pháp luật cho phép đương sự được chọn khỏi khởi kiện theo thủ tục dân sự hoặc hình sự. Nếu giải quyết theo con đường dân sự thì chủ yếu là bồi thường thiệt hại người hợp đồng và công tố viên hầu như không tham gia giải quyết vụ việc.

Hòa giải là một thủ tục bắt buộc trong giải quyết các vụ tranh chấp liên quan đến báo chí. Hòa giải không thành thì tòa án mới đưa ra xét xử. Hành vi cải chính (đính chính) của một tờ báo (ở đúng vị trí đã đăng bài sai phạm) cũng có thể được xem như một hình thức hòa giải.

Việc xác định thiệt hại trong vụ việc tranh chấp liên quan đến báo chí là toàn quyền của thẩm phán (có thể dựa trên doanh thu tăng lên do tin, bài giật gân...), nhưng việc xác định lỗi của nhà báo không phải là yêu cầu bắt buộc. Trong trường hợp này, pháp luật cho phép sử dụng nguyên tắc suy đoán lỗi.

Các phán quyết của Tòa án phải được thi hành nghiêm túc nếu chậm sẽ bị nộp phạt với mức cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng. Theo luật, chỉ Tòa án có có quyền can thiệp lĩnh vực báo viết và chỉ Thẩm phán mới được xử phạt nhà báo. Bộ luật Hình sự không có hình phạt tù đối với nhà báo, chủ yếu chỉ qui định hình phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo. Đây được coi là một nét “văn hóa” lâu đời của EU.

Ngoài ra, nhà báo còn có nghĩa vụ tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, nếu vi phạm có thể phải chịu chế tài từ Hội Nhà báo. Nhưng vì ý thức trách nhiệm của nhà báo ở EU rất cao nên dù không ai có quyền yêu cầu nhà báo phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp thì vi phạm đạo đức nghề nghiệp vẫn không phải là “vấn đề” cần lưu tâm.

Phạt tiền lên tới 3% doanh thu

Không “mềm mỏng” như đối với báo viết, Pháp quản lý lĩnh vực nghe nhìn chặt chẽ hơn. Ngoài thẩm phán thì Hội đồng cấp cao về nghe nhìn (cơ quan điều tiết của nhà nước trong lĩnh vực phát thanh và truyền hình) cũng có thẩm quyền áp dụng các chế tài đối với các vi phạm trong lĩnh vực phát thanh và truyền hình. Vi phạm nhỏ thì gửi thư cảnh cáo; vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm thì áp dụng các chế tài do luật định.

Nếu vi phạm liên tục trong 3 năm, Hội đồng sẽ mở phiên điều trần (giống phiên tòa) chủ yếu áp dụng hình phạt tiền lên tới 3% doanh thu; vi phạm nặng hơn có thể giảm thời hạn hoặc rút giấy phép hoạt động, cấm phát sóng trong một thời gian... Mọi quyết định của Hội đồng có thể bị kiện ra Tham chính viện (Tòa án hành chính tối cao Pháp).

Các kênh truyền hình tư nhân được hoạt động ở Pháp nhưng chịu sự điều tiết của Hội đồng cấp cao về nghe nhìn đối với thời lượng phát sóng, các tiêu chí mời thầu sản xuất các chương trình... và việc thực hiện các qui định khác của pháp luật. Hội đồng này chỉ giám sát các chương trình phát sóng mà không kiểm duyệt nội dung và giám sát chất lượng các chương trình đó.

Tuy nhà báo ở Pháp và EU không thể bị phạt tù nhưng có thể bị phạt tiền rất nặng. Mới đây, một nhà báo Pháp đã bị phạt 22.500 euro vì có hành vi phân biệt chủng tộc.

Hà Lan: Nhà báo quan hệ chặt chẽ với Chính phủ

Với việc áp dụng cơ chế tự điều tiết trong hoạt động của báo chí và truyền thông, Hà Lan không có luật lệ nào trong lĩnh vực này nhằm tránh sự can thiệp của nhà nước và đảm bảo dân chủ. Nguyên tắc hàng đầu được áp dụng cho hoạt động báo chí ở Hà Lan là độc lập, không lệ thuộc vào bất kỳ thiết chế nào. Hà Lan lấy ngày 1/5 là ngày tự do báo chí.

Hiện Hà Lan có 5 đài truyền thanh, 13 kênh truyền hình, hệ thống báo miễn phí được tài trợ từ phòng thuế. Người dân được tiếp cận thoải mái các kênh công cộng, còn kênh thương mại thì phải trả tiền.

Năm 1960, Hà Lan thành lập Hội đồng Nhà báo có thành viên là tất cả các nhà báo Hà Lan. Tuy nhiên, Hội đồng chỉ có thể đưa ra ý kiến tham vấn, chứ không có thẩm quyền xử phạt nhà báo (thẩm quyền này duy nhất thuộc về Tòa án Hà Lan). Hội đồng có chức năng kiểm tra các khiếu nại chống lại các hành vi vi phạm của nhà báo, giám sát về mặt đạo đức nghề nghiệp đối với nhà báo. Các quyết định của Hội đồng chỉ có giá trị khuyến nghị, hoàn toàn không có giá trị ràng buộc, các nhà báo thi hành hay không là tùy lương tâm.

Liên minh Nhà báo Hà Lan thực chất là một tổ chức công đoàn, quan tâm đến chất lượng nhà báo. Ở Hà Lan, ai viết được một cái gì đó thì đều được coi là nhà báo nhưng chỉ có 60% trong tổng số 8.400 nhà báo ở Hà Lan là thành viên của Liên đoàn. Theo qui định, thành viên của Liên đoàn phải có thu nhập ổn định nhất định từ nghề báo.

Liên đoàn không đặt thêm luật lệ nào khác vì như vậy bị coi là vi phạm tự do báo chí. Khi tham gia liên đoàn, nhà báo chỉ phải tuân theo luật pháp Hà Lan. Đạo đức nhà báo do Hội đồng báo chí Hà Lan đưa ra cũng không có giá trị ràng buộc vì nhà báo chỉ tuân theo luật pháp.

Vấn đề đặt ra với báo chí Hà Lan hiện nay là bảo vệ nguồn cung cấp thông tin cho báo chí. Trong trường hợp vì lợi ích chung của xã hội, nếu cảnh sát cần nhà báo cung cấp thông tin thì phải kiện ra Tòa án. Sau khi có quyết định của Tòa án thì nhà báo mới có thể bị tạm giam 13 ngày để lấy thông tin. Hà Lan đang tiến tới hướng hoàn thiện bảo vệ nguồn thông tin thông qua dự thảo luật về tiết lộ thông tin của nhà báo.

Nhà báo ở Hà Lan có mối quan hệ chặt chẽ với Chính phủ, mỗi chính trị gia Hà Lan đều có người phát ngôn, mỗi Bộ có 20 chuyên gia tập trung trong phòng truyền thông. Mỗi năm, Hà Lan có 350 cuộc họp báo. Bất kỳ ai cũng có thể tổ chức họp báo ở Trung tâm Hội nghị báo chí, trừ các cuộc họp báo liên quan đến sắc tộc. Ai đến dự họp báo tại Trung tâm đều phải trả tiền, kể cả nguyên thủ quốc gia. Chính phủ có trách nhiệm đảm bảo an ninh cho các cuộc họp báo tại đây.

Tuy đề cao tự do báo chí nhưng Hà Lan cũng thực hiện các qui định của EU về hoạt động báo chí và truyền thông. Theo đó, 50% thời lượng phát sóng là các chương trình do EU sản xuất, nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng; không được phép quảng cáo rượu, bia; tên nhà tài trợ cũng chỉ được xuất hiện hạn chế trong các chương trình; kiểm duyệt chặt các chương trình dành cho thanh thiếu niên...

Bỉ: Đề cao đạo đức nghề nghiệp của nhà báo

Bỉ là một quốc gia từ lâu đề cao nguyên tắc tự do báo chí. Ở Bỉ có 2 loại nhà báo: chuyên nghiệp (có thẻ hành nghề, hoạt động thường xuyên) và nghiệp dư. Hiện Bỉ có 5.980 nhà báo, trong đó có 4.600 nhà báo chuyên nghiệp (30% là nữ).

Hiến pháp và luật truyền thông của Bỉ có 7 điều cơ bản về tự do báo chí. Theo đó, không có hạn chế, kiểm soát, kiểm duyệt đối với báo chí; mọi người đều có quyền hành nghề nhà báo, nhà báo có toàn quyền hành nghề, với điều kiện không được ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người khác.

Bỉ không có qui định xử lý hình sự đối với nhà báo (trừ hành vi phân biệt chủng tộc, kích động hằn thù dân tộc hoặc công bố tin và ảnh của nạn nhân trong các vụ án tình dục). Hiện Tòa án Bỉ không giải quyết các vụ việc liên quan đến hình sự đối với nhà báo. Hầu hết các vụ việc được giải quyết thông qua con đường dân sự.

 Ai cũng có quyền phát ngôn thông qua báo chí; nhà báo được bảo vệ nguồn cung cấp thông tin, chỉ có tòa án mới có quyền yêu cầu nhà báo cung cấp nguồn. Nhà báo ở Bỉ được tự do tiếp cận thông tin, được quyền vào bất kỳ cuộc họp nào của nghị viện và cơ quan nhà nước phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho nhà báo; mọi phiên tòa nhà báo đều được tham dự trừ khi vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và bí mật đời tư.

Chính quyền phải có trách nhiệm giúp đỡ báo chí thực hiện quyền tự do báo chí, hỗ trợ tài chính, tài trợ thông qua các tổ chức động lập, các công ty báo chí được quyền nhận tài trợ để tổ chức các khoá tập huấn, đào tạo về báo. Các tổ chức nghề nghiệp của báo chí được nhận tài trợ của nhà nước, tuy nhiên vẫn hoạt động trên cơ chế tự điều tiết.

Quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí và truyền thông phải đảm bảo nguyên tắc độc lập của các tập đoàn truyền thông và đề cao đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Các mục tiêu quản lý trong lĩnh vực này cần đạt được là bảo đảm lợi ích công cộng, lợi ích của độc giả, cạnh tranh lành mạnh và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Ở Bỉ cũng giống Hà Lan, ai viết được tin, bài đăng báo là được gọi là nhà báo nhưng theo qui định của pháp luật Bỉ, chỉ nhà báo có thẻ mới được hành nghề. Nhà báo không được hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo hay thương mại nào khác.

Hội Nhà báo Bỉ có vai trò thực tế như công đoàn nhà báo với các hoạt động như đại diện cho các nhà báo tại các diễn đàn, quản lý thẻ nhà báo, thông tin, tư vấn cho nhà báo về chính sách, pháp luật (đặc biệt là về thuế thu nhập)... Hội nhà báo Bỉ còn chịu trách nhiệm trả phí luật sư bào chữa cho nhà báo tại phiên tòa. Tài chính hoạt động của Hội gồm 50% do các tòa soạn đóng góp và 50% do nhà nước tài trợ.

Bên cạnh Hội Nhà báo, ở Bỉ còn có Hội đồng đạo đức nghề nghiệp nhà báo là nơi nhận và giải quyết các khiếu nại liên quan đến nhà báo, Tuy nhiên, quyết định giải quyết của Hội đồng chỉ có giá trị khuyến nghị mà không có giá trị bắt buộc thi hành./.

Hương Giang