Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Cán bộ, công chức có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật của người có thẩm quyền khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi trái pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Đó là những nội dung được nêu rõ trong Điều 1 của Luật khiếu nại, tố cáo đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 02 tháng 12 năm 1998 để việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức
đặc biệt là việc khiếu nại phải đúng thẩm quyền và đúng thời hiệu quy định. Sau gần 5 năm tổ chức thực hiện kể từ ngày Luật khiếu nại tố cáo có hiệu lực, đến ngày 15/6/2004 thì Quốc hội nước ta ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2004. Lần sửa đổi cuối cùng gần đây nhất là vào ngày 29/11/2005 Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và có hiệu lực thi hành ngày 01/6/2006 nên việc quy định thẩm quyền giải quyết và thời hiệu giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày một chặt chẽ và rõ ràng hơn.
Đồng thời, ngày 14 tháng 11 năm 2006 Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành nghị định số 136/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo. Nghị định này quy định rõ những hành vi khiếu nại, tố cáo, thẩm quyền, trách nhiệm cũng như thủ tục giải quyết các vấn đề liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo.
Như vậy, cho đến thời điểm này vấn đề khiếu nại, tố cáo đã có 03 văn bản luật cùng 01 văn bản dưới luật điều chỉnh và hướng dẫn. Trong khuôn khổ nội dung bài viết này, người viết chỉ phân tích, trao đổi những vấn đề liên quan đến thẩm quyền giải quyết và thời hiệu giải quyết việc khiếu nại thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã và huyện theo Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành.
Trước hết nói về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của cấp xã và huyện theo Điều 19 Luật khiếu nại, tố cáo :
- Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình và của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.
- Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.
- Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với Quyết định hành chính, hành vi hành chính của chính mình và giải quyết khiếu nại mà Chủ tịch UBND cấp xã, thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cấp huyện đã giải quyết nhưng còn khiếu nại (tức là giải quyết khiếu nại lần 2).
Căn cứ vào nội dung quy định của Luật khiếu nại tố cáo chúng ta nhận thấy Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ là người giải quyết các khiếu nại của cấp xã và những việc khiếu nại của các cơ quan thuộc UBND cấp huyện đã được giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại. Bên cạnh đó Chủ tịch UBND cấp huyện còn phải giải quyết khiếu nại lần đầu đối với Quyết định hành chính và hành vi hành chính của chính mình. Do đó Chủ tịch UBND cấp huyện là chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu lẫn lần thứ hai tuỳ theo việc khiếu nại thuộc cấp nào, khiếu nại ai…
Về thời hiệu giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết khiếu nại của UBND cấp xã, huyện được quy định tại Điều 36 Luật Khiếu nại tố cáo theo đó thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết và có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết. Đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn này không quá 45 ngày và có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết. Mặt khác, trong thời hạn quy định nêu trên mà người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không giải quyết khiếu nại thì phải bị xem xét xử lý kỷ luật. Người khiếu nại có quyền kiến nghị với cấp trên trực tiếp của người không giải quyết khiếu nại để xem xét xử lý kỷ luật người đó. Cần chú ý rằng việc khiếu nại phải được thực hiện trong thời hạn quy định nêu trên và nếu quá thời hạn thì vấn đề giải quyết có thể không được xem xét và giải quyết sẽ ảnh hưởng đến quyền khiếu nại của công dân.
Trên đây là những nội dung cơ bản về thẩm quyền giải quyết cũng như thời hiệu giải quyết khiếu nại của UBND xã, huyện trên cơ sở những quy định của Luật Khiếu nại tố cáo hiện hành, góp phần vào việc tìm hiểu và thực hiện quyền khiếu nại của công dân một cách chính xác và hiệu quả hơn.
Nguyễn Thanh Xuân