Những vướng mắc trong hoạt động chứng thực: Có nguyên nhân từ luật?

01/02/2010
Nghị định số 79/2007/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký đã quy định đối với hoạt động chứng thực chữ ký bản dịch, tạo ra nhiều sự thông thoáng, thuận lợi cho người dân trong hoạt động này. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều quy định đã và đang tạo bất cập cho người thừa hành – những cán bộ ở địa phương. Phải chăng đây là những khó khăn có nguyên nhân từ luật?

“Một cửa” thành hai cửa

Hiện nay, tại hầu hết các địa phương (cấp huyện và xã), việc tiếp nhận, xử lý và thực hiện chứng thực đều được áp dụng theo cơ chế hành chính một cửa. Ưu điểm của viêc áp dụng cơ chế hành chính một cửa trong hoạt động chứng thực là tạo được môi trường hành chính công khai, trật tự. Nhưng, bên cạnh đó lại có điểm rất không thuận tiện trong việc thực hiện cơ chế này là vô tình biến thủ tục hành chính một cửa trong chứng thực theo quy định của Nghị định 79/2007/NĐ-CP thành thủ tục hành chính 2 cửa.

Bởi lẽ, người có yêu cầu chứng thực chỉ được nộp yêu cầu của mình tại bộ phận hành chính một cửa, sau đó cán bộ hành chính một cửa lại chuyển yêu cầu này cho Phòng Tư pháp để phòng này thực hiện công việc chứng thực. Sau đó, Phòng Tư pháp lại chuyển kết quả cho bộ phận hành chính một cửa để trả lại cho người có yêu cầu chứng thực. Vô hình chung, quy trình này đã làm phức tạp hóa một cách không cần thiết đối với thủ tục chứng thực bản sao. Mặt khác, đã kéo dài thời gian thực hiện chứng thực, không đảm bảo thời hạn đã được quy định trong Nghị định 79/2007/NĐ-CP.

Cán bộ tư pháp làm chứng thực – muốn tốt cũng khó

Nghị định 79/2007/NĐ-CP quy định trong hoạt động chứng thực cán bộ tư pháp phải trực tiếp tiếp dân hàng ngày, giải quyết và trả kết quả ngay cho công dân. Thế nhưng, tại nhiều địa phương cán bộ tư pháp không thể trực tiếp làm điều này bởi nhiều lý do. Trước hết là “rào cản” một cửa như đã nói trên, sau đó là bản thân cán bộ tư pháp khó có thể “chia năm xẻ bảy” thân mình cho hết thảy công việc, nên có muốn làm tốt cũng khó.

Cụ thê, theo quy định, mỗi UBND phường chỉ có một cán bộ tư pháp- hộ tịch, trong khi đó Thông tư số 01/2009/TTLT-TP-NV của Bộ Tư pháp và Nội vụ có quy định tư pháp cấp xã phải tham mưu, thực hiện 11 nhiệm vụ cả thảy. Trong những nhiệm vụ này có nhiều việc cán bộ tư pháp phải trực tiếp xuống cơ sở để giải quyết như phối hợp trong THADS, tuyên truyền pháp luật, hòa giải, xác minh một số việc về hộ tịch theo quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP. Ngoài ra, cán bộ tư pháp còn phải thực hiện rất nhiều công việc do UBND phường chỉ đạo như tham mưu, phối hợp giải quyết khiếu nại tố cáo, tham gia giải phóng mặt bằng...

Chứng thực bản dịch – vừa chứng vừa run

Theo Nghị định 79/2007/NĐ-CP thì Phòng Tư pháp cấp huyện có thẩm quyền chứng thực chữ ký người dịch trong các bản dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc ngược lại. Thế nhưng, mặt khác, Nghị định cũng không quy định rõ những loại giấy tờ gì không được phép chứng thực. Việc này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho người thực hiện vì trên thực tế đã có nhiều trường hợp mang những loại giấy tờ bằng tiếng nước ngoài có đóng dấu nhưng lại không có chữ ký hay các loại hóa đơn, biên lại...Khi tiếp nhận yêu cầu, cán bộ tiếp nhận cũng không thể biết nội dung đó có được phép dịch và chứng thực hay không.

Bên cạnh đó, Nghị định 79/2007/NĐ-CP quy định đối với hoạt động chứng thực chữ ký bản dịch, người dịch phải cam đoan và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch. Thế nhưng, trong thực tế hiện nay, vì lý do quy định nói trên chưa có những chế tài ràng buộc cũng như việc chứng thực chữ ký người dịch của cán bộ chứng thực cũng mới chỉ dừng lại ở khái niệm đơn thuần nhất, nên chất lượng bản dịch đã xảy ra nhiều vấn đề bất cập như bỏ sót nội dung, nội dung không rõ, sai về cấu trúc ngữ pháp...Thậm chí có trường hợp nội dung bản dịch trái hẳn với bản gốc (thường gặp ở trường hợp giấy tờ liên quan đến học tập). Điều này khiến cho cán bộ chứng thực vừa chứng vừa run mặc dù họ chỉ chịu trách nhiệm chứng thực chữ ký của người dịch. Không những thế, những bất cập này còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến các cơ quan Nhà nước liên quan, trong đó có hệ thống cơ quan liên quan đến lĩnh vực đại diện ngoại giao, lãnh sự, xuất nhập cảnh. Và không ít lần các cơ quan này đã có ý kiến phản hồi.

Trước thực tế trên, nhiều Phòng Tư pháp đã nghĩ tới phương án quản lý đội ngũ công tác viên dịch thuật như Phòng Công chứng đã từng làm trước kia. Nhưng lý do trước hết là do Nghị định 79/2007/NĐ-CP không có quy định ràng buộc về pháp lý giữa Phòng Tư pháp và cộng tác viên dịch thuật. Hơn nữa, không phải công dân  nào cũng nhờ đến cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp mà họ có thể tự mình hoặc nhờ người “thông thạo tiếng nước ngoài” theo quy định của luật. Mà về vấn đề “thông thạo tiếng nước ngoài” Bộ Tư pháp mặc dù đã có Thông tư 03 hướng dẫn nhưng việc thực hiện trong thực tế xem ra vẫn không tránh khỏi vướng mắc.

Hồng Minh

Hiện nay, tại các tỉnh, thành, thậm chí là các quận huyện trong cùng một địa phương, thủ tục làm ra bản dịch đang rất không thống nhất. Có nơi, công dân có nhu cầu qua bộ phận một cửa, có nơi lại giao dịch thẳng với Phòng Tư pháp. Cá biệt, có địa phương, công dân lại phải thông qua một Trung tâm dịch thuật, công chứng. Và, Trung tâm này sẽ đóng vai trò từ A-Z từ tìm người dịch cho tới tự mang bản dịch đi chứng thực chữ ký. Không phải là không có những tiêu cực đã nảy sinh từ những “quy trình khép kín” kiểu này. Cũng chính vì vậy nên vấn đề kiểm soát tính pháp lý, tính xác thực của bản gốc là chuyện không thể. Và, ở nhiều trường hợp, sự sai phạm đã xuất phát ngay chính từ bản gốc.

Trong hoạt động chứng thực, hiện nay lãnh đạo UBND cấp xã do bận nhiều việc nên việc phân công lãnh đạo trực ký gặp nhiều khó khăn. Để khác phục tình trạng này, các UBND cấp xã chỉ bố trí lịch tiếp nhận và giải quyết yêu cầu chứng thực một số buổi trong tuần nên không thể đáp ứng yêu cầu chứng thực theo đúng thời hạn quy định trong Nghị định 79. Nên chăng, để hóa giải tình trạng này cần giao trực tiếp thẩm quyền ký văn bản chứng thực cho cán bộ tư pháp – hộ tịch thay vì Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch như hiện nay. Thế nhưng, để làm được điều này thì biên chế cán bộ tư pháp – hộ tịch cấp xã cũng phải được tăng thêm vì hiện nay công việc tư pháp ở cấp xã đang trong tình trạng quá tải.