Bảo hiểm y tế “lụy” giấy chứng nhận của công an: Thêm “barie”, khổ thêm khổ!

07/05/2010
Không lâu sau khi Bộ Tư pháp lên tiếng về Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/8/2009 của liên Bộ Y tế và Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT), dư luận có nhiều ý kiến đồng tình thì bản thân cơ quan quản lý lại cố sức bênh vực cho cái lý của mình trong Thông tư này.

Không dễ xác định có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông

Trao đổi về vấn đề này, một bác sỹ khẳng định, khoản 3 Điều 8 Thông tư (TT) 09 “không sai Luật BHYT”, nhưng vấn đề nằm ở quy định của Điều 23 Luật BHYT. Do TT bị “khống chế” bởi luật, nên nếu luật “rối” thì TT cũng không thể “thoáng” hơn. Phân tích quy định Điều 23 Luật BHYT, bác sỹ này cho rằng, chính quy định “do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra” đã dẫn đến những hệ lụy mà TT 09 đang phải “gánh chịu”.

Bởi nhiều khi nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) là lỗi vô ý của người tham gia giao thông hoặc do ảnh hưởng của yếu tố khách quan (điều kiện thời tiết, tình trạng đường phố, phương tiện…), chứ không phải do người tham gia giao thông vi phạm pháp luật… Thực tế, không dễ để xác định có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông, nói gì đến chuyện có giấy chứng nhận của cơ quan công an để đủ điều kiện thanh toán BHYT.

Theo nhiều bệnh nhân bị TNGT đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức sáng 27/4, công an không đến ngay hiện trường TNGT, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Anh Trần Xuân Đạt bị lật ô tô tại Mường La (Sơn La) vào lúc 21h30 phút, sau đó được chuyển thẳng từ bệnh viện tỉnh về Bệnh viện Việt Đức điều trị. Vào thời điểm tai nạn xảy ra, không có công an xác nhận hiện trường vụ tai nạn và bản thân anh cũng không biết là đã có xác nhận hay chưa. “Nếu cần thì điện về nhà bảo họ làm, chắc là được thôi mà!”, anh Đạt lạc quan cho biết.

Một vấn đề khác đặt ra là đối với những bệnh nhân có BHYT, bị TNGT rất nặng, bất tỉnh được người đi đường đưa vào bệnh viện thì qua thời gian khá lâu, tỉnh lại lúc đó “cơ quan có thẩm quyền” nào sẽ xác nhận để cho họ được hưởng quyền lợi?. Nhân viên của bệnh viện Việt Đức cho hay: “Đối với những vụ TNGT lớn thì cảnh sát giao thông đến ngay, nhưng các vụ tai nạn nhỏ lẻ thì phần lớn không có cơ quan nào xác nhận cả. Đối tượng chịu thiệt chính là người bệnh mà thôi, nếu các quy định của pháp luật hay chính sách không rõ ràng”.

“Đẻ” thêm giấy tờ

Trước khi có Luật BHYT, việc thanh toán BHYT đối với những trường hợp bị TNGT cũng phải phụ thuộc vào hồ sơ TNGT do cơ quan CA cấp huyện lập. Đến nay, khi có Luật BHYT thì người dân vẫn phải “lụy” giấy xác nhận của cơ quan công an về việc không vi phạm pháp luật giao thông để được thanh toán BHYT.

Xét dưới góc độ cải cách thủ tục hành chính thì quy định này không đáp ứng được yêu cầu và gây phiền hà cho người dân. Vì như nhận xét của LS.Trịnh Quang Chiến, “quy định này đã “đẻ” thêm một loại giấy tờ nữa cho người dân khi làm thủ tục thanh toán BHYT”.

Nên khi bị gãy chân do TNGT, chị Đặng Phương Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã khai với bệnh viện là “ngã cầu thang” để việc thanh toán BHYT không cần có xác nhận của cơ quan CA. Cách “biến tướng” nguyên nhân gây thiệt hại như vậy là “chiêu” của nhiều người không may gặp TNGT, phải đi thanh toán BHYT. Nhưng nhiều bệnh nhân không biết phải khai với cơ sở y tế như thế nào để được hưởng quyền lợi BHYT, nhất là những người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa.

Nếu chị Mai mua gói bảo hiểm thân thể của một doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nào đó thì chỉ cần có hồ sơ điều trị của cơ sở y tế đa khoa cấp huyện trở lên (sổ y bạ có dấu của cơ sở y tế, các hóa đơn chụp, xét nghiệm nếu có…) là được thanh toán tiền BH.

So sánh cách thức thanh toán của hai hình thức BH này có thể khiến người dân nghi ngại, TT 09 “thu hẹp” khả năng được thanh toán BHYT của người dân, chứ không phải quy định “mở” như khẳng định của Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Tống Thị Song Hương trên báo SK&ĐS (số ra ngày 21/4/2010).

BHXH phải… linh hoạt giải quyết

Ông Lê Văn Khảm – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã có hướng dẫn về việc thực hiện khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/8/2009 của liên Bộ Y tế và Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) theo hướng, cơ quan có thẩm quyền xác nhận cho người bị tai nạn giao thông (TNGT) có vi phạm hay không là cơ quan công an từ cấp huyện trở lên.

Tìm hiểu về quy trình giải quyết các vụ TNGT, PLVN được biết, nếu là các vụ TNGT có người tử vong sẽ do Đội Điều tra tổng hợp của cơ quan công an cấp huyện tại địa bàn có xảy ra TNGT giải quyết. Còn đối với các vụ TNGT khác là do Đội cảnh sát giao thông của cơ quan công an cấp huyện đó giải quyết. Tuy nhiên, từ việc giải quyết các vụ TNGT, cơ quan công an cũng chỉ có hồ sơ vụ TNGT (chủ yếu là biên bản kết luận nguyên nhân gây ra vụ TNGT), chứ không có giấy xác nhận người bị TNGT vi phạm pháp luật giao thông hay không như yêu cầu tại khoản 3 điều 8 TT 09.

Vì vậy, mâu thuẫn của khoản 3 Điều 8 TT 09 còn nằm ở việc chưa có cơ quan thực hiện đã quy định về việc “cấp giấy xác nhận không vi phạm pháp luật giao thông”. Như nhận định của một luật gia, đây chính điểm gây phiền hà nhiều nhất cho người dân. Vì họ sẽ khó tìm đâu ra loại giấy xác nhận quan trọng này khi không cơ quan nào có thẩm quyền cấp theo pháp luật.

Theo ông Phạm Lương Sơn – Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), mới đây nhất, ba Bộ Y tế, Công An và Tài chính quyết định sẽ cùng ban hành một Thông tư liên tịch quy định cụ thể hơn về “cơ quan có thẩm quyền” theo khoản 3 Điều 8 TT 09. Còn hiện tại, cả Bộ Y tế và Bộ Công an đều chưa có câu trả lời rõ ràng về quy định này.

Trong thời gian chờ “cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận không vi phạm pháp luật giao thông” được các cơ quan chức năng “điểm mặt chỉ tên” thì trong một số trường hợp, cơ quan BHXH đang linh hoạt chấp nhận cả biên bản hiện trường TNGT do công an cấp xã lập. Song điều kiện để biên bản đó có giá trị là “được công an cấp huyện xác nhận chữ ký, con dấu của công an cấp xã (!?)”.

Dù vậy, đây cũng không thể là biện pháp lâu dài bởi nó không mang tính chính thống theo đúng tinh thần của Luật BHYT. Bên cạnh đó, ông Sơn cũng thấy cần có cơ chế thanh toán BHYT trong các trường hợp bị TNGT một cách “thông thoáng”, mang tính đặc thù cho vùng sâu, vùng xa để đảm bảo quyền lợi của người được hưởng BHYT.

“Mở đường” cho tiêu cực?

Hiện thống kê của Bệnh viện Việt Đức thì chỉ 30% bệnh nhân bị TNGT được thanh toán BHYT, còn tất cả phải tự trả viện phí và chờ thanh toán với BHXH khi có đủ hồ sơ (mà quan trọng là giấy xác nhận của cơ quan công an về việc không vi phạm pháp luật giao thông). Vậy là tình trạng “đóng BH thì dễ nhưng “đố” lấy được tiền BH” sẽ vẫn tồn tại dù có Luật BHYT.

LS.Trịnh Quang Chiến cho biết, trong thực tế, TA đã xác định yếu tố “lỗi hỗn hợp” (nghĩa là cả 2 bên đều có lỗi) trong nhiều vụ án yêu cầu bồi thường sau TNGT. Vậy, lúc đó sẽ xác định người bị thiệt hại do TNGT được hưởng BHYT ở mức như thế nào, khi cũng “tham gia” vào quá trình gây tai nạn? Hơn nữa, quy định tại khoản 3 Điều 8 TT 09 dưới góc độ nhân văn, cũng không phù hợp với tiêu chí, mục đích của chính sách BHYT.

Từ góc độ thực tiễn, khoản 3 Điều 8 TT 09 không chỉ làm phiền hà cho người dân mà “có thể dẫn đến những tiêu cực trong việc cấp giấy chứng nhận không vi phạm pháp luật giao thông” - LS.Chiến lo ngại. “Có loại trừ được trường hợp do thân quen nên có vi phạm vẫn cấp giấy chứng nhận không vi phạm để người đó được hưởng BHYT?”

Ông Nguyễn Văn Thụ (Tiên Lữ, Hưng Yên) đang điều trị TNGT tại bệnh viện Việt Đức cho rằng, nếu BHYT muốn đảm bảo chắc chắn mọi chi trả bảo hiểm đều đúng người, đúng việc thì cần bố trí nhân sự hợp lý chứ nếu chỉ đưa ra quy định thiếu rõ ràng, trông chờ vào công an cấp huyện thì e là khó khả thi. Lúc đó, các chính sách pháp luật chỉ có giá trị trên giấy mà thôi, “còn người bệnh khổ vẫn hoàn khổ”.

Vì vậy, để chính sách BHYT thể hiện được rõ vai trò “chia sẻ rủi ro”, liên Bộ Y tế, Tư pháp, Tài chính và Công an cần sớm phối hợp làm rõ tinh thần của Luật BHYT (cụ thể là Điều 23) và quy định tại khoản 3 Điều 8 TT 09. Không nên để có thêm một văn bản vừa ban hành đã trở thành “barie” đối với quyền lợi của người dân./.

Huy Anh