Thực hiện Bảo hiểm y tế toàn dân: Công cụ xử phạt phải nghiêm minh

23/10/2008
Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách mang tính xã hội rất cao, không vì mục tiêu lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức, quản lý, có ý nghĩa chia xẻ rủi ra, hỗ trợ quan trọng đối với những người không may lâm bệnh. Nhưng đến nay, chính sách này vẫn đang “ngẩn ngơ”, lạc lõng giữa dòng chảy của cuộc sống vì luật còn thiếu đầy đủ, thiếu sự hợp tác từ cộng đồng và thiếu cả tiếng nói chung của những người trong cuộc…

Bài 1: Thiếu chỗ dựa để thực thi

“Ngẩn ngơ” chính sách

Trong những năm qua, số người được thụ hưởng chính sách BHYT đã liên tục gia tăng nhờ các qui định về BHYT bắt buộc (Điều 3 Điều lệ BHXH) và BHYT tự nguyện (Điều 4 Điều lệ BHYT). Tính đến hết năm 2006, hầu hết các địa phương (trừ Hòa Bình, Quảng Trị, Phú Yên) đều đã thực hiện BHYT cho người nghèo – một trong những đối tượng của BHYT bắt buộc. Nhưng số liệu của Vụ Bảo hiểm y tế (BHTY) – Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ bao phủ của BHYT năm 2007 cũng mới chỉ đạt 42,2% dân số.

Một thực tế theo TS. Bùi Văn Hồng (Trung tâm Nghiên cứu khoa học – BHXH Việt Nam) là mức đóng BHYT của các đối tượng nhìn chung rất thấp so với mức được hưởng nên càng tăng số người tham gia BHYT thì quỹ càng bị thâm hụt. Hơn nữa, mức đóng BHYT bắt buộc và tự nguyện hiện nay được qui định còn chênh lệch rất lớn, chưa huy động được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, cũng là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng mất cân đối thu chi của quỹ BHYT, nhất là quỹ BHYT tự nguyện. Đây là một khó khăn rất lớn cho việc thực thi chính sách BHYT.

Ngoài ra, ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, chính sách BHYT cũng khó đến với từng người tham gia BHYT vì trong điều kiện đi lại khó khăn, người dân sống xa các trung tâm y tế, các cơ sở KCB, cùng với các phong tục lạc hậu nên tần suất KCB của họ nhìn chung là thấp. Không những vậy, dù mức đóng chỉ vài chục nghìn đồng (50.000đ/năm đối với người nghèo), nhưng với điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều vùng, người dân còn không có tiền mặt thì tham gia BHYT là việc “bất khả thi”. Thậm chí,  nhiều người thấy “phí” khi tham BHYT.

Cho đến nay, chính sách BHYT đang được thực hiện dưới sự điều chỉnh của Nghị định 63/2005/NĐ-CP (ngày 16/5/2005) của Chính phủ ban hành Điều lệ BHYT. Dù chỉ mới bước qua năm thứ tư thực hiện NĐ này nhưng Chính phủ đang phải xem xét sửa đổi, bổ sung NĐ 63 về đối tượng BHYT bắt buộc, thẻ BHYT, quyền lợi của người tham gia BHYT, thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) của người tham gia BHYT… Điều đó cho thấy, những qui định về một chính sách lớn, liên quan đến lợi ích của đại đa số người dân, nhất là những người thuộc nhóm “yếu thế” trong xã hội, chưa có một chỗ dựa vững chắc để thực thi hiệu quả, đạt được mục tiêu BHYT toàn dân.

Qui định “đá nhau”

NĐ 63 được coi là “tay vịn” cho việc thực hiện chính sách BHYT  nhưng chỉ vài tháng sau khi NĐ này được ban hành, Thông tư liên tịch số 22/2005/TTLT-BYT-BTC (ngày 24/8/2005) ra đời đã dẫn đến sự mâu thuẫn trong qui định về đối tượng tham gia BHYT tự nguyện.

Theo Điều 25 NĐ 63, BHYT tự nguyện có điều kiện “giang rộng vòng tay” với cả những người đã tham gia BHYT bắt buộc nhưng muốn tham gia BHYT tự nguyện để hưởng mức dịch vụ y tế cao hơn người tham gia BHYT bắt buộc. Nhưng TTLT 22 lại không cho người đã có thẻ BHYT bắt buộc tham gia BHYT tự nguyện với qui định: BHYT tự nguyện không áp dụng với những người đã có thẻ BHYT bắt buộc. Về nguyên tắc, NĐ có hiệu lực cao hơn Thông tư nhưng TTLT 22 ra đời lại là để hướng dẫn việc thực hiện BHYT. Vậy là “đá nhau”, thực hiện kiểu gì cũng được, tùy thuộc vào người áp dụng. Hậu quả là người được, kẻ không, dẫn đến những phàn nàn, bất bình… và tất yếu là không thiện cảm với BHYT.

Rồi cả vấn đề về quyền lợi của người tham gia BHYT cũng đang không rõ ràng về qui định. Một ví dụ rất điển hình là dù đã có nhiều văn bản hướng dẫn về thu một phần viện phí nhưng bất cập vẫn tồn tại như một điều hiển nhiên trong lĩnh vực này. TS. Đỗ Ngân Bình (Khoa Pháp luật Kinh tế - Đại học Luật Hà Nội) thấy rằng, mức chênh lệch giữa giá tối thiểu và giá tối đa trong Thông tư 03/2006/TTLT – BYT – BTC – BLĐTB&XH quá xa nhau, lại hướng dẫn chung chung nên tạo ra sự tùy tiện trong việc thu viện phí của bệnh viện. Không ít các bệnh viện đã dự vào qui định này để áp dụng mức giá tối đa làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh…

Với những gì vấp phải, chính sách BHYT đang cần một hành lang pháp lý rõ ràng, sáng sủa hơn, không chỉ để khắc phục bất cập trong các qui định hiện hành, mà còn giúp BHYT thực sự hòa nhập được với cuộc sống./.

 

Cơ cấu tham gia BHYT tính đến hết năm 2006 gồm: người hưu trí, mất sức lao động (5,2%), người lao động (17,5%), người có công, người cao tuổi (6,4%), người nghèo (43,4%) tham gia BHYT bắt buộc và nông dân, lao động tự do, thân nhân (4%), học sinh sinh viên (23,5%) tham gia BHYT tự nguyện.

Bài 2: Không thể vắng bóng chế tài

Các qui định về BHYT đang góp phần đáng kể trong việc thưc hiện các mục tiêu an sinh xã hội. Nhưng vấn đề là làm thế nào để bắt buộc thực hiện BHYT trên cơ sở tự nguyện của toàn xã hội. Đó là câu hỏi lớn trong quá trình thực hiện chính sách BHYT suốt 10 năm qua.

Phát huy yếu tố tự nguyện

Một trong những nguyên tắc của BHYT là “tham gia bắt buộc” để tạo thêm nguồn lực cho ngành y tế, tăng cường khả năng tiếp cận, sự công bằng cho người dân đối với các dịch vụ y tế. Do đó, GS.Nguyễn Lân Dũng cho rằng, dù chính sách BHYT là của Nhà nước, do Nhà nước tổ chức, quản lý nhưng không thể “phó mặc” hoàn toàn cho Nhà nước gánh vác mà toàn dân phải tham gia. Vấn đề là không phải ai tham gia BHYT cũng có thể được thụ hưởng ngay kết quả, nên cần phải vận động, khuyến khích để tối đa người dân “tự nguyện tham gia BHYT bắt buộc”. Tính tự nguyện này cần được thể hiện rõ trong các qui định của pháp luật.

Khi xây dựng Dự án Luật BHYT, một vấn đề gây tranh cãi là nên qui định BHYT bắt buộc hay qui định BHYT bắt buộc kết hợp tự nguyện. Thực tế thi hành chính sách BHYT cho thấy, nếu qui định hình thức BHYT tự nguyện thì sẽ có những lựa chọn gây bất lợi cho quỹ BHYT vì chủ yếu những người bị bệnh mới tham gia BHYT tự nguyện. Nhưng nếu chỉ qui định hình thức bắt buộc thì lại thiếu tính khả thi khi một số nhóm chưa thể tham gia. Mặc dù trong dự án Luật BHYT không đề cập đến BHYT tự nguyện nhưng căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội cũng như nhằm thực hiện chính sách toàn dân tham gia BHYT, nhiều ý kiến vẫn cho rằng cần có qui định để đề cao mục đích tương trợ cộng đồng của loại hình BHYT tự nguyện như mức phí khác nhau giữa các đối tượng, các chế độ khám chữa bệnh tương ứng…

TS. Diệp Văn Sơn khẳng định, những khiếm khuyết trong chính sách BHYT khó có thể cải thiện bằng kêu gọi “lương tâm”, “y đức”, “trách nhiệm”… mà phải được xử lý bằng cơ chế. Trước hết, phải ưu tiên đưa vốn BHYT đến chi trả cho người bệnh, đầu tư trang thiết bị cho cơ sở y tế phục vụ việc KCB cho người dân, không nên lấy tiền BHYT để “nuôi” bộ máy hành chính quản lý quỹ BHYT. Nghĩa là vốn BHYT phải chuyển từ người cung cấp dịch vụ sang người thụ hưởng dịch vụ y tế để thu hút người dân tự nguyện đến với BHYT.

Phải thực sự là “chủ” thẻ BHYT

Kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh, BHYT là một cơ chế để huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào việc bảo vệ sức khỏe toàn dân. Vì thế, để thiết kế và thực hiện BHYT toàn dân, theo bà Nguyễn Kim Phương (Chương trình Tài chính y tế - Tổ chức Y tế thế giới), tổ chức BHYT cần có quyền kiểm tra, kiểm toán đơn vị cung ứng dịch vụ khi cần thiết. Nếu phát hiện sai phạm trong quá trình sử dụng quỹ BHYT hay cá nhân, tổ chức trốn đóng góp, chậm nộp hoặc nộp thiếu phí BHYT thì cũng phải có công cụ xử phạt nghiêm minh. Đặc biệt, cần phải có qui định để người tham gia BHYT có thể khiếu nại, đòi lại tiền phí BHYT đã bị sử dụng sai mục đích, được bồi thường nếu không được hưởng đầy đủ các quyền lợi, dịch vụ y tế cần thiết khi tham gia BHYT… Không những thế, GS. Nguyễn Lân Dũng còn đề xuất xây dựng một hệ thống thông tin để người dân có thể biết quỹ BHYT được sử dụng như thế nào.

GS.Phạm Song đề nghị phải có những qui định nghiêm khắc, bắt buộc người sử dụng lao động phải thực hiện nghĩa vụ đóng BHYT cho người lao động như phạt gấp 10 lần số tiền phí BHYT mà người sử dụng lao động đã không đóng cho người lao động hay qui định công đoàn phải “vào cuộc”... Hiện nay, mới có hơn 50% trong tổng số 13,5 triệu người lao động hưởng lương đóng BHYT. Ông Rcom Sa Duyên (ĐBQH tỉnh Gia Lai) cho biết, nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh “lách luật” để không đóng BHYT cho người lao động khiến người lao động không được hưởng các quyền lợi về BHYT nhưng các cơ quan chức năng lại chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý.

So với các quốc gia khác trên thế giới, ngân sách chi cho y tế của Việt Nam đứng thứ 189/191, nên chính sách cơ bản là phải tăng cường cho y tế, nhất là những đối tượng BHYT. Vì thế, thực hiện được BHYT toàn dân sẽ tạo điều kiện để mọi người có thể được hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất. Mà điều kiện tiên quyết là cần những chế tài đủ mạnh để tham gia BHYT được thực hiện nghiêm túc./.

 Huy Anh