Chủ xe cơ giới phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự

24/09/2008
Ngày 16/9/2008, Chính phủ ban hành Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với mức xử phạt vi phạm có thể lên tới 70 triệu đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm và 500.000 đồng đối với chủ xe cơ giới.

Theo Nghị định, chủ xe cơ giới phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) theo quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định. Chủ xe cơ giới không được đồng thời tham gia 2 hợp đồng bảo hiểm bắt buộc TNDS trở lên cho cùng 1 xe cơ giới.

          Nghị định cũng quy định chi tiết về phạm vi, nguyên tắc bồi thường thiệt hại, giám định thiệt hại, hợp đồng bảo hiểm, phí bảo hiểm và mức trách nhiệm bảo hiểm...

          Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

          Thời hạn thanh toán bồi thường

          Thời hạn yêu cầu bồi thường của chủ xe cơ giới là 1 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

          Trong thời hạn 5 ngày từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng), chủ xe phải gửi thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm kèm theo tài liệu quy định trong hồ sơ yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới.

          Thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới và không quá 30 ngày trong trường hợp phải xác minh hồ sơ.

          Hàng năm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trích tối thiểu 2% doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới đóng vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

          Không có giấy chứng nhận bảo hiểm, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy bị phạt 100.000 đồng

Nghị định cũng quy định rõ các hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt. Cụ thể, không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe mô tô ba bánh và các loại xe cơ giới tương tự bị phạt 100.000 đồng; người điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe cơ giới tương tự bị phạt 500.000 đồng.

          Từ chối bán bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bị phạt 50 triệu đồng, Tổng giám đốc (Giám đốc) và người liên quan của doanh nghiệp bảo hiểm bị phạt 10 triệu đồng.

          Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm, Tổng giám đốc (Giám đốc) và người liên quan của doanh nghiệp bảo hiểm bị phạt 50 triệu đồng nếu sử dụng Giấy chứng nhận bảo hiểm cấp cho chủ xe cơ giới không đúng quy định của Bộ Tài chính; bị phạt 30 triệu đồng nếu không tuân thủ thời gian bảo hiểm; bị phạt 50 - 70 triệu đồng nếu không tuân thủ mức phí bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định.

          Việc trả hoa hồng bảo hiểm không đúng đối tượng quy định bị phạt 70 triệu đồng. Cá nhân, tổ chức có hành vi trục lợi để nhận tiền bồi thường, trả tiền bảo hiểm bị phạt tiền từ 30 - 70 triệu đồng.

Lệ Hằng