Những điểm mới của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm

03/08/2010
Ngày 23 tháng 7 năm 2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm. Nghị định số 83/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/9/2010 và thay thế Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000.

Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa và pháp điển hoá các quy định của pháp luật hiện hành về đăng ký giao dịch bảo đảm đã được thực tiễn kiểm nghiệm tính đúng đắn, phù hợp trong thực tiễn; xây dựng một số quy định mới trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm của các nước có hệ thống pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm phát triển và vận dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở Việt Nam; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với các quy định hiện hành của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ luật Hàng hải, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bộ luật Dân sự và pháp luật có liên quan.

Các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm trong Nghị định số 83/2010/NĐ-CP có những điểm mới cơ bản sau đây:

1. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

Phạm vi điều chỉnh của Nghị định không bó hẹp ở việc đăng ký cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản như Nghị định số 08/2000/NĐ-CP quy định mà đã mở rộng ra việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự 2005, bao gồm cả việc đăng ký thế chấp, cầm cố, đặt cọc, ký cược, ký quỹ bằng tài sản. Bên cạnh đó việc đăng ký biện pháp bảo lãnh bằng tài sản quy định tại Nghị định số 08/2000/NĐ-CP đã được đưa ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm vì không còn phù hợp với khái niệm bảo lãnh trong Bộ luật dân sự 2005.

2. Về đối tượng đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 3)

Để thuận tiện cho cá nhân, tổ chức trong quá trình đăng ký giao dịch bảo đảm, Nghị định tập hợp, liệt kê các trường hợp đăng ký bắt buộc: thế chấp quyền sử dụng đất; thế chấp rừng sản xuất là rừng trồng; cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; thế chấp tàu biển; các trường hợp khác, nếu pháp luật có quy định (khoản 1 Điều 3) và đăng ký tự nguyện đối với trường hợp không thuộc đối tượng bắt buộc phải đăng ký (khoản 2 Điều 3).

Việc hệ thống hóa các trường hợp phải đăng ký được dựa trên cơ sở quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Nghị định số 08/2000/NĐ-CP, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, do đó bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của pháp luật hiện hành.

Đồng thời xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, tôn trọng thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự, Nghị định mới đã lược bỏ trường hợp “thế chấp một tài sản để đảm bảo thực hiện nhiều nghĩa vụ” phải đăng ký giao dịch bảo đảm được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP.

3. Thời hạn có hiệu lực của đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 6)

Nghị định số 83/2010/NĐ-CP đã đưa ra quy định chung về thời hạn có hiệu lực của đăng ký giao dịch bảo đảm, là thời hạn được tính từ thời điểm đăng ký cho đến thời điểm xóa đăng ký theo đơn của người yêu cầu xóa đăng ký.

Quy định này đã khắc phục được hạn chế của Nghị định số 08/2000/NĐ-CP  trong đó quy định việc đăng ký giao dịch bảo đảm có giá trị trong 05 năm, kể từ ngày đăng ký, trừ trường hợp các bên có yêu cầu xoá đăng ký trước thời hạn hoặc có yêu cầu đăng ký gia hạn. Như vậy, các bên tham gia giao dịch sẽ chủ động thực hiện việc xóa đăng ký mà không phải thực hiện thủ tục đăng ký gia hạn hoặc xóa đăng ký trước hạn.

4. Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 7)

Nghị định số 08/2000/NĐ-CP quy định thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký nhận đơn hợp lệ. Tuy nhiên, để đảm bảo tính đồng bộ và không trái với các văn bản có giá trị pháp lý cao hơn (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam) đồng thời đáp ứng mục tiêu cơ bản của hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm là công khai hoá thông tin về giao dịch bảo đảm và ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm, Nghị định số 83/2010/NĐ-CP đã quy định thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm như sau:

- Trong trường hợp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ;

- Trong trường hợp tài sản bảo đảm là tàu bay, tàu biển thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm thông tin về giao dịch bảo đảm được ghi vào trong Sổ đăng bạ tàu bay, Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam;

- Trong trường hợp tài sản bảo đảm là các tài sản khác (động sản) thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm nội dung của đơn yêu cầu đăng ký được nhập vào cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.

5. Về trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm

Nghị định đã đưa ra các quy định chung về thủ tục tiếp nhận hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm, thời hạn giải quyết và trả kết quả đăng ký giao dịch bảo đảm. Đồng thời, xuất phát từ một số điểm đặc thù của mỗi loại đăng ký giao dịch bảo đảm, Nghị định đã quy định riêng về thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và các tài sản khác.

Về phương thức nộp hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm: so với quy định hiện hành, Nghị định mới đã bổ sung phương thức nộp hồ sơ qua các phương tiện điện tử (Điều 16).

Về thời hạn giải quyết hồ sơ: Nghị định số 83/2010/NĐ-CP đã quy định thống nhất thời hạn giải quyết hồ sơ đối với tất cả các loại tài sản, theo đó Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có trách nhiệm giải quyết hồ sơ đăng ký, đăng ký thay đổi, đăng ký thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, sửa chữa sai sót về đăng ký giao dịch bảo đảm, xoá đăng ký giao dịch bảo đảm trong ngày nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ; nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ, thì hoàn thành việc đăng ký ngay trong ngày làm việc tiếp theo; trong trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký thì cũng không quá 03 ngày làm việc (khoản 1 Điều 18).

Về hồ sơ thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất: so với quy định của pháp luật hiện hành, Nghị định số 83/2010/NĐ-CP đã quy định về thành phần hồ sơ đăng ký theo hướng đơn giản hóa, loại bỏ những giấy tờ không cần thiết để tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi cho người đăng ký.

Đồng thời xuất phát từ yêu cầu của thực tế, thiết lập hành lang pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong quá trình đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, Nghị định đã bổ sung các quy định về hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký cầm cố, thế chấp tàu bay (Điều 23), đăng ký thay đổi nội dung thế chấp tàu biển đã đăng ký (Điều 25), đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản thế chấp tàu biển (Điều 26).

Về trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và các tài sản khác, Nghị định đã pháp điển hóa các quy định còn phù hợp tại các Thông tư hướng dẫn về đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các loại tài sản này.

6. Về đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm

 Nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ công, từ Điều 38 đến Điều 40 của Nghị định đã quy định một số vấn đề chung về thủ tục đăng ký trực tuyến phù hợp với Luật Giao dịch điện tử. So với Nghị định số 08/2000/NĐ-CP thì nội dung đăng ký trực tuyến hoàn toàn mới và mang tính “đột phá”, phù hợp với chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước, cũng như tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Nghị định số 83/2010/NĐ-CP đã thiết lập quy định pháp lý cho việc đăng ký giao dịch bảo đảm như giá trị pháp lý của đơn yêu cầu đăng ký trực tuyến (khoản 2 Điều 38), tài khoản đăng ký trực tuyến (Điều 39), hoạt động của hệ thống đăng ký trực tuyến (Điều 40).

7. Cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm

Các điều từ Điều 41 đến Điều 44 quy định các nội dung về quyền tìm hiểu thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; các phương thức tra cứu, tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm; thời hạn giải quyết đơn yêu cầu cung cấp thông tin và các trường hợp cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm được quyền từ chối cung cấp thông tin.

Nghị định số 08/2000/NĐ-CP chưa nêu rõ các trường hợp từ chối cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm. Vấn đề này đã được Nghị định số 83/2010/NĐ-CP  quy định tại khoản 1 Điều 43 với 03 trường hợp cơ quan đăng ký từ chối cung cấp thông tin khi: yêu cầu cung cấp thông tin tại cơ quan không có thẩm quyền cung cấp thông tin; đơn yêu cầu cung cấp thông tin không hợp lệ; người yêu cầu cung cấp thông tin không nộp phí cung cấp thông tin;

Về thời hạn giải quyết đơn yêu cầu cung cấp thông tin là trong ngày nhận hồ sơ hợp lệ, trường hợp kéo dài thì không quá 03 ngày (Điều 44).

8. Trách nhiệm quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm và cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm

Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, Nghị định số 83/2010/NĐ-CP đã quy định cụ thể nội dung quản lý nhà nước và trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm.

So với Nghị định số 08/2000/NĐ-CP, thì nội dung quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm tại Nghị định số 83/2010/NĐ-CP có những điểm mới như:

- Cụ thể hóa nội dung quản lý nhà nước và nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành trong quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 45, Điều 46).

- Nghị định đã bổ sung vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

- Quy định về trách nhiệm của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ đăng ký (Điều 48, 49, 50).

- Giao Sở Tư pháp giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm ở địa phương (khoản 5 Điều 46).

- Quy định cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin về tài sản bảo đảm giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với các tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng và đăng ký lưu hành tài sản (Điều 51).

Phạm Ngọc Thắng - Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm