Sẽ bỏ tội sử dụng trái phép chất ma tuý trong BLHS 1999

22/09/2008
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý vừa mới được Quốc hội khoá XII kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 03/6/2008 đề cập đến một vấn đề hết sức cơ bản là việc coi người nghiện ma tuý là người bệnh, là nạn nhân của tệ nạn ma tuý. Do vậy, nghiện ma tuý không phải là vi phạm mà được coi như là một căn bệnh phải điều trị. Từ đây, một vấn đề đặt ra là khi người bệnh không điều trị được khỏi bệnh (tức là người nghiện ma tuý không cai nghiện được mà vẫn phải tiếp tục sử dụng chất ma tuý) thì có bị coi là phạm tội hay không?

Ngay từ khi bắt tay vào nghiên cứu sửa đổi, bố sung Bộ luật Hình sự năm 1999, vấn đề phi hình sự hoá hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý (quy định tại Điều 199 BLHS) đã được đưa ra để bàn thảo. Một số ý kiến đề nghị vẫn nên giữ lại điều luật này vì xét ở một góc độ nào đó thì người nghiện ma tuý cũng chính là người tiếp tay cho những kẻ buôn bán ma tuý, vì "có cầu" thì mới "có cung". Hơn nữa, nếu phi hình sự hoá hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý thì e rằng tình trạng nghiện ma tuý sẽ có thêm nhiều diễn biến phức tạp, số lượng người nghiện có thể sẽ gia tăng đột biến, bởi sử dụng trái phép chất ma tuý không còn được coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội nữa.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác lại đề nghị nên nhìn nhận về người nghiện ma tuý với tư cách là bệnh nhân - nạn nhân của tệ nạn ma tuý. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng nghiện ma tuý là một hiện tượng bệnh lý, hiện nay trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để có thể cai nghiện ma tuý thành công, người nghiện không chỉ cần có những can thiệp về phương diện y tế mà còn cần có sự hỗ trợ về tâm lý, sự quan tâm của người thân, gia đình, cộng đồng để có thể vượt qua những mặc cảm, tự ti và cám dỗ của ma tuý, quyết tâm cai nghiện và tránh tái nghiện. Bởi vậy, nếu người nghiện ma tuý đã tham gia vào quá trình điều trị, cai nghiện (tự nguyện hoặc bắt buộc) nhưng vẫn chưa cai thành công thì gia đình, cộng đồng và xã hội nên quan tâm, giúp đỡ, khuyến khích, hỗ trợ họ hơn nữa để họ có thể yên tâm tiếp tục cai nghiện. Có thể nói, việc coi người nghiện ma tuý như bệnh nhân, nạn nhân là một quan niệm hết sức nhân đạo để từ đó có cách nhìn nhận, cách tiếp cận, đối xử phù hợp hơn đối với người nghiện ma tuý thay vì có thái độ không thiện cảm đối với họ, thậm chí là xử lý về hình sự "vì không cai nghiện được".

Thực tiễn thi hành BLHS năm 1999 cũng cho thấy các Toà án chưa đưa ra xét xử một cách độc lập về tội danh “sử dụng trái phép chất ma tuý” và các cơ quan tư pháp đều đề nghị bỏ tội danh này trong BLHS. Ngoài ra, theo quy định tại các điều khoản có liên quan của 03 Công ước quốc tế về phòng, chống ma tuý mà nước ta là thành viên (Điều 36 Công ước thống nhất về các chất ma tuý năm 1961; Điều 22 Công ước về chất hướng thần năm 1971 và Điều 3 Công ước về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma tuý và chất hướng thần năm 1988) thì trong số các hành vi vi phạm liên quan đến ma tuý mà các Công ước này yêu cầu các quốc gia thành viên phải hình sự hoá không có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý.

Xuất phát từ những lý do trên, dự thảo Luật sửa đổi, bố sung một số điều của BLHS đã bỏ Tội sử dụng trái phép chất ma tuý. Đây cũng chính là một trong những nội dung thể hiện rõ nét chủ trương nhân đạo hoá trong lần sửa đổi, bổ sung BLHS này./.

(Hải Anh, Vụ PL Hình sự - Hành chính)