Thi hành Luật Công chứng: Nên “mở” chứng ngoài trụ sở

29/01/2010
Luật Công chứng năm 2006 quy định, trong một số trường hợp, việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, quy định được các tổ chức áp dụng không hoàn toàn giống nhau. Thậm chí, đã có văn phòng công chứng kiến nghị nên cho phép mở rộng hơn việc công chứng ngoài trụ sở.

Cứ theo luật mà làm!

Theo Điều 39 của Luật quy định về địa điểm công chứng, việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng thì có thể được thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề.

Công chứng viên Đoàn Thị Lý - Trưởng Văn phòng Công chứng A9 (Cầu Giấy, Hà Nội) khẳng định, việc công chứng tại trụ sở hay ngoài trụ sở đều phải làm theo Luật. Việc công chứng ngoài trụ sở của Văn phòng chỉ chiếm khoảng 10% trên tổng số gần 2.000 hợp đồng, giao dịch trong năm 2009. Bà Lý khẳng định, đây đều là những trường hợp đúng Luật và có lý do chính đáng. Trước khi tiến hành công chứng ngoài trụ sở, Văn phòng thường tư vấn cho người dân để họ chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ. Và khi thực hiện việc chứng, công chứng viên mang tất cả thiết bị từ máy vi tính đến máy in như một văn phòng thu nhỏ. Vì vậy, qua gần một năm hoạt động, Văn phòng không gặp khó khăn gì trong thực hiện công chứng ngoài trụ sở. Tuy nhiên, bà Lý thắc mắc, Luật quy định người nhu cầu công chứng là người già yếu nhưng có trường hợp người già muốn phân chia di sản thừa kế mà con cái họ mới là người ốm đau, không thể đi lại được thì có được coi là lý do chính đáng để chấp nhận yêu cầu?

Một công chứng viên của một văn phòng công chứng tại Hà Nội cũng quả quyết, việc công chứng cứ phải theo Luật mà làm. Nếu người có nhu cầu công chứng “làm khó”chút ít thì sẽ thuyết phục để mời họ tới trụ sở. Vị công chứng viên này còn nói “cứng”: “Văn phòng của chúng tôi hiện có 2 công chứng viên, chỉ phục vụ tại Văn phòng đã làm không hết việc. Trường hợp người dân cương quyết quá, Văn phòng đành phải bỏ qua thượng đế”.

“Mở” ngoài trụ sở để gần dân hơn!

Mặc dù Luật nói rõ những trường hợp được thực hiện công chứng ngoài trụ sở nhưng một số công chứng viên cho rằng quy định như vậy vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, thế nào là “có lý do chính đáng khác” khi mà chế định này đang được hiểu rất trái chiều. Không ít người dân thẳng thừng nói với công chứng viên bộc lộ quan điểm: “tôi thích và có điều kiện thì tôi có quyền thuê dịch vụ về nhà”. Đã có vài văn phòng công chứng chấp nhận công chứng ngoài trụ sở cho các tượng không phải là già yếu mà là nghèo khó, cô đơn, bận công tác, thanh toán tại ngân hàng, hay ở trụ sở của một bên nào đó trong giao dịch hoặc tại điểm điểm bán đấu giá tài sản…

Theo Trưởng Văn phòng Công chứng Thăng Long Trần Công Trục, với phương châm “tất cả cán bộ, nhân viên của Văn phòng không bao giờ được nói không với khách hàng” nên mặc dù mất thời gian hơn nhưng Thăng Long vẫn phục vụ nhu cầu công chứng ngoài trụ sở. Đặc biệt, Thăng Long là Văn phòng đầu tiên có quan hệ với ngân hàng để có thể thực hiện công chứng các giao dịch về thế chấp ngay tại ngân hàng. Tuy nhiên, ý thức được những giao dịch về thế chấp dễ dẫn đến rủi ro và chưa có cách làm thống nhất (như nhận xét của một cán bộ tín dụng ngân hàng), ông Trục cho biết, chính ông cùng 2 công chứng viên có nhiều kinh nghiệm trực tiếp làm các giao dịch này.

Công chứng viên Nguyễn Việt Thắng - Phó trưởng Văn phòng Công chứng A1 (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ quan điểm, xã hội hóa công chứng là xã hội hóa một dịch vụ hành chính công thay mặt nhà nước, điều đó đồng nghĩa với việc xã hội hóa là để sát dân, gần dân hơn. Đơn cử, năm vừa qua, việc công chứng ngoài trụ sở chiếm tới 60% trong tổng số gần 5000 hợp đồng, giao dịch tại Văn phòng. Bởi thế, ông Thắng mong muốn, các cơ quan chức năng nên sớm có hướng dẫn Điều 39 theo hướng mở hơn, tất nhiên là chỉ trong phạm vi Luật cho phép, nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngày càng đa dạng của người dân. “Đây cũng là một cách để “giải tỏa” tâm lý cho các tổ chức hành nghề công chứng, tránh tình trạng băn khoăn không biết công chứng trường hợp này, trường hợp kia thì có bị trái Luật hay không”, ông Thắng nhấn mạnh.

Hoàng Thư