Những vấn đề tồn tại trong pháp luật và thực tiễn công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài: Thử nhìn từ vụ việc TYCO

18/11/2008
Những năm qua, công cuộc cải cách pháp luật và tư pháp ở nước ta đã diễn ra một cách toàn diện và đồng bộ, trong đó có hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy phạm pháp luật trong nước và gia nhập, ký kết các điều ước quốc tế trong lĩnh vực tư pháp quốc tế. Khá nổi bật trong số đó là việc phát triển chế định công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, mà điển hình là việc gia nhập Công ước New York về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài (Công ước New York) và ban hành các văn bản pháp luật nhằm nội luật hoá Công ước.

 Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận một thực tế rằng, 13 năm thi hành Công ước đã bộc lộ không ít những tồn tại về mặt lý luận và thực tiễn của việc công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.[1] Bài viết dưới  đây của tác giả Đặng Hoàng Oanh sẽ tập trung phân tích một bất cập điển hình  nhất trong thực tiễn Toà án Việt Nam xét đơn yêu cầu công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài, đó là việc xem xét lại nội dung vụ việc đã được giải quyết bằng trọng tài – một điểm vô cùng bất hợp lý khi nhìn nhận dưới góc độ lý luận và thực tiễn tư pháp quốc tế.  Tác giả sẽ trình bày vấn đề thông qua việc mô tả và phân tích một vụ việc điển hình, có thực tại  Toà Kinh tế Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, đó là Vụ Toà án Việt Nam xét đơn yêu cầu công nhận và thi hành Quyết định của Trọng tài Bang Queensland, Úc (Vụ TYCO). Mục đích của bài viết này là, bằng việc mổ xẻ, phân tích các tình tiết vụ việc cũng như Quyết định của 2 Toà án nói trên,  tác giả sẽ chứng minh cho người đọc thấy một thực tiễn đáng lưu tâm là các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực trọng tài còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, chưa hợp lý, năng lực các thiết chế thi hành pháp luật nói chung và các thẩm phán nói riêng, trong việc áp dụng pháp luật vào quá trình xét xử, là còn yếu. Do vậy, việc rút kinh nghiệm, đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện chế định này là thực sự cần thiết. 

Bài viết gồm 3 phần. Phần 1 giới thiệu vấn đề công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài; Phần 2 tóm tắt nội dung vụ việc điển hình về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam (Vụ TYCO); Phần 3 phân tích, nhận xét, đánh giá về Quyết định của toà phúc thẩm - Toà án nhân dân tối cao trong Vụ TYCO và đưa ra một số kiến nghị về hoàn thiện thể chế và các thiết chế  thực thi pháp luật, nhằm hạn chế và tiến tới loại bỏ hẳn những sai lầm và hậu quả đáng tiếc trong thực tiễn áp dụng pháp luật của Toà án Việt Nam về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài, tương tự như trong Vụ việc  TYCO.   

PHẦN I. GIỚI THIỆU VẤN ĐỀ

Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế quốc tế được hầu hết các thương gia ưa thích lựa chọn, không chỉ bởi những ưu việt vốn có của nó, so với loại hình giải quyết tranh chấp bằng Toà án, mà còn bởi tính phổ biến và hữu hiệu từ lâu đời nay, trên toàn thế giới.

Sự thành công của trọng tài quốc tế phụ thuộc rất nhiều vào việc quyết định trọng tài có được thi hành hay không. Rõ ràng không có gì làm thất vọng các bên kinh doanh bằng việc bỏ ra những tốn kém khổng lồ về công sức và tiền của để rồi chỉ có được một quyết định trọng tài không được công nhận và thi hành. Điều mà các bên mong muốn trong giải quyết tranh chấp, đương nhiên là sự đền bù về tiền bạc, chứ không phải là một tờ giấy ghi phán quyết. Các bên kinh doanh sẽ không bao giờ lựa chọn trọng tài một khi họ không tin tưởng vào tính thi hành của quyết định trọng tài. Ngược lại, giao lưu thương mại sẽ trở nên trôi chảy nếu các thương gia biết rõ rằng tranh chấp của họ có thể được giải quyết một cách hiệu quả. Việc xác định được tính thi hành của quyết định trọng tài sẽ ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư trong sự lựa chọn có nên giải quyết tranh chấp hay không, bằng trọng tài hay Toà án, chọn trọng tài ở đâu và trong một số trường hợp có thể dẫn cả tới quyết định quan trọng của họ là có nên kinh doanh nữa hay không.

Hệ thống trọng tài quốc tế đã cung cấp một mạng lưới các điều ước quốc tế đảm bảo tính thi hành của thoả thuận trọng tài cũng như quyết định trọng tài. Với 5 thập kỷ huy hoàng cùng 143 quốc gia thành viên, Công ước New York năm 1958 của Liên hợp quốc về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài[2] (sau đây gọi tắt là Công ước) đã minh chứng một công cụ hiện đại cho việc công nhận và thi hành các nghĩa vụ thương mại, hữu hiệu và thành công hơn bất kỳ một công cụ nào trong lĩnh vực này.

Ngày 28/7/1995 Chủ tịch nước CHXHCN  Việt Nam đã ra Quyết định số 453/QĐ-CTN phê chuẩn việc tham gia Công ước Niu-oóc năm 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài (Công ước New York năm 1958). Chỉ 4 tháng sau khi gia nhập, Pháp lệnh về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài (sau đây gọi là Pháp lệnh 1995) đã được ban hành, nhằm một bước cụ thể hoá các quy định của Công ước. Tháng 5 năm 2004, Quốc Hội Việt Nam đã thông qua Bộ Luật tố tụng dân sự, trong đó dành hẳn một chương quy định về vấn đề công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài và quyết định của Trọng tài nước ngoài. Hiện nay, Luật Thi hành án dân sự đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua cũng có các quy định về  thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.

Song song với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy phạm pháp luật liên quan đến công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài, Nhà nước ta đã ký kết một số lượng lớn các điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp, trong đó có các cam kết về công nhận và thi hành lẫn nhau quyết định của trọng tài của các nước ký kết.

Sự kiện gia nhập Công ước đa phương, ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp song phương và ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật nhằm nội luật hóa các điều ước quốc tế đã thể hiện nhận thức sâu sắc của Nhà nước ta rằng, việc từ chối công nhận quyết định trọng tài nước ngoài sẽ tất yếu làm lu mờ hình ảnh Việt Nam đang là một điểm hẹn hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài và gián tiếp,  sẽ ảnh hưởng không tốt đến quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam có yêu cầu thi hành quyết định trọng tài tại nước ngoài.

Rất tiếc rằng, 13 năm thi hành Công ước New York đã bộc lộ không ít những tồn tại về mặt lý luận và thực tiễn của việc công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Bài viết này chỉ tập trung phân tích một bất cập điển hình nhất trong thực tiễn Toà án Việt Nam xét đơn yêu cầu công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài, đó là việc xem xét lại nội dung vụ việc đã được giải quyết bằng trọng tài – một điểm vô cùng bất hợp lý khi nhìn nhận dưới góc độ lý luận và thực tiễn tư pháp quốc tế.  Tác giả sẽ trình bày vấn đề thông qua việc mô tả và phân tích một vụ việc điển hình, có thực tại  Toà Kinh tế Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, đó là Vụ Toà án Việt Nam xét đơn yêu cầu công nhận và thi hành Quyết định của Trọng tài Bang Queensland (Vụ TYCO). Mục đích của bài viết này là, bằng việc mổ xẻ, phân tích các tình tiết vụ việc cũng như Quyết định của 2 Toà án nói trên,  tác giả sẽ chứng minh cho người đọc thấy một thực tiễn đáng lưu tâm là các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực trọng tài còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, chưa hợp lý, năng lực các thiết chế thi hành pháp luật nói chung và các thẩm phán nói riêng, trong việc áp dụng pháp luật vào quá trình xét xử, là còn yếu. Mặc dù tại thời điểm hiện tại, chế định công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài và quyết định của Trọng tài nước ngoài được điều chỉnh chủ yếu bằng Bộ luật tố tụng dân sự, tuy vậy, trong bài viết, để đánh giá về mặt thực tiễn việc thi hành, tác giả vẫn dẫn chiếu đến các văn bản quy phạm pháp luật  trước đó (Pháp lệnh năm 1993 và Pháp lệnh 1995) để phân tích và so sánh với các quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự.

Bài viết gồm 3 phần. Phần 1 giới thiệu vấn đề; Phần 2 tóm tắt nội dung vụ việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam (Vụ việc  TYCO); Phần 3 phân tích, nhận xét, đánh giá về Quyết định của toà phúc thẩm - Toà án nhân dân tối cao trong Vụ việc  TYCO và đưa ra một số kiến nghị về hoàn thiện thể chế và các thiết chế  thực thi pháp luật, nhằm hạn chế và tiến tới loại bỏ hẳn những sai lầm và hậu quả đáng tiếc trong thực tiễn áp dụng pháp luật của Toà án Việt Nam về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài, tương tự như trong Vụ việc  TYCO. 

PHẦN II.  TÓM TẮT NỘI DUNG VỤ VIỆC

1.Các bên trong vụ việc

Bên yêu cầu thi hành: Công ty Tyco services Singapore Pte.,Ltd (sau đây gọi tắt là Công ty Tyco), có địa chỉ trụ sở tại : 10 Pandan Crescent #03-01 UE Tech Park, Singapore 128466. 

Bên bị yêu cầu thi hành: Công ty Leighton Contractors (VN) LTD (sau đây gọi tắt là Leighton) (Trước đây là công ty TNHH Tư vấn & xây dựng HảI Vân Thiess), có địa chỉ trụ sở tại: 123 Lê Lợi, Quận I, Tp. Hồ Chí Minh.

2.  Nội dung xét đơn yêu cầu 

Ngày 17 tháng 10 năm 1995, công ty Tyco Servicess Singapore Pte.Ltd. (có trụ sở chính tại số 10 Pandan Crescent #03-01 UE Tech Park, Singapore 128466) ký kết với công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hải Vân Thiess (gọi tắt là HVT), nay đổi là công ty Leighton Contractors(VN) Ltd một "Thoả thuận liên doanh Thiess - Tyco". Theo thoả thuận  này công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hải Vân Thiess là đơn vị được cấp giấy phép đầu tư theo pháp luật Việt Nam có tư cách pháp nhân làm "đơn vị dự thầu" xây dựng khách sạn Indochina Beach tại Đà Nẵng, Việt Nam cho chủ đầu tư là công ty liên doanh khách sạn Indochina (một pháp nhân thành lập theo pháp luật Việt Nam), nếu công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hải Vân Thiess  trúng thầu hợp đồng thì hai bên cùng nhau hợp tác thực hiện dự án trên cơ sở phân chia công việc và dịch vụ cụ thể. 

"Thoả thuận liên doanh Thiess - Tyco " có điều khoản về trọng tài quy định rằng: "Trong trường hợp xảy ra tranh chấp giữa các bên theo thoả thuận, tranh chấp đó sẽ được đưa ra xét xử bởi một trọng tài độc lập theo yêu cầu của một trong hai bên đã gửi thông báo, trọng tài này sẽ được bổ nhiệm bởi vị Chủ tịch của Viện các Kỹ sư ở Úc. Việc xét xử sẽ diễn ra tại bang Queensland theo luật của bang Queensland  điều chỉnh và diễn giải”.  

Thực hiện "Thoả thuận liên doanh Thiess - Tyco" các bên có phát sinh tranh chấp . Do các bên không đạt được sự thoả thuận trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp, ngày 30/7/1998 công ty Tyco Servicess Singapore Pte.Ltd.  gửi thông báo cho công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hải Vân Thiess xác định các cố gắng giải quyết tranh chấp đã không thành và sau đó họ đã khởi kiện vụ việc tranh chấp ra Trọng tài bang Queensland , nước Úc. 

Ngày 09 tháng 4 năm 2000, Trọng tài bang Queensland  ban hành hai phán quyết trọng tài như sau:

* Đối với vụ kiện, trong đó công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hải   Vân Thiess  là nguyên đơn, trọng tài bang Queensland phán quyết công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hải Vân Thiess thua kiện, buộc công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hải Vân Thiess phải trả cho công ty Tyco Servicess Singapore Pte.Ltd.  một khoản tiền là 60.000,00 Đôla Mỹ; và 263.320,00 Đôla Úc.

* Đối với vụ kiện, trong đó công ty Tyco Servicess Singapore Pte.Ltd. là nguyên đơn, trọng tài bang Queensland phán quyết có lợi cho Tyco, buộc công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hải Vân Thiess  phải trả cho công ty Tyco Servicess Singapore Pte.Ltd.  một khoản tiền là 1.805.342,37 Đôla Mỹ; và 526.641,00 Đôla Úc. 

Tổng số tiền mà Trọng tài bang Queensland buộc công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hải Vân Thiess phải trả cho công ty Tyco Servicess Singapore Pte.Ltd.  trong hai vụ kiện là 1.865.342,37 Đôla Mỹ; và 789.961,00 Đôla Úc. Các khoản tiền này không được công ty Leighton Contractors VN- Ltd (công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hải Vân Thiess  chuyển đổi thành công ty Leighton Contracrors (VN) Ltd ) thực hiện dù đã được công ty Tyco Servicess Singapore Pte.Ltd.  nhiều lần nhắc nhở và yêu cầu thanh toán. 

Do công ty Leighton Contracrors (VN).Ltd  không thực hiện thanh toán, công ty Tyco Servicess Singapore Pte.Ltd đã nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài đến Bộ Tư pháp Việt Nam . Nội dung đơn đề nghị Toà án Việt Nam công nhận và chấp thuận cho thi hành tại Việt Nam hai phán quyết của Trọng tài bang Queensland, buộc công ty Leighton Contracrors (VN).Ltd phải thực hiện nghiêm túc theo phán quyết trọng tài. 

 Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý đơn  của Tyco Servicess Singapore Pte.Ltd. Ngày 03/5/2002, Toà đã ra Quyết định số 50/QĐMPT mở phiên toà xét đơn yêu cầu vào hồi 8 giờ 00 ngày 23 tháng 5 năm 2002.

3. Quá trình Toà án xét đơn yêu cầu công nhân và thi hành phán  quyết của  Trọng tài Queensland.

3.1. Tại phiên toà  sơ thẩm xét đơn yêu cầu:                                                           

Phiên toà họp công khai vào lúc 8 giờ 30 ngày 23 tháng 5 năm 2002 tại trụ sở Toà Kinh tế - Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để xét đơn yêu cầu công nhận và thi hành tại Việt Nam  phán quyết trọng tài của Trọng tài bang Qeensland, Cộng hoà Úc về giải quyết tranh chấp Hợp đồng thoả thuận liên doanh, giữa: 

Công ty Leighton Contracrors (VN).Ltd là bên bị yêu cầu thi hành đề nghị Toà án bác yêu cầu của công ty Tyco Servicess đối với yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam 2 phán quyết của trọng tài bang Queensland Úc.

Lý do:

- Hợp đồng liên doanh ký kết giữa Công ty Hải Vân Thiess (nay là Công ty công ty Leighton Contracrors) với Công ty Tyco bị vô hiệu toàn bộ do hợp đồng không được phê duyệt của Bộ kế hoạch và Đầu tư; Tyco không có giấy phép nhà thầu nước ngoài của Bộ xây dựng Việt Nam;

- Hợp đồng liên doanh không phải là hợp đồng thương mại nên không thuộc phạm vi áp dụng Pháp lệnh công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định  của Trọng tài nước ngoài;

- Trọng tài  bang Queensland đã có những vi phạm về thủ tục trong quá trình giải quyết vụ kiện.

3.1.1. Ý kiến của Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (VKS)

- Đơn yêu cầu công nhận và thi hành tại Việt Nam 2 phán quyết của Trọng tài bang Queensland-Úc, theo yêu cầu của công ty Tyco Services thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. 

- Căn cứ các chứng cứ có trong hồ sơ kèm theo đơn yêu cầu của Tyco và phần trình bày ý kiến của Công ty Leighton, VKS nhận thấy 2 phán quyết của Trọng tài bang Queensland-Úc không thuộc các trường hợp không được công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài theo quy định tại Điều 16 Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài.

 - Đề nghị Hội đồng xét đơn yêu cầu, xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam 2 phán quyết của Trọng tài bang Queensland theo đơn yêu cầu của Công ty Tyco. 

3.1.2. Nhận định của Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh

 Sau khi xem xét đơn yêu cầu và kiểm tra các chứng cứ,  nghe ý kiến của bên bị yêu cầu thi hành; nghe ý kiến của Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phân tích và đề nghị; sau khi thảo luận và quyết định theo đa số; Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhận định:

Về tố tụng :

Căn cứ theo quy định tại các Điều 3, 4, 10, 11Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài, được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký công bố ngày 27 tháng 9 năm 1995, Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy có đủ điều kiện pháp lý cần thiết để  Tòa thụ lý hồ sơ và giải quyết vụ việc.

Yêu cầu của Công ty Tyco Servicess Singapore Pte.Ltd. đề nghị Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh công nhận và cho thi hành 2 phán quyết của Trọng tài bang Queensland - nước Úc, cụ thể như sau:

- Đối với vụ kiện trong đó Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hải Vân Thiess ("HVT"), nay là Công ty công ty Leighton Contracrors-Ltd là nguyên đơn, trọng tài bang Queensland đã phán quyết HVT không thành công và buộc HVT phải trả cho Công ty Tyco một khoản tiền 60.000 đôla Mỹ và 263.320 đôla Úc. 

- Đối với vụ kiện trong đó Công ty Tyco là nguyên đơn, trọng tài bang Queensland đã phán quyết có lợi cho Tyco, buộc HVT phải trả cho Tyco một khoản tiền 1.805.342,37 đôla Mỹ và 526.641 đôla Úc. 

Trong phần trình bày của mình về 2 phán quyết của Trọng tài bang Queensland, Công Leighton đã có ý kiến như sau : 

1. Hợp đồng liên doanh do HVT và Tyco ký ngày 17 tháng 10 năm 1995 không được Bộ kế hoạch và Đầu tư phê duyệt nên vô hiệu theo pháp luật Việt Nam . Tyco không có năng lực để ký hợp đồng liên doanh, vì Tyco không có giấy phép nhà thầu nước ngoài của Bộ xây dựng Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 08/BXD-CSXD ngày 30/3/1995 của Bộ xây dựng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc Tyco không có năng lực ký kết hợp đồng liên doanh cũng dẫn đến hợp đồng liên doanh bị vô hiệu. Nếu chấp nhận hợp đồng vô hiệu để công nhận và cho thi hành 2 phán quyết của Trọng tài bang Queensland theo yêu cầu của Tyco là trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. 

2. Hợp đồng liên doanh giữa Công ty Tyco Servicess Singapore Pte.Ltd với Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hải Vân Thiess  không phải là một "quan hệ thương mại" nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài. Do đó 2 phán quyết của Trọng tài bang Queensland không thể công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. 

3. Phán quyết của Trọng tài bang Queensland đã tự đặt thêm điều khoản vào hợp đồng liên doanh là vi phạm nguyên tắc tự do thoả thuận của pháp luật Việt Nam. 

4. Phán quyết của Trọng tài bang Queensland đã vi phạm về thủ tục tố tụng, có tính thiên vị và không công bằng đối với HVT. 

Vì những lý do trên, HVT đề nghị Toà án bác đơn yêu cầu của Tyco theo Điều 16 của Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài .

3.1.3. Hội đồng xét đơn yêu cầu nhận định về các ý kiến phản bác của Leighton

1) Về ý kiến số 1 của Công ty Leighton Contracrors (VN).Ltd. 

Trước hết cần phải xác định rằng việc xem xét hợp đồng vô hiệu hay không vô hiệu là xem xét đến nội dung vụ tranh chấp. Theo quy định tại Điều 15.4 Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài, Hội đồng xét đơn yêu cầu không xét xử lại vụ tranh chấp đã được trọng tài bang Queensland giải quyết. Do đó vấn đề hợp đồng vô hiệu theo lập luận của công ty Leighton Contracrors (VN).Ltd sẽ không được hội đồng xét đơn yêu cầu chấp thuận. Tuy nhiên cũng cần phân tích để thấy rõ thêm về lập luận của công ty Leighton Contracrors (VN).Ltd. 

Về chủ thể ký kết hợp đồng, hợp đồng liên doanh được ký kết giữa HVT (một pháp nhân kinh tế của Việt Nam) với Tyco (một pháp nhân của nước ngoài, không có trụ sở tại Việt Nam). Căn cứ quy định tại Điều 43 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế : "Các quy định của Pháp lệnh này được áp dụng trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng giữa pháp nhân Việt Nam với tổ chức cá nhân nước ngoài tại Việt Nam". Như vậy hợp đồng liên doanh ký ngày 17/10/1995 giữa HVT và Tyco không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh hợp đồng kinh tế, nên không được áp dụng Điều 8 của pháp lệnh để xem xét tính vô hiệu của hợp đồng. 

Đặt giả thiết hợp đồng liên doanh thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, thì việc kết luận hợp đồng là vô hiệu phải thuộc thẩm quyền của Trọng tài kinh tế Việt Nam (nay được hiểu là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh tế như Toà án, các Trung tâm Trọng tài tại Việt Nam). Nhưng theo sự thoả thuận của cá bên tại Điều 27.1 thì hợp đồng liên doanh sẽ do luật hiện hành của bang Queensland , Úc điều chỉnh và diễn giải; và tại Điều 28.2 thì các cơ quan Toà án và Trung tâm Trọng tài kinh tế tại Việt Nam lại không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này. 

Nếu cho rằng hợp đồng liên doanh như là một giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự  nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì với lập luận của Leighton,  hợp đồng liên doanh bị vô hiệu về mặt hình thức (Hợp đồng không được Bộ kế hoạch và đầu tư phê duyệt, Tyco không có giấy phép của nhà thầu nước ngoài do Bộ xây dựng Việt Nam cấp). Trường hợp hợp đồng vô hiệu về mặt hình thức theo quy định tại Điều 139 - Bộ luật dân sự Việt Nam thì HVT có quyền yêu cầu Toà án Việt Nam tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Nhưng thời hạn yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật dân sự Việt Nam là một năm kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập. Hợp đồng liên doanh được ký ngày 17/10/1995. thời hạn để  HVT thực hiện yêu cầu của mình đối với Toà án đến ngày 17/10/1996. Quá thời hạn này vấn đề vô hiệu của hợp đồng liên doanh không còn được Toà án xem xét và tuyên bố nữa. 

Như vậy, Leighton không thể tự tuyên bố hợp đồng liên doanh là vô hiệu để từ đó lập luận rằng công nhận và cho thi hành hợp đồng vô hiệu tại Việt Nam là trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. 

2) Leighton cho rằng hợp đồng liên doanh không phải là một "quan hệ thương mại" do đó phán quyết của Trọng tài bang Queensland  không thể công nhận và cho thi hành tại Việt Nam theo quy định tại Điều 1- Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài. 

 Nhận định của Hội đồng xét đơn yêu cầu: 

Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 27/9/1995, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/1996. Vào thời điểm này Việt Nam chưa có Luật thương mại, (Luật thương mại được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 23/5/1997, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/1998).Trước khi có Luật thương mại ,  chưa có cơ sở để phân định  rõ  hành vi kinh doanh của doanh nghiệp có phải là kinh doanh thương mại hay không. Chỉ đến khi có Luật thương mại thì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp mới có căn cứ để được phân định là hành vi kinh doanh thương mại (Điều 45 Luật thương mại xác định 14 hành vi thương mại do Luật thương mại điều chỉnh). Hợp đồng liên doanh giữa Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hải Vân Thiess với Công ty Tyco Servicess Singapore Pte.Ltd được ký kết vào thời điểm Việt Nam chưa có Luật thương mại. Vì vậy, không thể căn cứ vào Luật thương mại để cho rằng hợp đồng liên doanh giữa Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hải Vân Thiess với Công ty Tyco Servicess Singapore Pte.Ltd không phải là "quan hệ thương mại" để lập luận phán quyết của Trọng tài bang Queensland không được áp dụng Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài . 

3) Leighton cho rằng phán quyết của Trọng tài bang Queensland đã tự tiện đặt thêm điều khoản vào hợp đồng liên doanh, vi phạm nguyên tắc tự do thoả thuận của pháp luật Việt Nam.

Lý do để Leighton đưa ra ý kiến trên là do Trọng tài bang Queensland đã phán quyết buộc HVT phải trả cho Tyco số tiền thiệt hại là 116.738,37 USD, liên quan đến khoản tiền bảo đảm của Ngân hàng đã bảo lãnh cho Tyco trong việc thực hiện hợp đồng liên doanh. Công ty Leighton Contracrors (VN).Ltd cho rằng phán quyết này dựa trên cơ sở Trọng tài bang Queensland tự đặt ra điều khoản cho rằng HVT không có quyền yêu cầu Ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với bảo lãnh cho HVT. 

Nhận thấy vấn đề có liên quan đến ý kiến trên đây của Leighton thuộc phạm vi nội dung của tranh chấp hợp đồng liên doanh mà Trọng tài bang Queensland đã phán quyết, căn cứ quy định tại ĐIều 15.4 Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài , Hội đồng xét đơn yêu cầu không có thẩm quyền xét xử lại vụ tranh chấp. Vì vậy ý kiến của Leighton không được Hội đồng xét đơn (HĐXĐ) yêu cầu chấp nhận giải quyết. 

4) Công ty Leighton cho rằng trong phán quyết của Trọng tài bang Queensland - Úc có tính thiên vị và không công bằng đối với HVT (nhà thầu). Cụ thể là phán quyết đã áp dụng sai lầm điều luật mẫu của UNCITRAL. Trọng tài viên đòi hỏi vô lý việc đặt cọc tiền phí với số tiền quá lớn và đã thiên vị làm thiệt hại nhà thầu khi thấy tiền phí không được thanh toán đủ. Trọng tài viên đã không xem xét và kiểm tra cẩn thận các khiếu nại của từng bên, đã không đến hiện trường và không kiểm tra để chắc chắn rằng luật pháp Việt Nam đã được tuân thủ. Trên cơ sở lập luận này, Leighton cho rằng theo Điều 16.1 của Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài thì phán quyết của Trọng tài bang Queensland - Úc không thể được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam vì đã có những vi phạm về thủ tục.

HĐXĐ nhận thấy việc Trọng tài bang Queensland áp dụng luật để phán quyết vụ kiện là phù hợp với sự thoả thuận của hai bên tại Điều 27.1 và Điều 28.2 của hợp đồng liên doanh. Điều này cũng đã được Toà án tối cao Queensland nhận định và phán quyết bằng bản án ngày 15/3/1999 về vụ kiện theo đơn khởi kiện của HVT yêu cầu huỷ bỏ tư cách tố tụng của Trọng tài viên - Ông AAde Fina. Đối với vụ kiện này HVT bị Toà án tối cao Queensland bác đơn kiện. 

          Về yêu cầu của Trọng tài viên đối với HVT phải nộp tiền bảo đảm phí trọng tài và việc Trọng tài viên bị HVT cho là thiên vị. Vấn đề này được nhìn nhận như sau : Trong quá trình trọng tài viên giải quyết vụ kiện, vào thời điểm tháng 3/1999 HVT có phản đối về vấn đề yêu cầu đóng tiền bảo đảm phí nhưng cuối cùng HVT cũng đã đồng ý các điều kiện của Trọng tài viên, trong đó có yêu cầu về việc đóng tiền bảo đảm phí của Trọng tài viên (HVT đã thanh toán 30.000 đôla úc đẻ trang trải tiền phí), HVT không có phản đối nào đối với Trọng tài viên về việc này nữa. 

          Mặt khác, theo thoả thuận tại Điều 28.3 của hợp đồng liên doanh : "Chi phí hợp lý cho việc xét xử sẽ được trả do các Trọng tài viên quyết định", Trọng tài viên đã sử dụng quyền hạn của mình trong phán quyết vụ kiện theo nội dung thoả thuận trên. 

Công ty Leighton đặt vấn đề đến sát lúc phán xử Trọng tài viên đòi hỏi mỗi bên nộp 65.000 USD với lý do trang trải chi phí, phí tổn sẽ phát sinh. Vị Trọng tài viên cũng lệnh cho bên bị yêu cầu thi hành nộp 300.000 đôla Úc làm bảo đảm cho việc trang trải các chi phí phát sinh với bên yêu cầu thi hành. Và HVT từ chối nộp khoản tiền này. Vì vậy Trọng tài viên đã thiên vị chống lại nhà thầu (HVT) do việc ông ta đòi hỏi sai trái việc đặt cọc các khoản phí quá cao nhưng không được nhà thầu (HVT) đáp ứng. 

Đại diện cho Tyco không thừa nhận có sự kiện này. Leighton cũng không có bằng chứng để chứng tỏ vị Trọng tài viên đã yêu cầu mỗi bên nộp 65.000 USD trước lúc phán xử, cũng như việc buộc HVT phải  nộp 300.000 đôla Úc. 

Như vậy, sự kiện mà Công ty Leighton nêu ra để cho rằng Trọng tài viên thiên vị chống lại nhà thầu (HVT) là không có cơ sở đề xác định. 

Công ty Leighton cho rằng Trọng tài viên đã không xem xét và kiểm tra cẩn thận các khiếu nại của từng bên và đã không đến hiện trường, không kiểm tra để chắc chắn rằng luật pháp Việt Nam đã được tuân thủ. 

Về vấn đề này, Hội đồng xét đơn yêu cầu chỉ có thể xem xét theo quy định tại Điều 16.d Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài , đối với phán quyết của Trọng tài bang Queensland – Úc xem có điểm nào không phù hợp với thoả thuận Trọng tài hoặc với pháp luật của nước nơi quyết định của Trọng tài được tuyên. Với chứng cứ có trong hồ sơ, Hội đồng xét đơn yêu cầu nhận thấy không có sự vi phạm nào về thủ tục giải quyết của Trọng tài bang Queensland- Úc. 

Từ  những nhận định trên và căn cứ các chứng cứ có tại hồ sơ, Hội đồng xét đơn yêu cầu nhận thấy không có căn cứ để cho rằng 2 phán quyết của Trọng tài bang Queensland -Úc thuộc các trường hợp không công nhận quyết định của Trọng tài nước ngoài theo quy định tại Điều 16 của Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài . Như vậy yêu cầu của Tyco đối với Toà án về việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam  2 phán quyết của Trọng tài bang Queensland là có cơ sở để chấp nhận. Đề nghị của Leighton đối với Toà án về việc bác đơn yêu cầu của Tyco là không có căn cứ theo quy định của Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài nên không được chấp nhận.         

3.1.4.  Quyết định của Toà án Nhân dân thành phố Hồ chí Minh 

3.1.4.1.  Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hai phán quyết của trọng tài bang Queensland, Cộng hoà Úc:

Phán quyết ngày 09/4/2000 do trọng tài bang Queensland, Úc  ban hành:

- Nguyên đơn: công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hải Vân Thiess (nay là công ty Leighton Contracrors (VN).Ltd ).

- Bị đơn: công ty Tyco Servicess Singapore Pte.Ltd.

- Phán quyết công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hải Vân Thiess không thành công. Buộc công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hải Vân Thiess (nay là công ty Leighton Contracrors (VN).Ltd ) phảI trả cho công ty Tyco Servicess Singapore Pte.Ltd.: 

* 60.000 USD (sáu mươi ngàn đô la Mỹ).

* 262.320,00 AUD (Hai trăm sáu mươi hai ngàn ba trăm hai mươi đô la Úc). 

Phán quyết ngày 9/4/2000 do trọng tài bang Queensland, Úc  ban hành: 

- Nguyên đơn: công ty Tyco Servicess Singapore Pte.Ltd.

- Bị đơn: công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hải Vân Thiess (nay là công ty Leighton Contracrors (VN).Ltd ).

Phán quyết có lợi cho Tyco. Buộc công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Hải Vân Thiess (nay là công ty Leighton Contracrors (VN).Ltd) phảI trả cho công ty Tyco Servicess Singapore Pte.Ltd. số tiền:

- 1.805.342,37 USD (Một triệu tám trăm lẻ năm ngàn ba trăm bốn mươI hai đô la Mỹ và ba bẩy cen).

- 526.641, 00 AUD (Năm trăm hai mươi sáu ngàn sáu trăm bốn mốt đô la úc). 

Tổng cộng cả hai phán quyết: 

Buộc công ty Leighton Contracrors (VN).Ltd phải trả cho công ty Tyco Servicess Singapore Pte.Ltd. số tiền:

- 1.865.432,37 USD (Một triệu tám trăm sáu mươi năm ngàn ba trăm bốn mươI hai đô la Mỹ và ba mươi bảy cen).

- 789.961,00 AUD (Bảy trăm tám mươi chín nghìn chín trăm sáu mươI mốt đô la úc). 

Như vậy, Hội đồng xét xử sơ thẩm Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, bằng Quyết định số 82/QĐ - XĐTT ngày 23 tháng 5 năm 2002 đã công nhận và cho thi hành tại Việt Nam cả hai phán quyết nêu trên của Trọng tài bang Queensland, Cộng hoà Úc. 

3.2. Phiên toà Xét xử phúc thẩm

 Theo kháng cáo của bên bị thi hành là Công ty Leighton, ngày 21 tháng 1 năm 2003, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử và ra Quyết định số 02/PTDS bác bỏ Quyết định số 82/QĐ-XĐTT của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Hội đồng xét xử đã áp dụng điểm b, khoản 2 Điều 16 Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài. Hai lý do mà Toà án  nhân dân Tối cao đưa ra để bác bỏ Quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội là:

 Thứ nhất, Hội đồng xét xử cho rằng giữa TYCO và Leightion không có “quan hệ thương mại”, với lý do là hoạt động xây dựng không phải là một “hành vi thương mại”, do đó không thuộc phạm vi được xét công nhận và cho thi hành theo Pháp lệnh về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài năm 1995.

Thứ hai, Hội đồng xét xử cho rằng việc công nhận Quyết định của Trọng tài Bang Queensland là trái pháp luật Việt Nam vì TYCO ký kết hợp đồng với Leightion khi không có giấy phép của Bộ Xây dựng, từ đó nhận định hợp đồng đó là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới lợi ích của nước CHXHCN Việt Nam và không được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Toà án đã áp dụng điểm b, khoản 2 Điều 16 Pháp lệnh năm 1995, không công nhận phán quyết trong tài của nước ngoài do “việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Quyết định của trọng tài nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.”.

 

PHẦN III. PHÂN TÍCH, NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ VÀ KIẾN NGHỊ

1. Phân tích, nhận xét, đánh giá về Quyết định của toà phúc thẩm - Toà án  nhân dân tối cao trong Vụ việc  TYCO. 

Có thể nói, nếu như Quyết định số 82/QĐ-XĐTT của Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được coi như một bước tiến trong hoạt động công nhận và thi hành tại Việt Nam Quyết định của Trọng tài nước ngoài sau một số vụ Toà án không công nhận các Quyết định của Trọng tài Liên bang Nga[3], thì Quyết định của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, lại như một gáo nước lạnh, làm tiêu tan mọi hy vọng vừa nhen nhóm lên trong giới đầu tư nước ngoài về hiệu lực của các phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.  Xin trích bình luận của Ông Sesto Vecchi, luật sư trưởng của Chi nhánh Văn phòng Luật Russin & Vecchi tại Việt Nam và Ông Walter Bolocker, Chủ tịch Phòng Thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh về vụ việc này. Ông Sesto Vecchi  nói: “So với Quyết định của Toà Kinh tế Toà án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài, Quyết định của toà án nhân dân tối cao rõ ràng là một bước thụt lùi lớn cho Việt Nam. Theo cách định nghĩa của Toà án nhân dân tối cao về Hợp đồng thương mại, Toà đã làm mất đi tính hiệu lực của các điều khoản xét xử bằng trọng tài của hàng trăm hợp đồng liên doanh, hợp đồng vay vốn, hợp đồng dịch vụ và các hợp đồng khác bởi vì loại hợp đồng này không bao giờ đáp ứng được cách định nghĩa hạn chế của Toà về một hành vi thương mại”. Ông Walter Bolocker đã nhấn mạnh thêm nhận định của Ông Sesto Vecchi: “Việc chọn cách xét xử bằng trọng tài nước ngoài đối với các nhà đầu tư là rất quan trọng. Quyết định của Toà dường như trái ngược với chính sách lâu nay của Chính phủ Việt Nam là ủng hộ việc xét xử bằng trọng tài nước ngoài”. 

Nhìn vụ việc dưới góc độ một chuyên gia pháp lý, tác giả có thể khẳng định rằng phán quyết của Toà án nhân dân tối cao là sai pháp luật, làm tổn hại đến quyền lợi của đối tác kinh doanh nước ngoài, gây ảnh hưởng xấu đến  môi trường  đầu tư của Việt Nam.[4] Nguyên nhân của bản án sai trái này là do 1) các quy định chưa hoàn thiện của pháp luật Việt Nam, và 2) việc giải thích, áp dụng chưa chính xác của Toà án Việt Nam về pháp luật cũng như điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã gia nhập, cụ thể là Pháp lệnh năm 1995 và Công ước năm 1958 của Liên hợp quốc về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài.  Là người đã từng tham gia soạn thảo và hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật trong lĩnh vực tư pháp quốc tế nói chung và công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài nói riêng, tác giả xin mạnh dạn đưa ra các kiến nghị dưới đây về hoàn thiện thể chế và các thiết chế  thực thi pháp luật, nhằm hạn chế và tiến tới loại bỏ hẳn những sai lầm và hậu quả đáng tiếc trong thực tiễn áp dụng pháp luật của Toà án Việt Nam như trong Vụ TYCO nêu trên.   

2. Kiến nghị về việc hoàn thiện thiện thể chế và các thiết chế thực thi việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam:

2.1.  Về khái niệm “tranh chấp thương mại”  

Do pháp luật Việt Nam chưa đồng nhất với pháp luật quốc tế trong cách xác định thế nào là tranh chấp thương mại, đồng thời lại thêm quy định ràng buộc của Việt Nam tại điều khoản về bảo lưu thương mại khi gia nhập Công ước[5], nên thực tế đã xảy ra việc Toà án Việt Nam, trong vụ TYCO năm 2002-2003, đã giải thích một cách tuỳ tiện, bất hợp lý khái niệm “tranh chấp thương mại”, để rồi dẫn đến hậu quả pháp lý là quyết định trọng tài nước ngoài không được thi hành tại Việt Nam dựa trên lý do về điều khoản “có thể trọng tài”. Đây là một căn cứ huỷ quyết định trọng tài đã được loại bỏ trong Công ước Châu Âu năm 1961 về trọng tài quốc tế[6], cũng như trong pháp luật của một số nước phát triển. Như chúng ta  đều biết, theo quy định của Luật Thương mại Việt Nam năm 1997 (được áp dụng trong vụ việc TYCO), thì khái niệm hành vi thương mại được hiểu theo nghĩa rất hẹp, chỉ bao gồm 14 hành vi mua bán hàng hoá và các dịch vụ gắn liền với việc mua bán hàng hoá, chứ không  được hiểu theo nghĩa rộng của pháp luật quốc tế và pháp luật của hầu hết các nước khác[7], Với “bảo lưu thương mại”, theo đó Việt Nam chỉ công nhận và thi hành các quyết định của trọng tài nước ngoài đối với các tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp luật thương mại theo nghĩa hẹp, thì rõ ràng là phạm vi áp dụng Công ước New York tại Việt Nam đã bị hạn chế đi rất nhiều. Có thể khẳng định rằng “bảo lưu thương mại” chính là hàng rào lớn ngăn cản việc công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài.[8] Điều này đã gây bất lợi cho Việt Nam trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng cũng như tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung. [9]  Tuy nhiên, như tại phần trên đã đề cập, từ năm 2003, cùng với sự ra đời của Pháp lệnh trọng tài thương mại, và sau đó là Luật thương mại (sửa đổi) (năm 2005) và Bộ Luật tố tụng dân sự,  pháp luật Việt Nam đã có những sửa đổi căn bản về khái niệm “hành vi thương mại” cũng như “tranh chấp thương mại”, tương tự cách hiểu của Công ước New York cũng như các Luật Mẫu của UNCITRAL[10]. Tuy nhiên, khái niệm “hoạt động thương mại” được quy định trong 3 văn bản pháp luật trên vẫn còn có những điểm không thống nhất. Cụ thể, nếu áp dụng cả 3 văn bản pháp luật, thì sẽ rất khó để xác định  rằng trọng tài có thẩm quyền giải  quyết tranh chấp giữa các công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau hay không?  Để tránh cách giải thích và áp dụng tuỳ tiện của các Toà án về khái niệm “hoạt động thương mại” trong cả 3 văn bản nói trên, rất cần có những hướng dẫn cụ thể của Toà án nhân dân tối cao về việc văn bản nào sẽ được áp dụng thống nhất nhằm xác định “hoạt động thương mại”.[11] 

2.2. Về khái niệm “những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt nam” 

Điều 16 Khoản 2 của Pháp lệnh 1995 quy định rằng, quyết định trọng tài nước ngoài sẽ không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nếu quyết định đó “trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Thực chất mà nói, cách chuyển hoá các quy định về trật tự công cộng (public policy) của Công ước New York  thành “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” như vậy là không phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời không hợp lý, thiếu rõ ràng, minh bạch. Vấn đề là ở chỗ, cho đến  thời điểm hiện tại, ở Việt Nam chưa hề có một văn bản pháp luật, một tài liệu pháp lý hay một thực tiễn xét xử nào đưa ra định nghĩa về “những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.[12] Một số đạo luật lớn như Bộ Luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Thương mại… có đưa ra một số nguyên tắc chung, nhưng chỉ có tính chất đặc thù dành để áp dụng cho riêng cho Bộ luật hay đạo luật đó mà thôi. Rõ ràng là không thể tìm được “những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” bằng cách cộng dồn những nguyên tắc đặc thù đã được quy định trong từng đạo luật riêng lẻ hiện nay.  Đề xuất của tác giả là nếu có thể được, thì nên thay khái niệm “những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” bằng thuật ngữ phổ biến vẫn đang thường dùng ở các nước, cũng như trong các văn bản pháp lý quốc tế là “trật tự công cộng” . Còn nếu như giải pháp sửa đổi này không được chấp nhận, thì cần phải xây dựng và phát triển cơ sở lý luận của “những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”, dựa trên tổng kết công tác xét xử của Toà án, nâng nó lên thành một tài liệu pháp lý để đạt được sự chấp nhận chung của các nhà làm luật cũng như thực hiện công tác xét xử. [13]

Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam cũng vẫn quy định một cách không thống nhất về điều khoản trật tự công cộng (trong Bộ Luật Dân sự chỉ nhắc tới một lần, rất chung, cho việc áp dụng pháp luật nước ngoài, còn trong mọi văn bản pháp luật về  công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài, như đã nói ở trên, thì không được quy định trực tiếp, hay nói cách khác, chỉ được hiểu gián tiếp thành “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”). Trong khi đó thì trong pháp luật Pháp và một số nước khác như Mỹ, Đức, Mehicô…khái niệm này được quy định và áp dụng một cách rất rạch ròi, cụ thể, theo hướng phân biệt giữa trật tự công cộng quốc tế (international public policy) và trật tự công cộng quốc gia (domestic public policy). Theo cách phân định này, thì những gì thuộc về trật tự công cộng trong các quan hệ pháp lý ở tầm quốc gia, không nhất thiết phải áp dụng đối với các quan hệ pháp luật có yếu tố nước ngoài.[14] Điều này có nghĩa là nội hàm trật tự công cộng quốc tế sẽ hẹp hơn trật tự công cộng quốc gia. Thuật ngữ “trật tự công cộng” trong Công ước New York và các văn bản pháp lý quốc tế khác, bao gồm những nguyên tắc có tính chất nền tảng của pháp luật và công lý, về cả mặt nội dung cũng như thủ tục. Trong một loạt các án lệ của Toà án các nước thành viên Công ước New York về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài, thì ranh giới giữa trật tự công cộng quốc gia và trật tự công cộng quốc tế đã được phân định rất rõ. Trong vụ án nổi tiếng Fritz Scherk v. Alberto-Culver Co, Toà án Tối cao của Mỹ đã tuyên rằng, trong khi các tranh chấp về chứng khoán phát sinh từ Hợp đồng trong nước không thuộc thẩm quyền xét xử bằng trọng tài, thì nó lại ngược hẳn trong trường hợp Hợp đồng đó có yếu tố nước ngoài, có nghĩa là các tranh chấp đó sẽ thuộc đối tượng giải quyết bằng trọng tài. Trong vụ Parsons and Whittemore Overseas Inc. v. RAKTA, Toà Phúc thẩm của Mỹ cũng cho rằng, “khái niệm trật tự công cộng trong Công ước New York cần phải được hiểu một cách rất hẹp. Việc thi hành quyết định trọng tài nước ngoài có thể bị từ chối chỉ khi việc thi hành đó sẽ vi phạm những nguyên tắc cơ bản nhất của quốc gia về đạo đức và công lý “violate the forum State’s most basic notions of morality and justice”. Toà án Đức tại nhiều vụ án khác nhau cũng đã rất nhiều lần khẳng định rằng, đối với các quyết định trọng tài nước ngoài, thì không phải tất cả mọi vi phạm điều cấm của pháp luật Đức đều bị coi là vi phạm trật tự công cộng; rằng, ở Đức, khái niệm vi phạm trật tự công cộng được viện dẫn chỉ trong những trường hợp vô cùng đặc biệt mà thôi.  ở Mehicô, khái niệm trật tự công cộng quốc gia và quốc tế cũng được phân biệt rõ. Một ví dụ là việc triệu tập các bên có mặt “in personam” thuộc vấn đề trật tự công cộng quốc gia của nước này, tuy nhiên nó lại không được tính đến trong trường hợp áp dụng đối với trọng tài quốc tế. 

Các án lệ  cũng như thực tiễn thi hành Công ước New York năm 1958  ở các nước thành viên đã cho thấy, Toà án các nước, về cơ bản là đều giải thích điều khoản về trật tự công cộng theo nghĩa rất hẹp, và hạn chế từ chối thi hành quyết định trọng tài, chỉ trong những trường hợp cực kỳ hãn hữu mà thôi.[15] Điều này có nghĩa là, trong việc thống nhất về cách hiểu và giải thích điều khoản trật tự công cộng, Toà án đã thể hiện quan điểm cũng như động thái rất ủng hộ tinh thần của Công ước, là tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài. Thiết nghĩ trong xu thế hội nhập hiện nay của Việt Nam, nếu chưa thể quy định một cách rõ ràng  khái niệm trật tự công cộng của Công ước New York  tại các văn bản quy phạm pháp luật về trọng tài, thì cũng cần phải thống nhất, ở một chừng mực nào đó, về cách hiểu, giải thích và áp dụng các quy định này trong thực tiễn xét xử của Toà án Việt Nam nói chung và thực tiễn công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam nói riêng.[16]  

2.3. Về văn bản hướng dẫn thi hành 

Chế định công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài (tại 02 Pháp lệnh năm 1993 và 1995) đã được pháp điển hoá thành các quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự. Tuy nhiên, phần các quy định về tố tụng thi hành quyết định trọng tài nước ngoài (sau khi quyết định trọng tài đã được Toà án Việt nam xét công nhận và cho thi hành), cần được quy định cụ thể thêm trong Luật thi hành án dân sự đang được Quốc hội xem xét, thông qua. Ngoài ra, ngay cả khi chế định công nhận và thi hành bản án, quyết định nước ngoài đã được pháp điển hoá tại Bộ Luật Tố tụng Dân sự và Luật Thi hành án dân sự trên rồi, thì vẫn cần phải có  thêm một loại văn bản (dưới dạng Nghị định của Chính phủ, hoặc Thông tư Liên ngành) hướng dẫn thi hành các quy định chung về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài. Ý tưởng chủ đạo cho việc soạn thảo văn bản pháp luật này, không chỉ là nhằm cụ thể hoá các quy định chung chung còn mang tính nguyên tắc trong 2 Bộ luật, mà còn phải khéo léo giải quyết những bất cập hiện nay trong thực tiễn công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài. Ví dụ, trong khi vẫn còn một số cách hiểu  chưa nhất quán trong Luật Thương mại, Bộ luật tố tụng Dân sự và Pháp lệnh trọng tài thương mại về "hoạt động thương mại" và Nhà nước chưa quyết định việc rút điều khoản bảo lưu thương mại, thì các khái niệm của Công ước New York, như tranh chấp thương mại, hay bảo lưu trật tự công cộng…, cũng có thể ở một chừng mực nào đó, được quy định cụ thể và rõ ràng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các thẩm phán khi giải thích và áp dụng pháp luật về công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài tại Việt Nam theo tinh thần của Công ước New York. Ngoài ra, vấn đề “bảo lưu trật tự công cộng”, hay “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”…, cũng có thể ở một chừng mực nào đó, được quy định cụ thể và rõ ràng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các thẩm phán khi giải thích và áp dụng pháp luật về công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài tại Việt Nam theo tinh thần của Công ước New York.[17]

2.4. Về việc xét xử lại về mặt nội dung vụ tranh chấp đã được giải quyết bằng trọng tài 

Cần nghiêm khắc kiểm điểm, phê bình và chấn chỉnh kịp thời những tồn tại về mặt thực tiễn của công tác thi hành quyết định trọng tài nước ngoài, theo hướng không thể  để Toà án Việt Nam xét xử lại về mặt nội dung vụ tranh chấp đã được giải quyết bằng trọng tài, như thực tiễn xảy ra vừa qua đối với việc Toà án tối cao xem xét công nhận quyết định của trọng tài Úc trong vụ TYCO[18]. Điều thật bất cập ở đây là, trong khi pháp luật Việt Nam quy định “khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng không xét xử lại vụ tranh chấp đã được Trọng tài nước ngoài giải quyết, mà chỉ kiểm tra, đối chiếu quyết định của trọng tài nước ngoài và giấy tờ kèm theo với quy định của Pháp lệnh… để ra quyết định” (Điều 15 khoản 4 Pháp lệnh công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài tại Việt Nam năm 1995), thì trên thực tế, Hội đồng xét xử lại nghiên cứu, xem xét, đánh giá lại nội dung vụ tranh chấp đã được Trọng tài Úc giải quyết.  Điều này là không thể chấp nhận được trong thực tiễn thi hành Công ước, càng không phù hợp với quy định của Tư pháp quốc tế về chế định công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài . Phải nghiêm túc khẳng định rằng đây là một việc làm trái pháp luật của Toà án Việt Nam, đi ngược lại quan điểm đã thống nhất giữa các bộ, ngành chức năng trong quá trình soạn thảo Pháp lệnh (1995) và trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Tồn tại này không những làm mất uy tín xét xử của các cơ quan tư pháp, ảnh hưởng không những đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân nước ngoài, mà còn vô hình chung dẫn đến hậu quả là Nhà nước ta không bảo vệ được ngay chính quyền, lợi ích hợp pháp của công dân nước mình.[19] Theo pháp luật và tập quán quốc tế, ở những trường hợp tương tự, quốc gia nước ngoài có quyền áp dụng nguyên tắc “báo phục quốc” (còn gọi là biện pháp trả đũa) để từ chối thi hành quyết định của trọng tài Việt Nam tại nước ngoài. Thực tế là hậu quả đáng tiếc cũng đã xảy ra, khi nhiều quyết định của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam về khoản nợ của doanh nghiệp Nga đối với Vietnam Airlines đã không được bảo đảm thi hành tại Liên bang Nga. Trong khi cũng các quyết định của Trung Tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam lại được công nhận và thi hành rất suôn sẻ tại một số lãnh thổ và quốc gia khác như Hong Kong, Singapore, Áo…[20]    

2.5. Đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức, tuyên truyền, phổ biến về tư pháp quốc tế nói chung và các điều ước quốc tế liên quan đến giải quyết tranh chấp kinh tế có yếu tố nước ngoài và đầu tư nước ngoài mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia nói riêng:  

Việc tuyên truyền, phổ biến các điều ước quốc tế liên quan đến giải quyết tranh chấp kinh tế có yếu tố nước ngoài và đầu tư nước ngoài mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, trong đó có Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài cũng như các Hiệp định tương trợ tư pháp chưa được tiến hành rộng rãi, hoạt động tác nghiệp trong lĩnh vực tư pháp quốc tế chưa được phổ biến cụ thể cho các cán bộ trực tiếp thực hiện các hoạt động tố tụng dân sự kinh tế, quốc tế, đã dẫn đến tình trạng một số Toà án lúng túng khi xử lý các vấn đề này. 

Có thể nói rằng xuất phát từ việc chưa nhận thức được một cách đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này, nên từ đó chúng ta chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc thực hiện chúng, chưa đề ra được một kế hoạch tổng thể cũng như kế hoạch của mỗi ngành, mỗi địa phương, các biện pháp đồng bộ và cụ thể giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến điều ước quốc tế thuộc chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành, địa phương, làm cho chúng ta luôn ở thế bị động. 

Về mặt tổ chức cán bộ, ở một số cơ quan trung ương, công tác thi hành các điều ước quốc tế không tập trung vào một đầu mối thống nhất; các Toà án địa phương thì thiếu cán bộ chuyên trách về phần tư pháp quốc tế, chưa được đào tạo chuyên sâu về phần tư pháp quốc tế, công pháp quốc tế, kinh tế quốc tế, chưa được tập huấn về công tác thi hành các điều ước quốc tế nói chung, các điều ước quốc tế trong lĩnh vực kinh tế - thương mại quốc tế và tư pháp quốc tế nói riêng. Trong khi đó, tài liệu nghiên cứu về các vấn đề này thường rất hạn chế và không được phổ biến rộng rãi để vận dụng chung.  

Có nhiều nguyên nhân gây nên những yếu kém của hoạt động tư pháp quốc tế của nước ta hiện nay, trong đó chủ yếu là: 

- Hoạt động bổ trợ tư pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp kinh tế quốc tế hiện nay của chúng ta còn ít, có nhiều việc đã vượt ra ngoài kiến thức được đào tạo truyền thống nên vừa phải làm, vừa phải tìm tòi học tập thêm, rút kinh nghiệm trong công tác.

 

- Chưa kịp thời tổng kết thực hiện và tham khảo kinh nghiệm phổ biến của các nước để có giải pháp xử lý vấn đề, nên khi thực hiện có vướng mắc, hiệu quả và tác dụng còn hạn chế.

 

- Các Thẩm phán, Kiểm sát viên, chuyên gia và cán bộ tư pháp khác chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm và tinh thần chủ động, sáng tạo trong công tác, chưa thường xuyên trao đổi kinh nghiệm hoạt động tư pháp quốc tế trong điều kiện mới. 

Để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao đối với hoạt động tư pháp quốc tế trong thời kỳ mới, cần thiết phải củng cố và tăng cường hơn nữa hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp kinh tế quốc tế với các yêu cầu căn bản sau: 

Một là, tăng cường sự phối hợp giữa các Cơ quan Nội chính Trung ương và các cơ quan đối ngoại nhằm đề xuất với các cơ quan lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước giải quyết tốt các vấn đề vĩ mô cơ bản, xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật về trọng tài nói chung và công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài nói riêng, tổ chức tốt và chủ động hơn các hoạt động đàm phán, ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với nước ngoài, các điều ước quốc tế đa phương khác liên quan đến giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế nói chung và việc công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Toà án nước ngoài, quyết định trọng tài  nước ngoài nói riêng, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các hoạt động tố tụng dân sự - kinh tế kể cả với những nước chưa có Hiệp định với Việt Nam. 

Hai là, tiếp tục củng cố và tăng cường năng lực của các Cơ quan Tư pháp, Toà án, của cán bộ trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực tương trợ tư pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp dân sự - kinh tế quốc tế, kể cả cán bộ Cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, ngang tầm với các yêu cầu đòi hỏi của tình hình quốc tế hiện nay và thời gian tới. 

Tóm lại, những thành tựu về xây dựng và hoàn thiện thể chế về tư pháp quốc tế nói chung và công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài nói riêng  đã góp phần tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng và an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài, củng cố niềm tin, sự an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói chung cũng như cho các công dân nước ngoài khi đến và làm việc với Việt Nam nói riêng, đồng thời cũng thể hiện quan điểm của Nhà nước ta luôn sẵn sàng tương trợ, hợp tác với các nước về mặt tư pháp. 

Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, hoạt động này  cũng bộc lộ những mặt còn yếu kém; đồng thời cũng xuất hiện những khó khăn, vướng mắc mới cần giải quyết. Những phân tích và kiến nghị trong bài viết trên cho thấy còn rất nhiều vấn đề cần phải quan tâm giải quyết nhằm hoàn thiện thể chế và thiết chế về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Song song với việc hoàn thiện về mặt thể chế, điều rất quan trọng là phải quán triệt sâu rộng các quy định của pháp luật cũng như điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập về vấn đề này.  Việc nâng cao năng lực cho các thẩm phán cũng như hoàn thiện thiết chế để áp dụng và thi hành pháp luật là một nhu cầu thiết yếu, nhằm xoá bỏ những hậu quả không đáng có trong thực tiễn công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài như điển hình của Vụ TYCO nêu trên. Hy vọng rằng, những kiến nghị mà tác giả  đã đề xuất trong bài viết này sẽ được cân nhắc áp dụng, góp phần hoàn thiện chế định trọng tài thương mại nói riêng và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế nói chung, tạo môi trường hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài cho Việt Nam. 

Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp


 


[1] Chi tiết về vấn đề này, xem thêm  Xem thêm 1) Đặng Hoàng Oanh “Vietnamese regulations on recognition and enforcement of foreign arbitral awards –  Pháp luật Việt nam về công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài” – đăng trên Tạp chí Grifins View, số tháng 1.2003, Đại học Tổng hợp Amsterdam, Hà Lan; và 2) Đặng Hoàng Oanh, “Recognition and enforcement of foreign arbitral awards: a look for a comparable regime for Viet Nam - Công ước New York năm 1958 về Công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài: thử tìm một cơ chế thích hợp cho Việt Nam” -  tháng 3.2003 - Luận văn Thạc sỹ Khoa Sau Đại học Luật, Đại học Tổng hợp Nagoya, Nhật bản  và Thư viện Bộ Tư pháp Việt Nam.  

[2] Công ước được ký tại New York, ngày mồng 10 tháng 6 năm 1958, có hiệu lực từ ngày mồng 7 tháng 6 năm 1959. Công ước được hoàn tất tại Hội nghị năm 1958 dưới sự bảo trợ của Uỷ ban Kinh tế Xã hội của Liên Hợp quốc. Hội nghị này đã phát triển và hoàn thiện Công ước từ bản Dự thảo đầu tiên do Trung tâm thương mại quốc tế (International Chamber of Commerce ) đưa ra trước đó, từ năm 1953.  Cho đến nay, đã có 143 quốc gia trở thành thành viên của Công ước , bằng cách phê chuẩn, gia nhập hay kế thừa. Việt Nam cũng đã gia nhập Công ước này từ năm 1995. Xem tuyển tập các điều ước quốc tế của Liên Hợp quốc tại 330 U. N. T. S.38. Tóm tắt nội dung làm việc của Hội nghị New York, diễn ra tại trụ sở của Liên Hợp quốc tại New York từ ngày 20 đến ngày 10 tháng 6 năm 1958, kết thúc bằng việc thông qua Công ước New York năm 1958 được lưu trữ tại TàI liệu của Liên Hợp quốc ký hiệu UN DOC E/ CONF. 26/ SR. 1- 25. Lưu trữ văn bản làm việc của các bên cũng có thể tìm tại  UN DOC E/ CONF. 26/ 7 and L. 7 – 63. 

[3] Chi tiết về các vụ việc này, xem thêm  Đặng Hoàng Oanh, “Recognition and enforcement of foreign arbitral awards: a look for a comparable regime for Viet Nam - Công ước New York năm 1958 về Công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài: thử tìm một cơ chế thích hợp cho Việt Nam” - Luận văn Thạc sỹ Khoa Sau Đại học Luật, Đại học Tổng hợp Nagoya, Nhật bản , lưu tại Thư viện Đại học Tổng hợp Nagoya, Nhật bản và Thư viện Bộ Tư pháp Việt Nam; tr. 114 - 122. Xem thêm Đặng Hoàng Oanh “Vietnamese regulations on recognition and enforcement of foreign arbitral awards –  Pháp luật Việt nam về công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài” – đăng trên Tạp chí Grifins View, số tháng 1.2003, Đại học Tổng hợp Amsterdam, Hà Lan.  

[4] Đặng Hoàng Oanh, Sách đã dẫn, tr. 114 – 122. Tại Chương IV của Luận văn về cơ chế công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, tác giả đã mổ xẻ toàn bộ các văn bản pháp luật trong lĩnh vực công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài, và đã tìm ra những điểm còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp, hoặc chưa được quy định trong từng văn bản, hoặc giữa các văn bản pháp luật đó với nhau, và cuối cùng, giữa các văn bản pháp luật Việt Nam với điều ước quốc tế, mà cụ thể trong trường hợp này là Công ước New York năm 1958. Vấn đề từ chối công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài tại Việt Nam qua các vụ việc điển hình, được nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, phân tích và đánh giá hết sức chân thực, đặt trong và so sánh với tổng thể thực tiễn thi hành Công ước tại các nước thành viên khác, để tìm ra  cốt lõi của vấn đề cần khắc phục.

[5] Tại Quyết định số 453/QĐ-CTN ngày 28 tháng 7 năm 1995 của Chủ tịch nước, Nhà nước Việt Nam đã tuyên bố 3 điểm bảo lưu là:

- Chỉ áp dụng Công ước đối với việc công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài được tuyên tại lãnh thổ của các quốc gia thành viên Công ước; đối với Quyết định trọng tài nước ngoài tuyên tại lãnh thổ  của quốc gia chưa ký kết hoặc tham gia Công ước, Công ước được áp dụng tại Việt Nam theo nguyên tắc có đi có lại;

- Chỉ áp dụng Công ước đối với tranh chấp phát sinh từ các quan hệ pháp luật thương mại;

- Mọi sự giải quyết Công ước trước Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của Việt Nam phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

[6] Công ước Châu Âu về trọng tài thương mại quốc tế, ký tại Geneva, 21.4.1961. Có thể tìm thấy tại  tuyển tập các điều ước quốc tế của Liên Hợp quốc,  tập  484, tr. 364 Số. 7041 (1963-1964)

[7]· Xem đã phân tích ở trên, phần “Công ước New York năm 1958 về công nhân  và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài”. Xem thêm John Bentley, Completion of Vietnam’s legal framework for economic development, UNDP Ha noi – Việt Nam, tháng 3 năm 1999, tr. 58-59;

 

[9] Sách đã dẫn John Bentley tr. 58 – 59;  Đặng Hoàng Oanh,tr. 123 - 124

[10] Luật mẫu của Liên hợp quốc về trọng tài thương mại quốc tế, tài liệu của LHQ số A/40/17, phụ lục I, do LHQ thông qua ngày 21 tháng 6 năm 1985.

[11] Xem thêm bài của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam về  “một số vấn đề về Pháp lệnh trọng tài thương mại” tại Hội nghị bàn về việc thi hành Pháp lệnh trọng tài thương mại, ngày 24 tháng 2 năm 2006.

[12] Xem Nguyễn Bích Vân, “Thi hành Quyết định của trọng tài nước ngoài và  việc tham gia Công ước New York, Bài viết cho Đề tài nghiên cứu khoa học của Bộ Tư pháp  về giải quyết tranh chấp kinh tế tại Việt Nam, năm 1996.

[13] Xem Đặng Hoàng Oanh, “Công ước 1958 …”

[14] Xem Đặng Hoàng Oanh “Những vấn đề thực tiễn công nhận và thi hành Quyết định trọng tài đã bị huỷ tại nước gốc theo Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài”, Tạp chí Luật học số  4/2004 (68-72) và số 8/2005 .

[15] Xem Đặng Hoàng Oanh và các tác giả khác, cuốn “Luật Kinh tế quốc tế” Chương “Công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài và quyết định của trọng tài nước ngoài”, – Sách phục vụ tập huấn cho cán bộ tư pháp, do Nhà xuất bản Tư pháp  xuất bản năm 2006.

[16] Xem Đặng Hoàng Oanh và các tác giả khác, Sđd .

[17] Xem Đặng Hoàng Oanh và các tác giả khác, cuốn “Luật Kinh tế quốc tế” Chương “Công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài và quyết định của trọng tài nước ngoài”, – Sách phục vụ tập huấn cho cán bộ tư pháp, do Nhà xuất bản Tư pháp  xuất bản năm 2006.

[18] Tương tự ,cũng cần rút kinh nghiệm đối với việc giải quyết công nhận 03 quyết định của trọng tài Nga tại Toà án Hà nội cũng như Toà án Tối cao, năm 1997.

[19] Xem thêm Báo cáo Phúc trình Đề tài khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn của hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế tại Việt Nam (Đề tài Khoa học của Bộ Tư pháp, năm 2000);

[20] Đặng Hoàng Oanh, “Bình luận khoa học Pháp lệnh trọng tài – phần quyết định trọng tài, huỷ quyết định trọng tài và thi hành quyết định trọng tài” (Bài viết cho Đề tài khoa học “Bình luận khoa học Pháp lệnh trọng tài”, Bộ Tư pháp, năm 2005 

____________________________________ 

Các bài viết có liên quan: