Điều kiện, thủ tục thành lập và đăng ký hoạt động của văn phòng Thừa phát lại (Phần III)

03/11/2009
Việc thành lập và đăng ký hoạt động của các loại hình doanh nghiệp (DN) nói chung sẽ được thực hiện theo quy định của Luật DN năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, đối với một số loại hình DN có tính đặc thù thì bên cạnh việc áp dụng những quy định chung của pháp luật về DN sẽ còn áp dụng các văn bản pháp luật chuyên ngành tương ứng, ví dụ như việc thành lập văn phòng luật sư, công ty luật sẽ áp dụng Luật Luật sư; văn phòng công chứng sẽ áp dụng Luật Công chứng. Tương tự như vậy, văn phòng TPL là một loại hình DN mới, bên cạnh việc áp những quy định chung của pháp luật về doanh nghiệp, thì điều kiện, quy trình, thủ tục thành lập và đăng ký hoạt động của văn phòng TPL sẽ được điều chỉnh chủ yếu bởi Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan, cụ thể:

1. Khái niệm, tên gọi, tổ chức và nguyên tắc hoạt động của văn phòng TPL

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì văn phòng TPL là tổ chức hành nghề của TPL. Tên gọi văn phòng TPL phải bao gồm cụm từ “Văn phòng TPL” và phần tên riêng liền sau. Việc đặt tên riêng và gắn biển hiệu thực hiện theo quy định của pháp luật.

Tổ chức văn phòng TPL gồm:

- Trưởng văn phòng phải là TPL là người đại diện theo pháp luật của văn phòng TPL.

- TPL là thành viên sáng lập, trong trường hợp nhiều người cùng tham gia thành lập văn phòng TPL; TPL làm việc theo hợp đồng tại văn phòng TPL.

- Thư ký nghiệp vụ TPL là nhân viên văn phòng TPL giúp TPL thực hiện các công việc nghiệp vụ pháp lý. Thư ký nghiệp vụ TPL phải có các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 6 Điều 10 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP.

- Nhân viên kế toán;

- Nhân viên hành chính khác (nếu có).

Văn phòng TPL có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính. Con dấu văn phòng TPL không có hình quốc huy và do Bộ Công an quy định.

Cơ cấu tổ chức, quản lý, điều hành, chế độ tài chính của văn phòng TPL thực hiện theo quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, trong trường hợp Nghị định này không quy định thì áp dụng quy định của Luật DN. Bộ Tư pháp quy định hệ thống sổ sách, biểu mẫu nghiệp vụ, chế độ thông tin, báo cáo của văn phòng TPL[1].

2. Điều kiện, thủ tục thành lập và đăng ký hoạt động của văn phòng TPL

* Theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì việc thành lập văn phòng TPL phải có các điều kiện sau:

- Trụ sở văn phòng TPL có diện tích bảo đảm cho hoạt động, cho việc lưu trữ tài liệu và thuận tiện cho khách hàng; có các điều kiện vật chất cần thiết khác để hoạt động.

- Tổ chức bộ máy văn phòng TPL theo quy định.

* Thủ tục thành lập văn phòng TPL được quy định tại Điều 17 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- TPL thành lập văn phòng TPL phải có hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng TPL gửi Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh để trình Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Hồ sơ gồm có:

+ Đơn đề nghị thành lập văn phòng TPL;

+ Đề án thành lập văn phòng TPL, trong đó nêu rõ về sự cần thiết thành lập; dự kiến về tổ chức, tên gọi; bộ máy giúp việc, trong đó nêu rõ số lượng, chức danh, trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị của họ; địa điểm đặt trụ sở; các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện. Kèm theo đề án phải có các tài liệu chứng minh đủ điều kiện thành lập văn phòng TPL theo quy định.

+ Bản sao quyết định bổ nhiệm TPL.

- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng TPL, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh phải thẩm định trình Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xem xét, quyết định cho phép thành lập văn phòng TPL. Trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

* Thủ tục đăng ký hoạt động văn phòng TPL được quy định tại Điều 18 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Điều kiện để đăng ký hoạt động văn phòng TPL:

+ Phải mở tài khoản và đăng ký mã số thuế;

+ Phải ký quỹ 100 triệu đồng cho mỗi TPL hoặc có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Việc ký quỹ được thực hiện tại tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;

+ Các tài liệu chứng minh điều kiện thành lập hoạt động của văn phòng TPL.

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thành lập, văn phòng TPL phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh. Khi đăng ký hoạt động phải có đơn đăng ký hoạt động và giấy tờ chứng minh điều kiện để đăng ký hoạt động văn phòng TPL.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được các giấy tờ đăng ký hoạt động, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy đăng ký hoạt động của văn phòng TPL; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Văn phòng TPL được hoạt động kể từ ngày Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy đăng ký hoạt động.

- Khi thay đổi trụ sở, tên gọi hoặc danh sách TPL, văn phòng TPL phải có thông báo ngay bằng văn bản cho Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh nơi đăng ký hoạt động. Trong trường hợp thay đổi trụ sở hoặc tên gọi, văn phòng TPL được cấp lại giấy đăng ký hoạt động.

- Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy đăng ký hoạt động hoặc cấp lại giấy đăng ký hoạt động do thay đổi trụ sở, tên gọi của văn phòng TPL, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh phải thông báo bằng văn bản cho Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh, Cơ quan thống kê, Công an thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân cấp huyện tại thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi văn phòng TPL đặt trụ sở.

- Người thành lập văn phòng TPL không được chuyển nhượng, cho thuê lại văn phòng TPL.

* Việc đăng báo nội dung đăng ký hoạt động của văn phòng TPL được thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, như sau:

- Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp giấy đăng ký hoạt động, văn phòng TPL phải đăng báo trung ương hoặc báo địa phương nơi đăng ký hoạt động trong ba số liên tiếp về những nội dung sau đây:

+ Tên gọi, địa chỉ trụ sở của văn phòng TPL;

+ Họ, tên, số quyết định bổ nhiệm TPL hành nghề trong văn phòng TPL;

+ Số, ngày, tháng, năm cấp giấy đăng ký hoạt động, nơi đăng ký hoạt động và ngày bắt đầu hoạt động.

- Trong trường hợp được cấp lại giấy đăng ký hoạt động do thay đổi trụ sở, tên gọi, văn phòng TPL phải đăng báo những nội dung giấy đăng ký hoạt động được cấp lại theo quy định.

Theo kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm chế định TPL tại TP.HCM thì trong giai đoạn đầu sẽ thí điểm 5 văn phòng TPL đặt tại 5 quận của thành phố Hồ Chí Minh (quận 1, quận 5, quận 8, quận Tân Bình, quận Bình Thạnh).

* Văn phòng TPL nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Tùy tính chất và mức độ vi phạm, văn phòng TPL có thể bị xử lý bằng một trong các hình thức sau:

+ Tạm đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 03 tháng đến 12 tháng;

+ Đình chỉ hoạt động và thu hồi quyết định cho phép thành lập văn phòng TPL.

- Việc vi phạm của văn phòng TPL có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

- Thẩm quyền xử lý vi phạm:

+ Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh có thẩm quyền xử lý vi phạm với hình thức tạm đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 03 tháng đến 12 tháng;

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có quyền xử lý vi phạm với hình thức đình chỉ hoạt động và thu hồi quyết định cho phép thành lập văn phòng TPL.

3. Giải thể, chấm dứt hoạt động của văn phòng TPL

Điều 50 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định về việc xử lý các vấn đề khi giải thể, chấm dứt hoạt động của văn phòng TPL như sau:

- Việc xử lý trách nhiệm vật chất thực hiện theo quy định của pháp luật DN.

- Hồ sơ THADS được chuyển cho Cơ quan THADS thành phố Hồ Chí Minh bảo quản theo chế độ lưu trữ hồ sơ THADS. Vi bằng và các tài liệu liên quan được chuyển cho Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh lưu trữ.

Ngoài quy định của Luật DN và Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, Thông tư số 03/2009/TT-BTP ngày 30/9/2009 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP đã hướng dẫn giải quyết một số vấn đề phát sinh khi văn phòng TPL giải thể, chấm dứt hoạt động như sau:   

- Trường hợp tự giải thể:

Văn phòng TPL phải có phương án giải thể gửi Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đồng ý của Sở Tư pháp thì tiến hành các thủ tục:

+ Thanh lý các hợp đồng theo quy định của pháp luật;

+ Tiếp tục đăng ký các vi bằng đã được lập tại Sở Tư pháp;

+ Đối với việc trực tiếp thi hành án thì thực hiện theo quy định tại khoản 5, Mục II của Thông tư số 03/2009/TT-BTP[2].

- Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định đình chỉ hoạt động thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định về việc chấm dứt hoạt động, văn phòng TPL phải thực hiện các nội dung nêu tại các điểm a, b và c khoản 1 Mục III Thông tư số 03/2009/TT-BTP[3].

- Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đôn đốc, theo dõi thực hiện các công việc khi văn phòng TPL giải thể, chấm dứt hoạt động. (Còn nữa).

Nguyễn Quang Minh


      [1] Xem các sổ theo dõi nghiệp vụ (Phụ lục 1), các mẫu hợp đồng thực hiện công việc (Phụ lục 2), các mẫu quyết định, giấy báo (Phụ lục 3) ban hành kèm theo Thông tư số 03/2009/TT-BTP ngày 30/9/2009 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh (Thông tư số 03/2009/TT-BTP).  

      [2] 5. Trường hợp vụ việc chưa thi hành xong nhưng người yêu cầu đề nghị văn phòng Thừa phát lại chấm dứt việc thi hành thì xử lý như sau:

a) Nếu người được thi hành án có văn bản yêu cầu không tiếp tục việc thi hành án thì Trưởng văn phòng Thừa phát lại ra quyết định đình chỉ thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích người thứ ba theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật thi hành án dân sự. Các bên cùng nhau thanh lý hợp đồng và giải quyết các vấn đề phát sinh. Khoản tiền, tài sản đã thu được trả lại cho người phải thi hành án.

b) Nếu người được thi hành án đề nghị chấm dứt hợp đồng thì các bên cùng nhau thanh lý hợp đồng và giải quyết các vấn đề phát sinh. Khoản tiền, tài sản đã thu được xử lý theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

c) Thu hồi quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án; chấm dứt hợp đồng ủy quyền bán đấu giá, giải tỏa việc ngăn chặn; phong tỏa, kê biên tài sản, tài khoản và các văn bản liên quan khác (nếu có). Đối với vụ việc do Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định cưỡng chế thi hành án thì văn phòng Thừa phát lại có văn bản đề nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh thu hồi quyết định cưỡng chế thi hành án. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh phải ra quyết định thu hồi quyết định cưỡng chế thi hành án trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của văn phòng Thừa phát lại.

d) Trong quá trình thanh lý hợp đồng, nếu có tranh chấp thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.

[3] “1. Trường hợp tự giải thể:

Văn phòng Thừa phát lại phải có phương án giải thể gửi Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đồng ý của Sở Tư pháp thì tiến hành các thủ tục:

a. Thanh lý các hợp đồng theo quy định của pháp luật;

b. Tiếp tục đăng ký các vi bằng đã được lập tại Sở Tư pháp;

c. Đối với việc trực tiếp thi hành án thì thực hiện theo quy định tại khoản 5, Mục II của Thông tư này”.

__________________________________

Bài viết có liên quan:

Giới thiệu những quy định mới về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh

Quy định mới về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm Thừa phát lại (Phần II)