Thông tư hướng dẫn chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945

07/09/2009
Ngày 04/9/2009, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 29/2009/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945.

Đối tượng thực hiện Thông tư này gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định công nhận và người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định công nhận.

Theo quy định chế độ ưu đãi được thực hiện theo quy định tại Điều 1 và Điều 2 Nghị định số 89/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 của Chính Phủ.

Hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người hiện đang còn sống gồm: Quyết định công nhận cán bộ hoặt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 hoặc quyết định công nhận người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; Quyết định thực hiện chế độ ưu đãi của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người hoạt động cách mạng cư trú; Phiếu trợ cấp của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người đã hy sinh, từ trần gồm: Quyết định công nhận cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 hoặc quyết định công nhận người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; Bản khai đề nghị hưởng trợ cấp một lần, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong số thân nhân là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng; trường hợp không còn cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng thì người con (được các người con khác uỷ quyền) đứng ra lập bản khai; trường hợp không còn cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con thì người thờ cúng (được họ tộc uỷ quyền) đứng ra lập bản khai; Quyết định trợ cấp một lần của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người đứng khai cư trú.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ. Giám đốc Sở ra Quyết định trợ cấp, phụ cấp ưu đãi, sau đó lập phiếu trợ cấp ưu đãi, gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Người có công) các giấy tờ sau: Danh sách và bản tổng hợp; Công văn đề nghị cấp kinh phí của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi được lưu giữ tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành và thgay thế Mục I Phần I Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006; Điểm 1 Thông tư số 02/2007/TT-BLĐTBXH ngày 16/01/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đức Trung