Pháp luật quốc tế: Ở nước ngoài cấm thuốc lá thế nào?

01/02/2010

Trung Quốc: Người vi phạm bị bêu tên

Trung Quốc là nước có khoảng 350 triệu người hút thuốc lá - chiếm 1/3 tổng số người hút thuốc toàn cầu. Ở Trung Quốc, mỗi năm có khoảng 2 nghìn tỉ điếu thuốc được tiêu thụ. Chính phủ nước này ước tính mỗi năm có 1 triệu người Trung Quốc chết vì những bệnh liên quan tới hút thuốc. Con số này có thể tăng tới gấp đôi vào năm 2020. Mỗi năm, Chính phủ Trung Quốc phải chi trên 252 tỷ nhân dân tệ (37 tỷ USD) cho việc điều trị bệnh, chữa cháy và xử lý ô nhiễm môi trường do hút thuốc lá gây ra. Số tiền này lớn hơn so với tiền thuế do ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá đóng cho nhà nước.

Vì thế, sau khi nước này ký Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, các lệnh cấm của Trung Quốc bắt đầu thực hiện. Hơn 150 thành phố ở Trung Quốc đã có những quy định hạn chế hút thuốc lá, trong đó Bắc Kinh là nơi đầu tiên cấm hút thuốc ở hầu hết địa điểm công cộng.  Không những thế, chính quyền Trung Quốc còn tăng cường mạnh việc cấm hút thuốc lá nơi cộng cộng bằng cách mở rộng các khu vực bị cấm. Cụ thế, với quy định mới đây, sẽ có thêm 7 thành phố thủ phủ của các tỉnh sẽ áp dụng lệnh cấm hút thuốc tại các tụ điểm công cộng như trường học, bệnh viện, công sở, nhà ga… Các thành phố thủ phủ được cho vào lệnh cấm lần này là các thành phố xa xôi hơn hoặc chưa có điều kiện để cấm trong những lần trước. "Mục tiêu của chúng tôi là 100% bầu không khí ở các tụ điểm công cộng sẽ không có bóng dáng khói thuốc", Qu Yan, chuyên viên từ Trung tâm phòng chống bệnh dịch quốc gia Trung Quốc phát biểu. Bộ Y tế Trung Quốc đươc giao trọng trách phối hợp làm việc với các ban ngành khác để ngăn chặn quảng cáo thuốc lá trái phép, đặc biệt là những quảng cáo nhắm tới thanh niên hút thuốc.

Kết quả điều tra cho thấy khoảng 55% bác sĩ và nhân viên y tế ở Trung Quốc hút thuốc lá. Vậy nên, ngay trong tháng đầu tiên của năm mới 2010, Bộ Y tế Trung Quốc đã ra quyết định thành lập đội đặc nhiệm tiến hành các cuộc kiểm tra đột xuất tại các đơn vị y tế trong toàn quốc, bao gồm bệnh viện và các cơ sở y tế, nhằm triệt để thi hành lệnh cấm hút thuốc lá với chỉ tiêu đặy ra là đến cuối năm nay, khoảng 50% đơn vị y tế trên toàn quốc không có khói thuốc lá và phấn đấu đạt mức 100% vào năm 2011. Những người vi phạm quy định sẽ bị nêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng và bị xử lý hành chính. Bên cạnh đó, Bộ Y tế Trung Quốc yêu cầu các đơn vị y tế trên cả nước tăng cường giáo dục bệnh nhân cũng như đội ngũ nhân viên y tế hiểu rõ về sự độc hại của thuốc lá. Những tấm biển "Cấm hút thuốc lá" được đặt tại các nơi tập trung đông người và việc thành lập các nhóm kiểm tra nhằm triệt để loại bỏ khói thuốc lá bên trong các đơn vị y tế.

Liên đới và phạt nặng

Chuyện cấm thuốc lá ở Trung Quốc là vậy, còn các quốc gia khác trên thế giới thi sao? Bởi, thông tin cho thấy khá nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công với việc cấm triệt để hút thuốc lá nơi công cộng theo đúng xu hướng của thế giới hiện đại. Tại nhiều quốc gia Châu Âu như Na Uy việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng đã khởi động được vài năm (từ tháng 6-2004). Đầu tiên, việc cấm đoán nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe của những người làm việc trong quán bar và khách sạn khỏi bị các tác hại của khói thuốc. Chính vì thế, nếu không tuân thủ lệnh cấm, các chủ bar và khách sạn phải chịu mức phạt rất nặng. Cũng tương tự, điều luật cấm hút thuốc lá nơi công cộng được Đức triển khai từ giữa năm 2008. Không chỉ ở nhà ga, bến xe, phương tiện giao thông công cộng, người dân còn bị cấm hút thuốc ở nhà hàng, quán bar. Do đó chỉ có thể hút thuốc ở nhà riêng, trong ôtô cá nhân và một số địa điểm cho phép. Ngoài ra, người hút thuốc cũng có thể đến câu lạc bộ đặc biệt dành riêng cho người hút thuốc với những tiêu chuẩn khá nghiêm ngặt.

Còn ở các quốc gia Châu Á, thì mức phạt của Sinhgapor là cao nhất. Mức phạt tối đa dành cho người vi phạm lệnh cấm hút thuốc nơi công cộng lên đến 1.000 đôla Singapore (khoảng 900 USD). Năm 1989, Singapore cấm hút thuốc lá tại các quán ăn có máy lạnh. Đến tháng 7-2006, Singapore tiếp tục cấm hút thuốc lá tại các quán ăn không có máy lạnh (tiệm cà phê, căn tin…). Hầu hết người dân đều nghiêm chỉnh thực hiện lệnh cấm này. Để thực hiện lệnh cấm, những quán ăn có máy lạnh không bố trí khu vực dành riêng cho người hút thuốc. Riêng các quán ăn không có máy lạnh, chủ quán được phép dùng 20% diện tích khu vực ngoài trời để làm nơi hút thuốc.

Nhật cấm hút thuốc lá nơi công cộng từ năm 2004 và bệnh viện, trường học là những nơi bị cấm triệt để. Người vi phạm có thể bị phạt 2.000 yen (khoảng nửa triệu đồng VN). Chính phủ Nhật đánh thuế cao đối với thuốc lá (một gói thuốc rẻ nhất ở Nhật có giá tương đương 70.000 đồng VN) và khuyến khích người hút thuốc nên chọn những loại thuốc có hàm lượng nicotin thấp. Các bao thuốc bán trên thị trường đều phải ghi rõ hàm lượng nicotin trong mỗi điếu thuốc. Áp lực xã hội ở Nhật giữ vai trò quan trọng đối với những người có thói quen hút thuốc bừa bãi. Nếu hút thuốc không đúng nơi quy định, người hút sẽ nhận được những ánh mắt khác thường từ những người xung quanh. Ở một xã hội mà tính kỷ luật được đề cao như Nhật thì việc phải nhận những ánh mắt như thế còn nặng nề hơn nhiều so với việc bị phạt tiền...

Việt Nam học được kinh nghiệm gì?

Tại Việt Nam, với Quyết định 1315/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá và từ 1/1/2010, Việt Nam đã bắt đầu cấm hút thuốc ở lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng... Quy định vậy, thế nhưng qua thực tế triển khai lệnh cấm đã cho thấy nhiều bất cập. Về mặt khách quan, tại Việt Nam việc tồn tại của các hàng nước là không thể kiểm soát. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không thể kiểm soát hành vi bán cho người dưới 18 tuổi và hút thuốc nơi công cộng. Mặt chủ quan, chính những quy định của pháp luật đã cho thấy nhiều hạn chế. Đơn cử như, quy định đội ngũ giám sát và xử phạt hành vi hút thuốc nơi công cộng phải là những người thường xuyên có mặt tại những nơi cấm hút thuốc lá, thế nhưng, việc triển khai đã và đang gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, trong ngành giao thông, tuy nhà ga, bến xe, bến tàu, phương tiện giao thông công cộng là những nơi sẽ cấm tuyệt đối việc hút thuốc lá nhưng theo ông Nguyễn Xuân Hào – Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải việc triển khai chắc chắn đang rất khó vì gặp các đối tượng chống đối, phi tang bằng chứng khiến thanh tra giao thông xử phạt. Bên cạnh đó, đội ngũ thanh tra giao thông đâu đã đủ để có thể rải người đảm đương thêm cả việc “canh người hút thuốc lá” này.

Mặt khác, theo Điểm a, Khoản 1, Điều 16 Nghị định số 45/2005/NĐ-CP từ năm 2005 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, thì các hành vi “Hút thuốc lá, thuốc lào ở nơi công cộng như: trong rạp hát, rạp chiếu phim, phòng họp, phòng làm việc, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng, trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc ở những nơi công cộng khác có quy định cấm” sẽ bị “cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng”. Tuy nhiên, trên thực tế quy định này gần như "có cũng như không”. Bởi lẽ tuy trong Nghị định  có đề cập đến thanh tra y tế có thể xử phạt, nhưng thực tế thanh tra y tế của nước ta không có được bao nhiêu người có mặt ở những nơi công cộng như: nhà ga, bến tàu, bến xe, trường học, các cơ sở y tế…Trong khi đó hút thuốc lá lại là một hành vi rất khó có và lưu giữ được bằng chứng vì thời gian một người để hút hết điếu thuốc hoặc châm lên rít vài hơi cho đã cơn thèm, không hề nhiều nhặn gì. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia pháp lý lẫn y tế, điểm mấu chốt quan trọng khiến cho Điểm a, Khoản 1, Điều 16 Nghị định số 45 thất bại chính là việc thiếu quy định rõ ràng đội ngũ giám sát và xử phạt phải là những người thường xuyên có mặt tại những nơi cấm hút thuốc lá này...

Bên cạnh đó, tuy Nghị định có quy định người hút thuốc lá tại nơi công cộng sẽ bị xử phạt và kèm theo mức phạt cụ thể nhưng cơ chế để ràng buộc người bị phạt bắt buộc phải đến kho bạc nộp phạt (tương tự như trong vi phạm giao thông hiện nay) thì hoàn toàn không có. Vậy thì khác gì “thả gà ra mà đuổi”. Mặt khác, vấn đề tiền xử phạt phải được thu như thế nào, tiền thu được được sử dụng ra sao, chưa được  quy định rõ (cách tốt nhất là tái đầu tư cho công cuộc chống hút thuốc lá) thì việc thực hiện ắt sẽ còn nhiều lấn cấn.

Từ thực tế trên, có thể thấy, để lệnh cấm hút thuốc lá nơi công cộng được triển khai một cách triệt để thì Việt Nam cần phải học tập nhiều kinh nghiệm của các quốc gia đi trước và đã thành công. Những kinh nghiệm đó có thể là bổ sung thêm chế tài xử phạt, tăng cao mức phạt, có những quy định cứng rắn về mặt đạo đức xã hội khiến cho người hút thuốc phải suy nghĩ, cân nhắc trước khi hút... Có thể, bên cạnh lệnh cấm, phải tuyên truyền, cũng cần giáo dục cho mọi người hiểu rõ tác hại của thuốc lá để họ có thể tránh sử dụng. Song song với đó là tăng cường tính thực thi các quy định pháp luật để mọi người đều cần phải hiểu rằng Quyết định 1315 bảo vệ họ về mặt nào, họ phải tôn trọng những quy định của Quyết định này thế nào và họ có thể được hưởng lợi những gì. Hay nói như bà Bà Sandra Mullin - Phó Chủ tịch cao cấp, phụ trách truyền thông - Quỹ Lá phổi thế giới: “Thông tin tuyên truyền phải rõ ràng và Chính phủ phải nghiêm khắc trong việc thực hiện các quy định liên quan đến cấm hút thuốc lá và xử phạt triệt để những hành vi vi phạm, có như vậy người dân Việt Nam mới được hít thở không khí trong lành hơn ở nơi công cộng”

Trường Khanh

Cần thiết ban hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá

Để hạn chế tối đa tác hại của thuốc lá gây ra đối với sức khỏe con người thì việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá là cần thiết. Hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đang được xây dựng. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia pháp lý lẫn chuyên gia y tế để ra được luật này thì cần phải xem xét, đánh giá rất kỹ lưỡng nhiều mặt. Vì trong luật sẽ gồm rất nhiều quy định liên quan như: tăng thuế thuốc lá, chống quảng cáo, khuyến mại, tài trợ… Ngoài ra, để ra được Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cũng phải có những cơ sở khoa học, lý luận vững chắc. Muốn vậy thì cần phải có những điều tra, nghiên cứu về tác hại của thuốc lá mang tính thuyết phục. Dự kiến, vào cuối năm 2010, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá sẽ trình Quốc hội xem xét và ban hành.

Ấn Độ cấm bán thuốc lá gần  trường học

Lệnh cấm hút và quảng cáo thuốc lá cho dù trực tiếp hay gián tiếp ở những nơi công cộng tại Ấn Độ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 2-5-2004. Theo đó, Ấn Độ cấm tất cả phương tiện truyền thông đại chúng quảng cáo các sản phẩm thuốc lá, ngoại trừ ở những điểm bán thuốc lá. Hút thuốc ở những nơi công cộng như đường phố, xe buýt, tàu, khách sạn, sân bay và chợ sẽ bị cấm. Những người vi phạm có thể bị phạt 200 rupee (khoảng 3 USD). Nước này cũng cấm bán thuốc lá gần các viện nghiên cứu hay các trường học. Sau khi có lệnh cấm, nhiều trường đại học đã tổ chức cai nghiện cho các giảng viên, sinh viên…