Dự thảo NĐ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Phá hoại môi trường - miễn hoạt động!

23/10/2008
Nhằm hạn chế tình trạng hiện nay nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt thay vì phải khắc phục xử lý ô nhiễm môi trường, dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên- Môi trường soạn thảo đang trong quá trình lấy ý kiến các tổ chức, nhân dân cả nước.

Tăng cao các mức xử phạt

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, Nghị định 81/2006/NĐ-CP quy định các mức xử phạt cho các hành vi gây ô nhiễm, phá hoại môi trường còn quá nhẹ nên nhiều doanh nghiệp thay vì phải xây dựng công trình xử lý ô nhiễm lại sẵn sàng chịu nộp phạt vì đỡ tốn kém hơn (!). Do đó, dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường lần này được xây dựng trên tinh thần tăng các mức phạt lên tối đa. Cụ thể, các hành vi xả thải, khí, bụi, chất thải rắn...có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường sẽ bị phạt tiền ở mức cao nhất là 500 triệu đồng. Hành vi triển khai dự án mà chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo bổ sung được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt bị phạt tiền từ 200-300 triệu đồng gấp 10 lần mức cũ của Nghị định 81. 

Riêng việc vi phạm các quy định về xả nước thải, dự thảo Nghị định đưa ra 2 phương án xử phạt. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, phương án 2 quy định cụ thể hơn về tổng lượng nước thải ứng với từng mức tiền phạt nên sẽ dễ áp dụng trong thực tế. Đơn cử, đối với hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 50 đến dưới 5.000m3/ngày đối với Nhà máy sản xuất tinh bột biến tính tương tự như  những vi phạm của Công ty Vedan, Miwon vừa qua, mức xử phạt sẽ là 150-200 triệu đồng, trong khi mức cũ theo Nghị định 81 chỉ là 31-37 triệu đồng.

“Giết” môi trường sẽ bị bêu danh

            Không chỉ nâng cao các mức xử phạt, dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn bổ sung rất nhiều hành vi vi phạm bị xử phạt. Đó là, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm cam kết bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường, xả nước thải, xả khí, bụi gây ô nhiễm đất, nước, không khí, vận chuyển, chôn lấp chất thải rắn...có thể bị xử phạt đến mức tối đa là 500 triệu đồng.

            Ngoài bị phạt tiền, các tổ chức, cá nhân vi phạm còn buộc phải thực hiện những biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra như buộc trong thời gian nhất định phải thực hiện biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường, các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, buộc di dời đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường...

            Nghiêm trọng hơn nữa, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong các biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết hoặc bị cấm hoạt động theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt nam , buộc tái xuất hàng hoá, vật phẩm ...gây ô nhiễm môi trường. Tên tuổi các doanh nghiệp “giết” môi trường sẽ bị công khai thông tin trên trang web của Bộ Tài nguyên- Môi trường và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Minh Dương

Khi nào phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường?

 

Theo Luật Bảo vệ môi trường, các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án  công trình quan trọng quốc gia; dự án có sử dụng một phần diện tích đất hoặc có ảnh hưởng xấu đến  khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, các khu di tích lịch sử-văn hoá, di sản tự nhiên, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; dự án có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến nguồn nước lưu vực sông, vùng ven biển, vùng có hệ sinh thái được bảo vệ; dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, cụm làng nghề... thì phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Báo cáo phải lượng hoá được tối đa các ảnh hưởng sẽ diễn ra cho môi trường và đưa ra những biện pháp bảo vệ thích hợp.

 

Nuôi ốc bươu vàng - cấu thành tội hình sự

            Dự án sửa đổi Bộ luật Hình sự (trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 4 đang diễn ra) sẽ bổ sung thêm 3 tội danh mới về môi trường. Trong đó có Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại. Như vậy, các hành vi nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại như trào lưu nuôi ốc bươu vàng, chuột hải ly, bèo Nhật Bản...như trước đây sẽ bị cấu thành tội hình sự. Cơ sở của điều luật này dựa trên rất nhiều các luận cứ khoa học các loài ngoại lai khi được đưa đến môi trường mới do không có đối thủ cạnh tranh, thiên địch nên có sinh sôi nảy nở rất nhanh, phá vỡ cân bằng sinh thái bản địa và vượt khỏi tầm kiểm soát của con người, trở thành loài ngoại lai xâm hại. Vì thế, kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, để bảo vệ môi trường, cần tăng cường khung luật pháp nghiêm minh với các hành vi trên.