Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và một số đề xuất, kiến nghị

18/11/2008
Sau gần hai năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm) và Chi nhánh của Trung tâm (Chi nhánh) ngày càng được chú trọng, từng bước đáp ứng yêu cầu của công tác trợ giúp pháp lý trong tình hình mới.

Kỳ II: Công tác xây dựng, phát triển đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý và một số đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao công tác tổ chức bộ máy, cán bộ của Trung tâm  

1) Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý

Cùng với việc củng cố, kiện toàn tổ chức của Trung tâm, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng đã được chú trọng. Khi Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực pháp luật, các địa phương đã rà soát đội ngũ cán bộ, viên chức của Trung tâm cũng như mạng lưới cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm. Đến nay, trong toàn quốc đã có gần 600 cán bộ, viên chức làm việc tại Trung tâm, Chi nhánh của Trung tâm, trong đó đã có trên 130 người được bổ nhiệm và cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý, gần 100 người được bồi dưỡng nghiệp vụ, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tạo nguồn bổ nhiệm và cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý. Bên cạnh số người nêu trên, các Trung tâm và Chi nhánh cũng có trên dưới 300 cán bộ có trình độ Cử nhân luật mới được bổ sung và dự kiến sẽ là nguồn Trợ giúp viên pháp lý trong tương lai.

Cùng với việc xây dựng, củng cố mạng lưới Trợ giúp viên pháp lý, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cũng chú trọng việc xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên trợ giúp pháp lý từ tỉnh đến huyện, xã, trong đó đặc biệt chú trọng các cộng tác viên cấp xã, trên tất cả các lĩnh vực trợ giúp pháp lý. Các Trung tâm đều đã tiến hành rà soát lại về tiêu chuẩn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và chỉ ký hợp đồng với những cộng tác viên thật sự tích cực, chủ động tham gia trợ giúp pháp lý. Nhờ vậy, đến nay, hầu hết các cộng tác viên của Trung tâm và Chi nhánh là những người có kiến thức hiểu biết pháp luật, là những cán bộ, công chức đang làm việc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật hoặc làm việc trong các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (cơ quan địa chính, cơ quan lao động thương binh xã hội, cơ quan tài chính, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp...); trong các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức đoàn thể xã hội. Đến nay, trong toàn quốc có khoảng 8.494 cộng tác viên trợ giúp pháp lý, trong đó có khoảng 801 người là luật sư, trung bình mỗi Trung tâm có từ 100 đến 140 cộng tác viên trợ giúp pháp lý (trong đó nhiều nhất là Tp. Hồ Chí Minh - 847 người và ít nhất là An Giang, Trà Vinh - 40 người, Bình Phước - 41 người).

 

2) Một số đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao công tác tổ chức bộ máy, cán bộ của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước

Thứ nhất, Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý liên quan đến tổ chức, cán bộ của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm đến nay về cơ bản đã tương đối đồng bộ, đầy đủ. Vì vậy, ở địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cầm sớm phê duyệt Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm và Chi nhánh của Trung tâm ở địa phương từ nay đến năm 2010, định hướng 2015 làm cơ sở cho việc củng cố, kiện toàn Trung tâm và thành lập các Chi nhánh; sớm hoàn thành việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm để tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ điều chỉnh toàn diện về tổ chức và hoạt động của Trung tâm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ hai, dự liệu đủ nguồn lực cán bộ cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh bảo đảm có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bổ sung cho Trung tâm và Chi nhánh, chỉ tiến hành bổ nhiệm lãnh đạo Trung tâm cho những người đã là Trợ giúp viên pháp lý. Xác định cơ cấu Trợ giúp viên pháp lý hợp lý cần có từ nay đến năm 2010, định hướng 2015, qua đó có kế hoạch và chính sách đãi ngộ, tuyển dụng cho nguồn cán bộ làm việc tại Trung tâm và Chi nhánh. Cục Trợ giúp pháp lý tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý làm căn cứ để các địa phương thực hiện việc bổ nhiệm và cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý khắc phục tình trạng thiếu Trợ giúp viên pháp lý như hiện nay; có chính sách kết hợp bồi dưỡng tạo nguồn với bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý cũng như đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ ba, thực hiện việc kiện toàn tổ chức, bộ máy của Trung tâm và Chi nhánh của Trung tâm, xác định cơ cấu tổ chức của Trung tâm và Chi nhánh một cách hợp lý. Tiến hành thành lập các Phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc Trung tâm theo các lĩnh vực pháp luật, bảo đảm tính chuyên môn hoá, tách hoạt động mang tính chất hành chính với các hoạt động mang tính chuyên môn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý. Tiếp tục rà soát lại mạng lưới trợ giúp pháp lý ở cơ sở làm căn cứ cho việc đề xuất thành lập các Chi nhánh, bảo đảm việc thành lập Chi nhánh có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở thí điểm và nhân rộng sau khi đã có đánh giá, rút kinh nghiệm.

Thứ tư, tiếp tục phát triển mạng lưới cộng tác viên trợ giúp pháp lý tại cơ sở, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và miền núi, vùng có nhiều Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, chú trọng đội ngũ cộng tác viên cấp huyện, cấp xã; có biện pháp đào tạo, bồi dưỡng tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các cộng tác viên; Củng cố các Tổ Cộng tác viên trợ giúp pháp lý ở những địa bàn chưa thể thành lập được Chi nhánh; thành lập các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở 100% các xã thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình 135 giai đoạn II; tiếp tục huy động sự tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của liên ngành ở trung ương và các cơ quan có thẩm quyền của địa phương (đặc biệt là các cơ quan dân cử và sự giám sát của nhân dân) trong việc triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý; kịp thời sơ kết, tổng kết việc thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh để nhân rộng những mô hình mang lại hiệu quả thích hợp, nhanh chóng phát hiện những vướng mắc, bất cập nảy sinh từ thực tiễn làm căn cứ để kịp thời đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết, có biện pháp xử lý nhằm đưa công tác trợ giúp pháp lý phát triển đáp ứng yêu cầu của thực tiễn./.

Nghiệp Vũ