Nghị định quy định về nghiệp vụ quản lý nợ công

26/07/2010
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 về nghiệp vụ quản lý nợ công. Theo Nghị định về nghiệp vụ quản lý nợ công, Chính phủ thống nhất quản lý toàn diện nợ công thông qua 4 công cụ.

Cụ thể, các công cụ đó là: Chiến lược dài hạn về nợ công; Chương trình quản lý nợ trung hạn; Kế hoạch vay và trả nợ chi tiết hàng năm của Chính phủ; Các chỉ tiêu an toàn và giám sát nợ công:

Thứ nhất, chiến lược dài hạn về nợ công gồm các nội dung như đánh giá thực trạng nợ công và công tác quản lý nợ công trong giai đoạn thực hiện Chiến lược trước đó; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công,... Căn cứ để xây dựng chiến lược dài hạn về nợ công là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và 10 năm, các kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ cũng như các Nghị quyết, Quyết định về chủ trương huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ...;

Thứ hai, chương trình quản lý nợ trung hạn gồm các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ và cơ chế, chính sách, tổ chức quản lý nợ trong giai đoạn 3 năm liền kề để thực hiện các chỉ tiêu an toàn về nợ đã được Quốc hội xác định trong mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công;

Thứ ba, kế hoạch vay, trả nợ chi tiết hàng năm của Chính phủ có nội dung gồm: Kế hoạch vay trong nước (gồm kế hoạch huy động vốn cho ngân sách nhà nước và kế hoạch huy động vốn cho đầu tư phát triển); Kế hoạch vay nước ngoài, được thực hiện thông qua các hình thức huy động, gồm vay ODA, vay ưu đãi, vay thương mại và được chi tiết theo chủ nợ nước ngoài; Kế hoạch trả nợ, được chi tiết theo chủ nợ, có phân định trả nợ gốc và trả nợ lãi, trả nợ trong nước và trả nợ nước ngoài;

Thứ tư, là các chỉ tiêu an toàn và giám sát nợ công. Các chỉ tiêu giám sát nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia bao gồm: nợ công so với tổng sản phẩm quốc dân (GDP), nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, nợ chính phủ so với GDP...

Thành lập Quỹ tích lũy trả nợ, Quỹ này được hình thành nhằm đảm bảo khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của các khoản vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại hoặc nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước phát sinh từ các khoản bảo lãnh của Chính phủ.

Cùng với quyết nghị thành lập Quỹ này, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính thực hiện quản lý Quỹ tích lũy trả nợ với nguyên tắc bảo toàn và phát triển nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Quỹ, sử dụng nguồn vốn của Quỹ đúng mục đích, bảo đảm tập trung đầy đủ, kịp thời các nguồn thu của Quỹ.

Công khai thông tin về nợ công, Nghị định nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Tài chính công khai, cung cấp thông tin về tình hình vay, trả nợ trong nước và nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh; vay, trả nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương theo quy định thông qua hình thức phát hành Bản tin về nợ công. Bản tin về nợ công được Bộ Tài chính phát hành 6 tháng một lần bằng tiếng Việt và được dịch ra tiếng Anh dưới dạng ấn phẩm và dữ liệu trên Trang điện tử của Bộ Tài chính.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/8/2010./.

Minh Đức