Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý THADS, cơ quan THADS và công chức làm công tác THADS

11/09/2009
Ngày 09/9/2009 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự.

Nghị định này gồm 4 chương 55 điều, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Bố cục và nội dung chính của Nghị định:gồm các vấn đề sau:

Chương I, Những quy định chung

Chương này có 13 điều ( từ điều 1 đến điều 13) quy định :

Về phạm vi điều chỉnh;

Về Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, cụ thể

- Ở Trung ương: Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan quản lý thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp;

-  Ở cấp tỉnh: Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Cục Thi hành án dân sự tỉnh) là cơ quan thi hành án dân sự trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự;

- Ở cấp huyện: Chi cục Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Chi cục Thi hành án dân sự huyện) là cơ quan thi hành án dân sự huyện trực thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Chi cục Thi hành án dân sự huyện  gọi chung là cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

Tổng cục Thi hành dân sự, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Chi cục Thi hành án dân sự có tư cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy, trụ sở và tài khoản riêng.

Vị trí chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, cán bộ của Tổng cục thi hành án dân sự;

Vị trí, chức năng và cơ cấu tổ chức, cán bộ của Cục thi hành án dân sự tỉnh;

Vị trí, chức năng và cơ cấu tổ chức, cán bộ của Chi Cục thi hành án dân sự huyện;

Về Hệ thống tổ chức thi hành án trong quân đội;

Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, cán bộ của Cục thi hành án Bộ Quốc phòng;

Vị trí chức năng, và cơ cấu tổ chức, cán bộ của Phòng thi hành án cấp quân khu;

Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân và các tổ chức có liên quan trong thi hành án dân sự.

Chương II, Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự

Chương này có 03 mục và 20 Điều (từ Điều 14 đến Điều 33), cụ thể:

Mục 1, Quy định về trình tự thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, biệt phái chấp hành viên, như:

Bổ nhiệm và thi tuyển Chấp hành viên

Điều kiện tham dự thi tuyển Chấp hành viên;

Xác định tiêu chuẩn và bổ nhiệm Chấp hành viên trong một số trường hợp đặc biệt;

Sơ tuyển và cử người tham dự thi tuyển Chấp hành viên;

Hồ sơ đề nghị tham dự thi tuyển Chấp hành viên;

Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ Chấp hành viên;

Thành lập Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên;

Bổ nhiệm Chấp hành viên;

Trình tự, thủ tục miễn nhiệm Chấp hành viên;

Cách chức chức danh Chấp hành viên;

Điều động, luân chuyển, biệt phái Chấp hành viên

Mục 2, Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái thẩm tra viên thi hành án. Gồm các điều về:

Thẩm tra viên thi hành án

Nhiệm vụ, quyền hạn; Trách nhiệm của thẩm tra viên thi hành án.

Bổ nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch thẩm tra viên thi hành án.

Điều động, luân chuyển, biệt phái thẩm tra viên thi hành án.

Mục 3, Quy định về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, cách chức Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án. gồm các điều về:

Tiêu chuẩn Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự;

Trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, cách chức Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự;

Thời hạn giữ chức vụ Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự.

Chương III, Thẻ, công cụ hỗ trợ, trang phục, phù hiệu, cấp hiệu và chế độ đối với chấp hành viên, thẩm tra viên, công chức làm công tác thi hành án dân sự

Chương này có 14 Điều (từ Điều 34 đến Điều 47) quy định về Thẻ Chấp hành viên, Thẩm tra viên thi hành án; Đối tượng và loại công cụ hỗ trợ được trang bị, sử dụng trong thi hành án dân sự; Lập Kế hoạch và trang bị công cụ hỗ trợ thi hành án; Quản lý công cụ hỗ trợ thi hành án; Lương và phụ cấp của Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án; Đối tượng được cấp phù hiệu, cấp hiệu thi hành án dân sự; Trang phục của Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án...

Chương IV: điều khoản chuyển tiếp và điều khoản thi hành.

Chương này có 02 mục và 08 Điều (từ Điều 48 đến Điều 55), cụ thể:

Mục 1, Quy định điều khoản chuyển tiếp, gồm các điều cụ thể như sau:

Điều 48: Tuyển chọn và bổ nhiệm Chấp hành viên trong trường hợp không qua thi tuyển

1. Chế độ tuyển chọn, bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển được áp dụng đối với cơ quan thi hành án dân sự có đủ các điều kiện sau đây:

a) Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, không phải là đơn vị thủ phủ của tỉnh, có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,3 trở lên, thuộc vùng sâu, vùng xa, hải đảo;

b) Người được tuyển chọn để bổ nhiệm Chấp hành viên có đơn cam kết tình nguyện công tác tại cơ quan thi hành án dân sự nêu tại khoản 1 Điều này từ 05 năm trở lên;

c) Thời gian áp dụng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2014.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chấp hành viên đối với các trường hợp quy định tại Điều này do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên.

2. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh sách các cơ quan thi hành án dân sự được tuyển chọn và bổ nhiệm Chấp hành viên trong trường hợp không qua thi tuyển.

Điều 49. Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên;

Điều 50. Thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương;

Điều 51: Bổ nhiệm từ ngạch Chấp hành viên huyện, Chấp hành viên tỉnh, Chấp hành viên quân khu sang ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp

1. Bộ Tư pháp thực hiện việc rà soát, đánh giá đội ngũ Chấp hành viên hiện có của cơ quan thi hành án dân sự làm cơ sở để xem xét, bổ nhiệm từ ngạch Chấp hành viên huyện, Chấp hành viên tỉnh sang ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp.

Bộ Quốc phòng thực hiện việc rà soát, đánh giá đội ngũ Chấp hành viên hiện có của cơ quan thi hành án quân khu làm cơ sở để xem xét, bổ nhiệm từ ngạch Chấp hành viên quân khu sang ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp.

2. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các trường hợp đã được bổ nhiệm vào ngạch Chấp hành viên huyện, Chấp hành viên tỉnh, Chấp hành viên quân khu theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, phải được xem xét để bổ nhiệm vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp hoặc Chấp hành viên cao cấp. Trường hợp vì lý do khách quan mà sau ngày Nghị định này có hiệu lực, các cơ quan chức năng vẫn chưa xem xét để bổ nhiệm lại  theo quy định của Luật Thi hành án dân sự  thì Chấp hành viên tiếp tục làm nhiệm vụ cũ cho đến khi có quyết định mới của cơ quan có thẩm quyền nhưng thời gian chậm nhất là ngày 30 tháng 6 năm 2010.

Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2010, các trường hợp chưa được xem xét để bổ nhiệm vào ngạch Chấp hành viên theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì phải chuyển sang làm nhiệm vụ khác, trừ trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.

3. Việc áp dụng tiêu chuẩn Chấp hành viên thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện như sau:

a) Các trường hợp được xem xét để bổ nhiệm từ ngạch Chấp hành viên huyện, Chấp hành viên tỉnh, Chấp hành viên quân khu sang ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp phải có tiêu chuẩn phù hợp với ngạch tương ứng được quy định tại Điều 18 của Luật Thi hành án dân sự nhưng không nhất thiết phải có chứng chỉ đào tạo về nghiệp vụ thi hành án;

b) Đối với trường hợp Chấp hành viên thuộc diện nợ tiêu chuẩn theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ tiếp tục được bổ nhiệm vào ngạch Chấp hành viên tương ứng theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Nếu đến ngày 30 tháng 6 năm 2010 Chấp hành viên vẫn không có trình độ Cử nhân Luật thì coi là không đủ tiêu chuẩn và phải chuyển sang làm nhiệm vụ khác.

Điều 52: Điều kiện để bổ nhiệm từ ngạch Chấp hành viên huyện, ngạch Chấp hành viên tỉnh, ngạch Chấp hành viên cấp quân khu sang ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp

1. Các trường hợp đã được bổ nhiệm Chấp hành viên huyện nếu đáp ứng đủ điều kiện để làm Chấp hành viên sơ cấp thì được xem xét để bổ nhiệm vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp.

2. Các trường hợp đã được bổ nhiệm Chấp hành viên tỉnh nếu đáp ứng đủ điều kiện để làm Chấp hành viên trung cấp thì được xem xét để bổ nhiệm vào ngạch Chấp hành viên trung cấp.

3. Đối với các trường hợp trước đây đã là Chấp hành viên cấp tỉnh nhưng do yêu cầu về tổ chức cán bộ đã được điều động và bổ nhiệm làm Chấp hành viên huyện nay nếu đáp ứng đủ điều kiện để làm Chấp hành viên trung cấp thì được xem xét để bổ nhiệm vào ngạch Chấp hành viên trung cấp.

4. Đối với những người đang ở ngạch Chấp hành viên cấp huyện có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm Chấp hành viên trung cấp thì có thể xem xét bổ nhiệm vào ngạch Chấp hành viên trung cấp khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự huyện;

b) Đạt hệ số lương từ 4,32 trở lên;

c) Đơn vị có nhu cầu bố trí làm Chấp hành viên trung cấp;

đ) Đối với những người không thuộc điểm a khoản này nhưng đã ở bậc lương cuối cùng của ngạch Chấp hành viên cấp huyện.

5. Đối với những người đang ở ngạch Chấp hành viên cấp tỉnh có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm Chấp hành viên cao cấp thì có thể xem xét bổ nhiệm vào ngạch Chấp hành viên cao cấp khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh;

b) Đạt hệ số lương từ 6,10 trở lên;

c) Đơn vị có nhu cầu bố trí làm Chấp hành viên cao cấp.

6. Đối với việc bổ nhiệm Chấp hành viên cấp quân khu sang Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp thực hiện theo quy định của Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng.

Điều 53: Bổ nhiệm lại Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự

1. Bộ Tư pháp thực hiện rà soát, đánh giá đối với Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự để xem xét, bổ nhiệm lại theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và của Nghị định này.

2. Các trường hợp đang là Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự mà chưa hết nhiệm kỳ bổ nhiệm, thì được xem xét và bổ nhiệm làm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự. Thời hạn để xem xét, bổ nhiệm lại cho lần tiếp theo tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm (cũ) cho đến khi tính đủ năm năm.

3. Người được bổ nhiệm lại làm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nêu tại khoản 2 và khoản 3 Điều này phải đáp ửng đủ tiêu chuẩn của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự quy định tại Nghị định này.

Trường hợp Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự vẫn còn trong nhiệm kỳ, nhưng do năng lực hạn chế hoặc vì lý do nào đó mà không thể đảm đương được nhiệm vụ Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thì Tổng cục trưởng Tổng Cục Thi hành án dân sự tham mưu trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm người có đủ điều kiện để thay thế.

Mục 2 quy định Điều khoản thi hành và trách nhiệm hướng dẫn thi hành.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2009 thay thế Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ./.

Xin  trân trọng giới thiệu Nghị định 74 /2009/NĐ – CP ngày 9/9/2009.

Trần Minh Phượng