Dự Luật Thủ đô: Xử lý được những “cái riêng” của Hà Nội

29/01/2010
Dự Luật Thủ đô: Xử lý được những “cái riêng” của Hà Nội
Tại cuộc họp Ban soạn thảo Luật Thủ đô (LTĐ) lần thứ 3, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, LTĐ phải nhấn mạnh đến đặc điểm là đô thị “đầu não” của Hà Nội để xây dựng các qui định riêng cho TĐ. Bên cạnh đó, dù có cơ chế riêng, Hà Nội vẫn có những điểm giống với 62 tỉnh, TP khác trên cả nước nên LTĐ phải xử lý được những “cái riêng” vốn làm nên TĐ Hà Nội. LTĐ cũng nên có những qui định mang tính “định hướng” để chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh trong tương lai để tránh phải liên tục sửa luật.

Như vậy, mục đích của LTĐ là tạo cơ chế chính sách đặc thù, riêng cho Hà Nội với nguyên tắc “bất di bất dịch” là không trái Hiến pháp. Trong dự thảo 3 LTĐ “cơ chế đặc thù” cho TĐ được thể hiện trong nội dung các điều luật cụ thể trên từng lĩnh vực.

Không dễ để được nhập khẩu và làm việc ở TĐ là tinh thần của Điều 19 dự thảo 3 LTĐ. Theo đó, muốn đăng ký thường trú lần đầu tại TĐ phải chứng minh có việc làm hợp pháp với mức lương ít nhất bằng hai lần mức lương tối thiểu nghĩa là từ 1,3 triệu đồng trở lên, tạm trú liên tục tại TĐ 5 năm trở lên ngoài các điều kiện đã được PL về cư trú qui định. Còn người không thường trú hoặc tạm trú muốn làm việc tại TĐ thì phải có giấy phép lao động do Sở LĐTB&XH TP.Hà Nội cấp. Tất nhiên những điều kiện này không áp dụng đối với những người được ưu tiên tuyển dụng về làm việc tại TĐ.

Không những thế, dự thảo LTĐ được xây dựng còn dành cho Hà Nội quyền ban hành VBQPPL “có nội dung mới, khác hoặc trái với VBQPPL cơ quan nhà nước cấp TƯ, nhưng không trái với Hiến pháp”, qui định và áp dụng tiêu chuẩn môi trường cao hơn so với tiêu chuẩn môi trường quốc gia, qui định mức xử phạt vi phạm hành chính đặc thù trên địa bàn TĐ ngoài các qui định hiện hành…

Đó là những qui định cụ thể hóa yếu tố đặc thù của TĐ, làm cơ sở pháp lý hỗ trợ để xây dựng được một TĐ văn minh, hiện đại.

H.Giang

LS.Phạm Hồng Hải – Phó Chủ tịch LĐLSVN: Vì mục tiêu lớn, quy định đặc thù vẫn hợp lý, hợp pháp

PV: Qui định cơ chế đặc thù trong LTĐ có thể khiến LTĐ phải mâu thuẫn với các VBPL hiện hành. Theo ông vấn đề này phải giải quyết như thế nào?

 LS.Phạm Hồng Hải: Về nguyên tắc, khi có cạnh tranh qui phạm thì ưu tiên các qui phạm của VB cao hơn. Nhưng khi chủ trương xây dựng một VB luật cho một địa phương như LTĐ cho Hà Nội thì phải tư duy theo kiểu ngược lại vì khi đã thừa nhận Hà Nội có đặc thù và việc thực hiện các chính sách, PL phải tính đến đặc thù đó thì lại có một nguyên tắc khác nguyên tắc pháp lý thông thường: ưu tiên cho Hà Nội để thực hiện những vấn đề đặc thù. Trong trường hợp các qui định đặc thù đó không phù hợp với qui định của PL thì phải lấy qui định trong VBPL đặc thù đó (lúc này là VB chuyên ngành) để sử dụng.

Khi ban hành LTĐ chắc chắn sẽ có những điều luật buộc phải trái hoặc mâu thuẫn với qui định pháp luật hiện hành nên không thể tránh khỏi mâu thuẫn, chồng chéo. Nhưng nếu Quốc hội đã ban hành LTĐ là thừa nhận có chuyện đó. Do vậy, trong LTĐ phải có qui định về nguyên tắc này để áp dụng cho dễ dàng.

Thủ đô cần những quy định đặc thù

PV: Dự thảo LTĐ “thắt chặt” điều kiện nhập khẩu và làm việc tại TĐ, theo ông có hợp lý và hợp pháp không?

LS.Phạm Hồng Hải: Khi qui định điều kiện về người được làm việc tại TĐ về hình thức có vẻ như vi phạm Hiến pháp về quyền tự do cư trú, đi lại, lao động. Song để thực hiện được mục tiêu lớn vì sự phát triển của TĐ thì các điều kiện đó vẫn hợp lý và hợp pháp. Bởi TĐ có điều kiện đặc thù nên cần những qui định đặc thù. TĐ cần thiết phải thu hút những lao động có trình độ, tay nghề cao, đồng thời hạn chế lao động phổ thông vì trong điều kiện Hà Nội quá đông và là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị… như hiện nay thì lao động không cần thiết. Hơn nữa, nhân khẩu nhập cư vào Hà Nội quá đông sẽ làm cho việc quản lý về dân cư, nhân khẩu phức tạp hơn.

Hà Nội chỉ có thể tách biệt, chứ không thể tách rời

 PV: Từ góc độ một LS, ông có thấy rằng cho Hà Nội có cơ chế đặc thù sẽ biến Hà Nội thành “vương quốc riêng” về mặt luật pháp?

LS.Phạm Hồng Hải: Không thể xảy ra điều đó vì chính quyền TP.Hà Nội cũng như những địa phương khác chỉ được ban hành VBQPPL, chứ không phải luật. Vấn đề là ở chỗ người làm luật phải tính đến tình huống làm sao để Hà Nội không trở thành một đơn vị cát cứ, tức là Hà Nội có quyền riêng nhưng phải tuân thủ chủ trương của Đảng và pháp luật chung.

Hà Nội chỉ có thể khác biệt chứ không tách rời. Khi xây dựng các qui định riêng thì cần phải hạn chế những điều có thể dẫn đến sự đối lập, chống đối với qui định của Hiến pháp và PL. Nhưng trong trường hợp tính đặc thù buộc phải qui định như vậy thì phải chấp nhận và thực hiện các qui định của LTĐ.

Vì đặc thù có thể dẫn đến mẫu thuẫn quyền lợi thì trong trường hợp này phải đặt lợi ích, quyền lợi của địa phương lên ưu tiên mới xử lý được, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng LTĐ được ban hành mà không thực hiện được. Nếu không thực hiện được thì việc ban hành Luật là vô nghĩa. Muốn Luật không thành những khẩu hiệu thì quan trọng là phải làm tốt công tác tuyên truyền, động viên, hướng dẫn để mọi người hiểu và thực hiện.

PV: Trân trọng cảm ơn LS!

Hương Giang (thực hiện)