Vai trò của cơ quan tư pháp trong hoạt động bắt giữ tàu biển: Quan trọng và không thể thiếu

23/10/2008
Đầu tháng 9/2008, Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển đã được công bố. Sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2009, Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển được xem như một cơ sở pháp lý vững chắc để đảm bảo giải quyết các khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cũng như để thi hành án và thực hiện tương trợ tư pháp trong lĩnh vực này. Vì thế, các cơ quan tư pháp sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực thi Pháp lệnh.

Làm tốt vai trò cầu nối

Các quy định liên quan đến thủ tục bắt giữ tàu biển, thả tàu biển được thực hiện để thi hành án và tương trợ tư pháp chiếm trọn Chương IV và V của Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển. Theo đó, nếu muốn bắt giữ tàu biển và thả tàu biển để thi hành án, thì người được thi hành án theo pháp luật thi hành án dân sự của Việt Nam thông qua cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, có quyền yêu cầu Toà án có thẩm quyền (là Toà án nhân dân cấp tỉnh) quyết định bắt giữ tàu biển để thi hành án. Về phía mình, cơ quan thi hành án dân sự ngay sau khi nhận được đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án cùng các tài liệu chứng cớ kèm theo phải vào sổ nhận đơn và có văn bản chuyển đơn cùng các tài liệu, chứng cớ kèm theo cho Toà án có thẩm quyền thực hiện việc bắt giữ tàu biển

Tương tự, thủ tục bắt giữ tàu biển, thả tàu biển để thực hiện tương trợ tư pháp, vai trò Bộ Tư pháp cũng là rất quan trọng và không thể thiếu. Đối với các hoạt động uỷ thác tư pháp cho toà án nước ngoài và thực hiện việc uỷ thác tư pháp của toà án nước ngoài bắt giữ tàu biển, sau khi nhận được hồ sơ uỷ thác tư pháp, Bộ Tư pháp sẽ chuyển cho Toà án có thẩm quyền  của nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà nước CHXHCNVN và nước ngoài là thành viên hoặc thông qua kênh ngoại giao (đối với hoạt động uỷ thác) và Toà án có thẩm quyền tại Việt Nam theo luật định (đối với hoạt động thực hiện uỷ thác). Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì Bộ Tư pháp sẽ trả lại cho Toà án đã lập hồ sơ và nêu rõ lý do. Sau khi nhận được hồi âm từ Toà án có thẩm quyền, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chuyển văn bản hồi âm đó cho Toà án có thẩm quyền ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài đã gửi hồ sơ uỷ thác tư pháp.

Ngoài ra, các hoạt động trả lại đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án và trả lại văn bản uỷ thác tư pháp các Toà án có thẩm quyền đều phải thông qua cơ quan thi hành án dân sự và Bộ Tư pháp

Hiểu thế nào về cụm từ “ngay sau khi”?

            Tại các Điều 47, 63 về việc thực hiện thủ tục bắt giữ tàu biển, thả tàu biển được thực hiện để thi hành án và tương trợ tư pháp, Pháp lệnh quy định: “Ngay sau khi nhận được đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án và các tài liệu, chứng cớ kèm theo, cơ quan thi hành án dân sự phải vào sổ nhận đơn...” (Điều 47 Khoản 1) và “Ngay sau khi nhận được văn bản uỷ thác về việc bắt giữ tàu biển và các tài liệu, chứng cơ kèm theo, Bộ Tư pháp Việt nam phải vào sổ và có văn bản chuyển văn bản uỷ thác về việc bắt giữ tàu biển...” (Điều 63 Khoản 1). Xét ở góc độ kỹ thuật lập pháp, cụm từ “ngay sau khi” này tương đối là khó hiểu, bởi nó không chỉ ra một mốc thời gian nhất định và cụ thể nào như vẫn thường thấy trong các VBQPPL khác (ví dụ: trong thời hạn 5 ngày làm việc...). Càng khó hiểu hơn nữa khi Pháp lệnh này điều chỉnh hoạt động bắt giữ, thả tàu biển vốn xưa nay là hoạt động cần được thực hiện khẩn cấp vì liên quan đến quyền lợi kinh tế của cả đôi bên yêu cầu bắt giữ và bên bị bắt giữ.

            Lý giải cho vấn đề này, tại buổi họp công bố Pháp lệnh, Phó Chánh án TANDTC ông Từ Văn Nhũ trả lời câu hỏi của báo giới đã cho biết, Pháp lệnh được xây dựng trên cơ sở triển khai quy định của Bộ luật Hàng hải năm 2005 về bắt giữ, thả tàu biển và các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về việc áp dụng các biện pháp khanả cấp tạm thời. Khi xây dựng luật, Ban soạn thảo đã có sự tham khảo luật của nhiều nước có hoạt động hàng hải mạnh như Hồng Kông, Singapore...Tuy nhiên, trong khuôn khổ của Pháp lệnh, không thể quy định chi tiết một lúc mọi vấn đề, VBQPPL hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ này.

            Đồng ý là vậy, thế nhưng nếu như xét toàn bộ Pháp lệnh thì không phải quy định về thời gian nào cũng phải đợi hướng dẫn. Ví dụ, cũng liên quan tới vai trò của Bộ Tư pháp trong hoạt động uỷ thác tư pháp, Điều 58 Khoản 2 Pháp lệnh quy định: “Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ uỷ thác tư pháp về bắt giữ tàu biển, Bộ Tư pháp vào sổ uỷ thác tư pháp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và chuyển cho toà án...” hay “Trong thời hạn bốn mươi tám giờ kể từ thời điểm nhận được văn bản uỷ thác tư pháp về việc bắt giữ tàu biển và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, Thẩm phán phải xem xét và ra các quyết định...”(Khoản 1 Điều 64). Có thể hiểu sự khác nhau này là như thế nào, hay đó chỉ đơn thuần là lỗi trong kỹ thuật lập pháp mà thôi?

Minh Dương