Thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Công lý môi trường – tại sao không? (Bài II)

01/02/2010
Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn trong nước đã cho thấy, muốn bảo vệ được môi trường thì công lý môi trường phải trở thành một nội dung ăn sâu và bám rễ trong tiềm thức của người dân, trở thành một đạo lý tự nhiên của xã hội, cộng đồng. Đẩy mạnh hiệu quả thực thi pháp luật môi trường là một trong những cách để đảm bảo công lý môi trường. Và, muốn vậy thì pháp luật bảo vệ môi trường phải thực sự sắc bén và hữu hiệu.

Lao động công ích để bảo vệ môi trường

Bên cạnh việc bổ sung nhiều quy định quan trọng, Luật Bảo vệ môi trường 2005 cũng quy định hình thức xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy đinh định bảo vệ môi trường nơi công cộng là “buộc lao động vệ sinh môi trường có thời hạn ở nơi công cộng” (Điều 52). Đây cũng là nội dung mới cần bổ sung vào Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.

Nghị định 117/2009/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 31/12/2009 và có hiệu lực từ 1/3/2010, thay thế Nghị định 8//2006/NĐ-CP tuy có đưa ra mức phạt cao nhất lên tới 500 triệu đồng, cao gấp bảy lần so với quy định mức phạt hiện nay tối đa là 70 triệu đồng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính còn bị áp dụng một trong các hình thức xử lý như tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong các biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết hoặc cấm hoạt động; buộc di dời đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường hoặc bị công khai thông tin về tình hình ô nhiễm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng..., nhưng nội dung đã được đề cập ở Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường 2005 nói tới ở trên thì không thấy đả động gì. Trong khi đó, ở nước ta hiện nay tình trạng cá nhân có hành vi đơn lẻ vô tình hay cố ý xâm hại môi trường là rất phổ biến. Phải chăng đây cũng là một kẽ hở của luật?

Nên tội phạm hóa thêm nhiều hành vi

   Theo Tiến sĩ Phạm Văn Lợi – Viện trưởng Viện Khoa học quản lý môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu so với yêu cầu đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 thì các quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2009 vẫn chưa bao quát hết được các hành vi vi phạm môi trường cần xử lý về mặt hình sự. Chẳng hạn, một số hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 (Điều 7) vẫn chưa được bổ sung trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2009 như hành vi gây tiếng ồn, độ rung vượt tiêu chuẩn cho phép; sinh sống ở khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ nguy hiểm về môi trường đối với sức khỏe và tính mạng con người; hành vi cản trở hoạt động bảo vệ môi trường..

 Thêm vào đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 rất nhấn mạnh tới yêu cầu về công khai hóa thông tin bảo vệ môi trường, để đảm bảo quá trình dân chủ hóa hoạt động bảo vệ môi trường. Quy định này chắc chắn sẽ gặp phải phản ứng từ phía các chủ dự án. Vậy thì, để đảm bảo sự tuân thủ nghĩa vụ công khai hóa thông tin, việc chỉ xử lý về mặt hành chính là chưa đủ mà cần nghiên cứu để có phương án xử lý về mặt hình sự trong những trường hợp cố ý không cung cấp thông tin, hoặc cố ý cung cấp thông tin giả mạo, cản trở người dân tham gia, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường...

Và, một vấn đề cũng quan trọng không kém là Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự (sửa đổi) đã tăng thẩm quyền điều tra cho lực lượng cảnh sát môi trường, tuy nhiên, thời hạn trong điều tra hình sự đối với loại tội phạm này vẫn giống như các tội phạm thường. Vấn đề này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động điều tra.

Xuân Hoa

Đối thoại môi trường – cần hướng dẫn cụ thể

Điều 105 Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã đặt ra cơ chế đối thoại các vấn đề về môi trường giữa các tổ chức, cá nhân quản lý khu sản xuất, kinh doanh dịch vụ tập trung, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan chuyên môn, cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường...với các chủ thể có yêu cầu. Theo quy định tại điều luật này, việc đối thoại về môi trường được thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật và dưới sự chủ trì của UBND hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để thực hiện được quy định này, trong thời gian tới, cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục của việc đối thoại như cách thức tổ chức đối thoại, thời hạn gửi văn bản trao đổi, thành phần của cơ quan chủ trì đối thoại, đối thoại trước một đại diện hay cả hội đồng...