Đề xuất bỏ tử hình đối với 17 loại tội phạm

04/11/2008
Đề xuất bỏ tử hình đối với 17 loại tội phạm
Chiều qua (3/11), thêm hai dự án Luật tiếp tục được trình ra Quốc hội. Đó là dự án Luật Lý lịch Tư pháp và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp hiện đại

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Lý lịch Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Dự thảo Luật xác định phạm vi quản lý lý lịch tư pháp là về án tích (không bao gồm tiền sự, quyết định xử phạt vi phạm hành chính). Ngoài ra, dự thảo Luật cũng mở rộng phạm vi quản lý lý lịch tư pháp đối với quyết định của Toà án về cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ; không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Toà án tuyên bố phá sản.

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật là tạo cơ sở pháp lý để xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp riêng theo đúng nguyên tắc của hoạt động này, theo hướng chuyên nghiệp và từng bước hiện đại. Theo quy định tại Chương II của dự thảo Luật, Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được tổ chức và quản lý tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Trung tâm lý lịch tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp không thay thế cơ sở dữ liệu tàng thư căn cước can phạm do ngành Công an quản lý. Hai hệ thống này song song tồn tại, bổ sung cho nhau, nhưng sẽ không trùng lặp nhau. Về mô hình tổ chức Cơ quan quản lý lý lịch tư pháp, Dự thảo Luật thiết kế mô hình tổ chức Cơ quan quản lý lý lịch tư pháp theo hai cấp (Điều 12, 13) bao gồm Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Trung tâm lý lịch tư pháp cấp tỉnh.

Đối với việc xoá án tích đương nhiên, theo quy định tại Điều 270 Bộ luật Tố tụng hình sự, chỉ Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm vụ án có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xoá án tích cho người đủ điều kiện đương nhiên xoá án tích. Dự thảo Luật dự kiến giao thêm cho Trung tâm lý lịch tư pháp thực hiện việc xoá án tích đương nhiên trong trường hợp xác định được một người có đủ điều kiện đương nhiên được xoá án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự và thông báo ngay bằng văn bản cho Toà án đã xử sơ thẩm vụ án. Lý giải cho quy định này, Chính phủ cho rằng, trên thực tế số người yêu cầu Toà án cấp Giấy chứng nhận xoá án tích là không nhiều, vì người dân chưa nhận thức được ý nghĩa của vấn đề xoá án tích hoặc thường có tâm lý ngại khi đến làm thủ tục tại Toà án. Trong khi đó, quá trình giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho thấy có nhiều trường hợp các Sở Tư pháp phải hướng dẫn người dân đến Toà án để xin Giấy chứng nhận đương nhiên xoá án tích. Để góp phần giảm bớt phiền hà cho người dân, giảm bớt sức ép công việc hành chính cho Toà án, bên cạnh việc Toà án cấp Giấy chứng nhận đương nhiên xoá án tích, cần bổ sung một giải pháp mới là giao cho Trung tâm lý lịch tư pháp thực hiện xoá án tích đương nhiên cho người có đủ điều kiện. Bên cạnh đó, dự thảo Luật trình ra Quốc hội lần này quy định cụ thể việc cung cấp, tiếp nhận thông tin lý lịch tư pháp về án tích; Bản lý lịch tư pháp của cá nhân và cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp về án tích; Việc ghi về cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ; không được thành lập, quản lý doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Toà án tuyên bố phá sản; Phiếu lý lịch tư pháp, cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Hiện có 2 nội dung lớn của dự án Luật còn ý kiến khác  nhau được Chính phủ xin ý kiến Quốc hội là phạm vi quản lý lý lịch tư pháp và vấn đề giao thêm cho Trung tâm lý lịch tư pháp thực hiện xoá án tích đương nhiên.

Thẩm tra Dự án Luật Lý lịch tư pháp, đa số ý kiến thành viên Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật nhằm giải quyết những vấn đề bất cập và điều chỉnh thống nhất lĩnh vực này, đáp ứng yêu cầu về cấp phiếu lý lịch tư pháp ngày càng tăng của công dân, phù hợp với yêu cầu hội nhập và xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình

Cũng trong chiều qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự lần này chủ yếu tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan đến một số vấn đề bức xúc nhất của thực tiễn và tập trung nhất là các vấn đề về giảm hình phạt tử hình, điều chỉnh mức định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm, điều chỉnh cấu thành tội phạm và hình phạt đối với một số tội phạm về kinh tế, môi trường, tội phạm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, tội buôn bán người, khủng bố, rửa tiền và bổ sung một số hành vi phạm tội mới phát sinh trong trong một số lĩnh vực nhằm thể chế hoá một bước chủ trương cải cách tư pháp, chủ trương nhân đạo hoá của Đảng và Nhà nước ta, góp phần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế mà Nhà nước ta đã cam kết trong các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương, tạo cơ sở pháp lý để tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Theo đó, Dự thảo Luật đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm cụ thể quy định tại 17 điều luật. Đó là: tội hiếp dâm (Điều 111); tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139); tội buôn lậu (Điều 153); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157); tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180); tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 197); tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ (Điều 221); tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231); tội tham ô tài sản (Điều 278); tội nhận hối lộ (Điều 279); tội đưa hối lộ (Điều 289); tội chống mệnh lệnh (Điều 316); tội đầu hàng địch (Điều 322); tội phá hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334); tội phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 341); tội chống loài người (Điều 342) và tội phạm chiến tranh (Điều 343).

Như vậy, so với quy định của Bộ luật hình sự hiện hành thì dự thảo Luật dự kiến bỏ hình phạt tử hình tại 17/29 điều luật, chiếm tỷ lệ khoảng 58,6%. Theo dự thảo Luật thì tỷ lệ các điều luật còn giữ lại hình phạt tử hình trên tổng số các điều luật quy định về các tội phạm cụ thể tại Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự sẽ là 12/278 điều luật (trong đó có 263 điều luật cũ và 14 điều luật dự kiến bổ sung mới), chiếm 4,31 %.

Ngoài ra, tại lần sửa đổi này, Bộ luật Hình sự  sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Chương X - Những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội; Phi hình sự hoá đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý được quy định tại Điều 199 của Bộ luật hình sự; Phi hình sự hoá hành vi ở lại nước ngoài trái phép được quy định tại Điều 274 Bộ luật hình sự. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng phi hình sự hoá một phần đối với nhóm hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản và một số hành vi phạm tội khác có liên quan đến tài sản bằng cách nâng mức định lượng tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm này.

Theo Chương trình, ngày 6/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại Tổ về dự án Luật Lý lịch Tư pháp và ngày 7/11 sẽ thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Phương Nam