Sáng nay (4/11), Quốc hội thảo luận ở Tổ về Đề án thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã. Trước đó, chiều ngày 3/11, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn đã trình Quốc hội Đề án này.
Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết, việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường dự kiến được tiến hành tại 10 tỉnh, thành phố với 69 huyện, 32 quận và 483 phường; thí điểm dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã được tổ chức tại 385 xã thuộc 39 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là việc hoàn toàn mới, nên cần tiến hành thí điểm, kết quả thí điểm sẽ là cơ sở thực tiễn để thực hiện chính thức, trước khi sửa đổi quy định này trong Hiến pháp và các văn bản Luật liên quan. Nếu Quốc hội nhất trí thông qua thì Chính phủ sẽ cho tổ chức thực hiện ngay từ đầu năm 2009.
Theo Đề án, người ứng cử Chủ tịch UBND xã phải ở độ tuổi từ 21- 50, trường hợp đặc biệt không quá 55 tuổi. Về học vấn, người ứng cử Chủ tịch UBND xã ít nhất phải có trình độ THPT, đối với các xã miền núi có thể tốt nghiệp THCS. Riêng về chuyên môn nghiệp vụ thì ở khu vực đô thị phải có trình độ đại học trở lên, ở khu vực đồng bằng có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên, ở khu vực miền núi phải được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nếu được bầu để giữ chức vụ lần đầu phải có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên. Dự thảo Đề án cũng quy định chi tiết nhiều điều kiện khác đối với người ứng cử vào vị trí này.
Về quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ra ứng cử Chủ tịch UBND xã, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cho biết được xây dựng theo quy trình hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND đã quy định trong Luật Bầu cử đại biểu HĐND nhưng có sự rút gọn các bước và thời gian tiến hành. Đề án cũng quy định rõ các trường hợp bãi nhiệm Chủ tịch UBND xã do nhân dân bầu trực tiếp. Theo đó, Chủ tịch xã do dân bầu mà không hoàn thành nhiệm vụ; vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, tham nhũng, lãng phí, không phục tùng sự chỉ đạo, điều hành của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp trên; vi phạm pháp luật đã có kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; không còn được nhân dân tín nhiệm... thì sẽ bị bãi nhiệm. Trong trường hợp này, Đề án cũng quy định 2 quy trình để tiến hành bãi nhiệm. Một là quy trình bãi nhiệm thông qua HĐND. Quy trình này được thực hiện bằng cách HĐND xã tiến hành họp để bỏ phiếu bãi nhiệm Chủ tịch UBND xã khi vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật đảng (đối với đảng viên), đã có quyết định hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Quy trình thứ hai là cử tri toàn xã bãi nhiệm. Quy trình này áp dụng đối với trường hợp Chủ tịch UBND xã tuy không vi phạm kỷ luật đảng, không vi phạm pháp luật nhưng không hoàn thành nhiệm vụ được giao, không còn được cử tri tín nhiệm. Theo đề nghị của Ủy ban MTTQ xã hoặc ít nhất một phần ba tổng số cử tri toàn xã kiến nghị bằng văn bản gửi đến Ủy ban MTTQ xã về việc bãi nhiệm Chủ tịch UBND xã thì UBND huyện xem xét, ấn định ngày bỏ phiếu bãi nhiệm Chủ tịch UBND xã. Nếu kết quả bỏ phiếu có quá ½ cử tri tán thành bãi nhiệm thì Chủ tịch UBND huyện ra quyết định bãi nhiệm Chủ tịch UBND xã.
Dự kiến, ngày 15/11, Quốc hội sẽ thông qua Đề án này trước khi họp phiên bế mạc.
Hồng Thúy