Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015

27/07/2010
Ngày 12/7/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1073/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu đạt được vào năm 2015 là:

Tất cả doanh nghiệp lớn tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với doanh nghiệp. Trong đó: 100% doanh nghiệp sử dụng thường xuyên thư điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; 70% doanh nghiệp tham gia các trang thông tin điện tử bán hàng; 20% doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh.

Tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp với doanh nghiệp. Trong đó: 100% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động SX, KD; 45% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử; 30% doanh nghiệp tham gia các website thương mại điện tử.

Bước đầu hình thành các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng. Trong đó: 70% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 50% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ của các hộ gia định qua phương tiện điện tử; 30% cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ như vận tải, văn hoá, thể thao và du lịch phát triển các kênh giao dịch điện tử phục vụ người tiêu dùng.

Phần lớn dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất dinh doanh được cung cấp trực tuyến. Trong đó: Cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 trở lên 80% dịch vụ công liên quan tới XNK trước năm 2013, 40% đạt mức 4 vào năm 2015; Cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên dịch vụ thủ tục hải quan điện tử trước năm 2013; Cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 trở lên các dịch vụ liên quan tới thuế, bao gồm khai nộp thuế trị giá gia tăng và thuế thu nhập cá nhân trước năm 2013; Cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên các thủ tục đăng ký kinh doanh và đầu tư trước năm 2013, bao gồm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện; Cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên 50% các dịch vụ công liên quan tới thương mại và hoạt động sản xuất kinh doanh trước năm 2014, đến hết năm 2015 có 20% đạt mức độ 4.

Một trong những nội dung cần thực hiện của Kế hoạch này là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử, bao gồm: các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới việc thừa nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử; văn bản quy phạm pháp luật quy định kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử là một ngành, nghề kinh doanh có mã đăng ký riêng; Các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật ưu đãi về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử và khuyến khích người tiêu dùng mua bán trực tuyến. Các quy định về mã sản phẩm và trị giá tính thuế hải quan đối với XK,NK các sản phẩm số hoá phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế của VN; Văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng; Văn bản quy phạm pháp luật về quản lý website thương mại điện tử; Văn bản pháp luật về an toàn thông tin trong giao dịch thương mại điện tử và các văn bản quy phạm pháp luật khác như sở hữu trí tuệ....

Phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng các ngành sản xuất và dịch vụ chính. Đẩy mạnh đào tạo chính quy về thương mại điện tử;

Cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng các cam kết quốc tế về thương mại không giấy tờ trong các lĩnh vực: thuế, hải quan, XNK, đầu tư, đăng ký kinh doanh và các dịch vụ công khác liên quan trực tiếp tới hoạt động SXKD; Cung cấp trực tuyến thông tin về thị trường nước ngoài bằng tiếng Việt cho các doanh nghiệp VN và thông tin về thị trường VN cho các doanh nghiệp nước ngoài bằng tiếng Anh và một số tiếng nước ngoài phổ biến khác; Trao đổi các chứng từ điện tử liên quan tới hoạt động quản lý XNK hàng hoá và dịch vụ với nước ngoài và cung cấp thông tin về các dự án sử dụng nhà nước, thông tin về đấu thầu trong mua sắm chính phủ và từng bước tiến hành đấu thầu mua sắm chính phủ trực tuyến...

Phát triển và ứng dụng công nghệ, dịch vụ thương mại điện tử gồm: Ban hành các chính sách, biện pháp khuyến khích đầu tư phát triển và chuyển giao công nghệ hỗ trợ thương mại điện tử; Phát triển các dịch vụ tích hợp dựa trên công nghệ tiên tiến; Ban hành và phổ biến các tiêu chuẩn, quy chuẩn sử dụng trong thương mại điện tử; Phát triển các hoạt động thương mại dựa trên công nghệ thẻ trong các dịch vụ giao thông công cộng, phân phối, văn hoá, thể thao, giải trí, du lịch; Triển khai các hoạt động về an toàn thông tin trong giao dịch thương mại điện tử theo các mục tiêu, giải pháp trong quy hoạch phát triển an toàn thông tin số quốc gia.

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thương mại điện tử tại các địa phương. Xây dựng lực lượng cán bộ có chuyên môn đáp ứng được công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử ở Trung ương và địa phương. Xây dựng cơ chế, bộ máy phù hợp và triển khai hoạt động thống kê về thương mại điện tử và các hoạt động hỗ trợ thương mại điện tử; Tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh hoạt động xây dựng chính sách, chương trình, dự án tổng thể hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hiện diện trên môi trường internet... Xây dựng giải thưởng quốc gia về thương mại điện tử, đảm bảo tính đồng bộ và liên thông thông tin giữa các Bộ, ngành trong các hoạt động quản lý nhà nước liên quan đến doanh nghiệp, tiến tới hình thành các cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung cho các lĩnh vực hải quan, thuế, quản lý doanh nghiệp, quản lý hoạt động XNK, tài chính tín dụng, thống kê.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

Đức Trung