Môi giới nhà đất phải có chứng chỉ hành nghề

02/01/2007
Luật kinh doanh bất động sản (BĐS) sẽ có hiệu lực từ 1-1-2007 khi Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và đang là điểm hấp dẫn đầu tư. Trong điều kiện như vậy, thị trường sẽ chuyển động như thế nào? Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Đặng Hùng Võ cho biết.

Cuối năm 2006 thị trường BĐS nước ta đã ấm lên. Việc cải thiện hơn nữa tình trạng “đóng băng” vào năm 2007 còn phải chờ đợi một số chính sách khác của Nhà nước như việc ban hành các luật thuế về đất đai, BĐS phù hợp với mục đích điều tiết thị trường; chính sách hỗ trợ người có thu nhập thấp và thu nhập trung bình mua nhà; làm thuận lợi hơn cho việc thực hiện thế chấp bằng quyền sử dụng đất, BĐS đang có, BĐS hình thành trong tương lai để vay vốn đầu tư.

Khi Luật kinh doanh BĐS có hiệu lực thi hành, hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh được rõ ràng, quyền và nghĩa vụ của người tham gia kinh doanh được pháp luật bảo hộ, sẽ góp phần làm cho thị trường không bị “méo mó”, uốn nắn được những hành vi làm “lệch lạc” thị trường. Như vậy, thị trường BĐS sẽ có điều kiện tốt để phát triển. Sức nóng của thị trường phụ thuộc nhiều hơn vào mối quan hệ cung - cầu và qui luật giá trị vốn có của cơ chế thị trường.

* Ra đời chậm hơn Luật đất đai hơn hai năm, ông có cho rằng Luật kinh doanh BĐS sẽ nhanh chóng chấn chỉnh được những mặt yếu kém của thị trường BĐS hiện nay?

- Luật này chắc chắn sẽ làm thị trường BĐS tốt hơn. Nhưng để khắc phục các yếu kém hiện nay chúng ta còn cần nhiều cơ chế khác nữa, như các luật thuế về BĐS và kinh doanh BĐS nhằm điều tiết thật tốt mối quan hệ cung - cầu bằng công cụ kinh tế, nâng cao chất lượng qui hoạch để Nhà nước điều tiết hợp lý nguồn cung đất đai từ thị trường sơ cấp cho thị trường thứ cấp.

* Luật kinh doanh BĐS đã tính đến thị trường với sức thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư BĐS nước ngoài có tiềm năng lớn sau khi nước ta đã là thành viên của WTO?

- Do thời gian có hạn nên luật này chưa đề cập tới một số vấn đề về thị trường BĐS trong tương lai gần sau khi nước ta đã hội nhập kinh tế quốc tế trong vai trò một thành viên của WTO. Chúng ta cần tiếp tục bổ sung các vấn đề gồm: Một là hàng hóa BĐS là các công trình hạ tầng kỹ thuật như đường, cầu, ga, cảng... với các hình thức kinh doanh BOT, BTO, bán dịch vụ thu phí... nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp FDI.

Hai là dịch vụ tài chính để hỗ trợ thị trường BĐS thông qua việc cho vay vốn của các tổ chức tín dụng khi thế chấp bằng BĐS, mà đặc biệt là việc thế chấp tại các tổ chức tín dụng nước ngoài có tiềm lực lớn. Ba là việc mở thị trường chứng khoán BĐS để thu hút tiền tiết kiệm của dân vào đầu tư xây dựng kinh doanh BĐS. Bốn là những chính sách nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS trong nước, trước khả năng xâm nhập thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài có vốn rất lớn.

Từ trước đến nay giao dịch BĐS có nhiều cách, nhưng từ 1-1-2007 muốn mua - bán nhà, đất đều phải lên sàn giao dịch. Tuy vậy hiện nay các sàn này rất ít, như vậy sẽ khó khăn trong giao dịch?

- Việc đưa mọi giao dịch trong kinh doanh BĐS lên sàn giao dịch là một qui định tốt nhằm một mặt để minh bạch hóa mọi giao dịch, mặt khác giúp cả người mua và người bán có nơi “an toàn” để gặp nhau.

Đúng là hiện nay sàn giao dịch BĐS chưa có nhiều, sẽ nảy sinh bất cập trong đời sống kinh doanh thực tế. Như vậy, chúng ta cần có một lộ trình cụ thể để thực hiện qui định này và lộ trình này cần được qui định trong nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh

BĐS.

* Luật qui định người kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề. Dự báo sẽ có các kiểu “chạy” chứng chỉ, vừa tái lập cơ chế xin - cho vừa gây phức tạp thêm cho giới hoạt động kinh doanh trong một thị trường vốn rất sôi động?

- Luật kinh doanh BĐS qui định mọi loại dịch vụ hỗ trợ kinh doanh BĐS như môi giới, định giá, sàn giao dịch, tư vấn, đấu giá, quảng cáo, quản lý đều phải có chứng chỉ hành nghề. Đúng là thêm chứng chỉ tức là thêm thủ tục và tức là có điều kiện phát sinh cơ chế xin - cho.

Mặt khác, hoạt động dịch vụ hỗ trợ thị trường đều là những hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành cần có đào tạo nên việc cấp chứng chỉ là có lý. Vấn đề còn lại là thủ tục như thế nào để bảo đảm điều kiện công khai, minh bạch và không thể phát sinh cơ chế xin - cho.

Có thể cần xem xét thêm là loại dịch vụ nào thì cần cấp chứng chỉ và loại dịch vụ nào chỉ cần đăng ký hoạt động khi đủ điều kiện theo qui định. Trước mắt, chúng ta cần thực hiện đúng theo qui định của luật và sẽ đệ trình Quốc hội những điều chỉnh cần thiết nếu cơ chế không được cuộc sống thực tế chấp nhận.

* Luật cũng qui định không cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ công chức nhà nước, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Việc không cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ, công chức nhà nước là một qui định đúng đắn. Cán bộ hoạt động trong bộ máy chính trị, công chức hoạt động trong bộ máy hành chính nên không thể tham gia các hoạt động dịch vụ về BĐS mang tính kinh doanh. Nếu tham gia sẽ làm việc thực hiện pháp luật, chính sách về kinh doanh BĐS thiên về bảo vệ quyền lợi của hoạt động dịch vụ mình đang làm.

 

(Theo Tuổi trẻ)