Theo Nghị định, mỗi xã được bố trí 01 Phó trưởng CAX; mỗi thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc và đơn vị dân cư tương đương được bố trí 1 CA viên.
Riêng đối với xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, xã loại 1 và xã loại 2 được bố trí không quá 2 Phó trưởng CAX; đối với thôn, xóm, làng, ấp... thuộc những xã này được bố trí không quá 2 CA viên.
Trụ sở hoặc nơi làm việc của CAX được bố trí không quá 3 CA viên làm nhiệm vụ thường trực 24/24 giờ hàng ngày.
Trưởng CAX, Phó trưởng CAX được đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ của CA cấp tỉnh hoặc các trường Trung học Cảnh sát nhân dân, Trung học An ninh nhân dân.
Về chế độ, chính sách đối với CAX
CAX được hưởng chế độ lương, phụ cấp theo quy định của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn; thực hiện BHXH và BHYT theo quy định.
Trưởng CAX có thời gian phục vụ liên tục từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên mỗi năm bằng 1% lương và phụ cấp hiện hưởng.
CAX có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng (mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu đối với Trưởng CAX) thì được hưởng trợ cấp 1 lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương và phụ cấp hiện hưởng.
Khi làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu tại những nơi thuộc địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, CAX được hưởng trợ cấp mỗi ngày bằng 0,05 lần lương tối thiểu chung.
Trường hợp bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ hoặc vì lý do thi hành công vụ thì được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/10/2009 và thay thế Nghị định số 40/1999/NĐ-CP ngày 23/6/1999 của Chính phủ về CAX./.
Minh Đức