Thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Sự tụt hậu của chỉ số bền vững môi trường của Việt Nam (Bài I)

01/02/2010
Thời gian qua, chỉ số bền vững môi trường của Việt Nam (ESI) còn thua rất nhiều nước khác trong cùng khu vực châu Á. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam và chỉ số xếp hạng quá thấp trên là những tồn tại, bất cập trong hoạt động thực thi pháp luật hiện hành nhằm bảo vệ môi trường.

Ban hành nhiều, nhưng không phổ biến

Năm 2005, Luật Bảo vệ môi trường được ban hành ở Việt Nam. So với đạo luật năm 1993, thì Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã được sửa đổi, bổ sung nhiều quy định quan trọng. Thế nhưng, cũng trong cùng năm 2005, chỉ số ESI của Việt Nam chỉ đạt 42.,3 điểm và đứng thứ 8 trong khối Asean.

Sau một thời gian thực hiện, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã cho thấy không những đạo luật chưa khẳng định được vị trí của mình trong hệ thống pháp luật trong nước mà còn không xử lý được mối quan hệ giữa đạo luật với các luật cùng ngành như Luật Đất đai, Tài nguyên nước, Khoáng sản... và các luật khác có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp...Tại sao lại như vậy? Theo Tiến sĩ Phạm Văn Lợi – Viện trưởng Viện Khoa học quản lý môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính sự chung chung, mâu thuẫn, chồng chéo của một số nhóm quy phạm quan trọng trong Luật Bảo vệ môi trường là nguyên nhân tạo ra tình trạng này. Đơn cử như, mặc dù được ban hành rất nhiều nhưng các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường chưa hề được phổ biến công khai, rộng rãi đến người dân và cũng chưa có đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn  môi trường áp dụng cho từng lĩnh vực đặc thù. Bên cạnh đó, sự phân biệt trong việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường giữa các dự án đầu tư và các cơ sở đang hoạt động cũng thiếu. Cũng theo TS Phạm Văn Lợi, đánh giá tác động môi trường là hoạt động rất quan trọng và không thể thiếu trong tiến trình bảo vệ môi trường. Thế nhưng, nhóm quy phạm quy định về hoạt động này trong luật lại không hề tạo điều kiện cho người dân tham gia công tác đánh giá tác động môi trường hoặc có chăng chỉ tham gia dưới góc độ rất hình thức. Quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết trong báo cáo đánh giá cũng thiếu chế tài để ràng buộc để nhằm được thực hiện thường xuyên...

Chưa giải quyết được vướng mắc cơ bản

Năm 1999, trong Bộ luật Hình sự nhóm hành vi liên quan đến xâm hại môi trường đã được quy định với những chế tài xử phạt cụ thể và đến năm 2009, các điều luật này lại tiếp tục được sửa đổi cho phù hợp với thực tế hơn. Thế nhưng, theo nhận định của nhiều chuyên gia bảo vệ môi trường, cũng như TS Phạm Văn Lợi, dù vậy Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2009 (vừa có hiệu lực từ 1/1/2010) cũng đã cho thấy nhiều vướng mắc cơ bản vẫn chưa giải quyết được. Ví dụ như, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009 quy định chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm pháp luật hình sự mà chưa quy định đối với pháp nhân. Đây là lỗ hổng lớn của pháp luật cần phải sửa đổi, bổ sung một cách cơ bản Bộ luật Hình sự, trong đó phải thiết lập chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân nhằm xử lý về mặt hình sự các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay.

Bên cạnh đó, qua hơn 10 năm thực hiện Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009 đã có hiệu lực, nhưng chúng ta vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về 3 mức độ là “gây hậu quả nghiêm trọ ng” “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” của tội phạm môi trường. Và khi có vi phạm xảy ra cũng chưa có quy định rõ ràng để phân biệt giữa trách nhiệm khắc phục, phục hồi môi trường theo pháp luật về hành chính và trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo pháp luật về dân sự...

Không chỉ quy định rõ, Bộ luật hình sự ở một số nước trên thế giới như Singapore, Ôxtrâylia còn quy định đối với một số loại tội phạm chỉ cần thực hiện hành vi phạm tội có cấu thành hình thức là đã truy cứu trách nhiệm hình sự, hậu quả (nếu có) chỉ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự - TS Phạm Văn Lợi cho biết.

Xuân Hoa

Chồng chéo chức năng, thẩm quyền trong bảo vệ môi trường

Sự phân định thẩm quyền quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường làm một trong những nhóm quy phạm còn bất cập trong Luật Bảo vệ môi trường 2005. Theo đó, luật chưa quy định rõ ràng giữa quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường với quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên như rừng, nước, khoáng sản, dầu khí, thủy sản...Do đó, nhiều trường hợp còn xảy ra sự chồng chéo chức năng, thẩm quyền giữa các Bộ TN và MT vứoi các Bộ, ngành quản lý các thành phần khác có hoạt động quản lý liên quan đến môi trường. Trong số các Bộ ngành ấy có thể kể đến Bộ NN và PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương và kể cả Bộ KH-ĐT

Công tác thi hành pháp luật của Bộ TN-MT nói chung và lĩnh vực bảo vệ môi trường nói riêng, sẽ là một trong những nội dung của Đề án “Triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật” do Bộ Tư pháp tiến hành phối hợp cùng một số Bộ ngành, địa phương từ 1/1/2010.